Cụ thể, doanh thu tháng 7/2023 của doanh nghiệp dệt may này ước đạt 12,5 triệu USD, giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng ước lãi ròng đạt 0,79 triệu USD, tăng gấp 5,1 lần so với tháng 6/2023 và giảm 25% so với tháng 7/2022.

Xét về cơ cấu doanh thu, mảng may chiếm đến 76% tổng doanh thu của Dệt may Thành Công trong tháng 7/2023, theo sau đó là mảng vải (chiếm 16%) và mảng sợi (chiếm 6%). Luỹ kế 7 tháng đầu năm nay, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu ước đạt 79 triệu USD và lãi ròng 5,2 triệu USD, lần lượt giảm 27% và giảm 22% so với cùng kỳ năm 2022.


Xét về cơ cấu thị trường, hơn 95% doanh thu của Dệt may Thành Công đến từ kênh xuất khẩu trong tháng 7 vừa qua. Trong đó, khu vực châu Á chiếm đến 65,7% tổng doanh thu (Hàn Quốc chiếm 24,54%; Nhật Bản chiếm 21,42%, Trung Quốc chiếm 6,82%). Khu vực châu Mỹ chiếm 31,7% (Hoa Kỳ chiếm 28,13%, Canada chiếm 3,59%). Khu vực châu Âu chiếm 1,93% tổng doanh thu của doanh nghiệp này.

Đáng chú ý, Dệt may Thành Công cho biết tình hình kinh doanh đã khả quan hơn và bắt đầu có dấu hiệu phục hồi khi thị trường Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu, hai thị trường xuất khẩu trọng điểm của ngành dệt may Việt Nam, đã khởi sắc trở lại với tín hiệu tốt hơn so với các tháng trước.

Về tình hình đơn hàng, Dệt may Thành Công cho biết hiện vẫn chưa nhận đủ đơn hàng cho cuối năm và hoạt động chưa tối đa công suất. Theo dự báo, mặc dù tình hình mua sắm tốt hơn trước đó nhưng vẫn còn chậm do kinh tế thế giới phục hồi chậm cho đến hết năm 2023. Tính tới thời điểm hiện tại, Dệt may Thành Công mới nhận được khoảng 76% kế hoạch doanh thu đơn hàng cho quý 3 và 86% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng quý 4/2023.


Theo Báo cáo tài chính quý 2/2023, Dệt may Thành Công ghi nhận doanh thu thuần 715 tỷ đồng và lãi ròng chưa đến 2 tỷ đồng, lần lượt giảm 32% và giảm 97% so với quý 2/2022. Đây cũng là quý có mức lợi nhuận thấp nhất của Công ty kể từ quý 4/2021.

Tính chung 6 tháng đầu năm nay, doanh nghiệp dệt may này ghi nhận doanh thu thuần 1.591 tỷ đồng và lãi ròng hơn 56 tỷ đồng, lần lượt giảm 27% và giảm 56% so với nửa đầu năm 2022, và chỉ thực hiện được 23% kế hoạch lợi nhuận năm.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), xuất khẩu toàn ngành dệt may trong 7 tháng đầu năm nay chỉ đạt 22,8 tỷ USD, giảm tới 40% (tương đương giảm 14,7 tỷ USD) so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu tất cả các mặt hàng của ngành đều giảm sâu như: hàng may mặc giảm 13,2%, vải giảm 18%, xơ sợi giảm 20,7%, nguyên phụ liệt giảm 17%, và vải không dệt giảm 25%.

“Tổng cầu dệt may thế giới năm nay có khả năng giảm 8-10%, chắc chắn ngành dệt may Việt Nam còn khó khăn ít nhất đến hết năm nay và sang đầu năm 2024. Dự báo, xuất khẩu dệt may Việt Nam năm nay chỉ có thể đạt trên dưới 40 tỷ USD, giảm khoảng 9-10% so với năm 2022”, VITAS cho biết.

Tuy nhiên, VITAS cho biết các tín hiệu đang cho thấy dự báo tình hình dệt may và nguyên liệu của Việt Nam tiếp tục được phục hồi trong những tháng tới. Gần đây, đối tác từ châu Âu, Đông Bắc Á, Đông Nam Á… đến tìm hiểu sản phẩm may mặc có xu hướng tăng nhanh so với các tháng trước đó. Do đó, kỳ vọng lượng xuất khẩu hàng dệt may nửa cuối năm sẽ tăng so với giai đoạn đầu năm nay.

TCCT