Để đảm bảo duy trì chuỗi cung ứng dệt may, Việt Nam cần có một chiến
lược bài bản. Theo đó đa dạng hóa nguồn cung và ứng dụng chuyển đổi số được coi là
chìa khóa để xây dựng chuỗi cung ứng thông minh và bền vững.
Đảm bảo
chuỗi cung ứng bền vững
Nhờ đà phục
hồi của kinh tế thế giới, xuất khẩu dệt may Việt Nam trong năm 2022 tương đối
thuận lợi. Tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam năm 2022 duy trì mức cao đạt
gần 44,5 tỷ USD, tăng 8% so với năm 2021 nhưng tốc độ tăng trưởng đã chậm lại.
TS Phạm Văn Việt – Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean cho biết: Tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, xu hướng mua hàng của các nhà nhập khẩu may mặc lớn trên thế giới như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản đang thay đổi, họ ưu tiên lựa chọn chuỗi cung ứng có khả năng sản xuất nhiều công đoạn, tập trung tại một địa điểm đồng thời minh bạch toàn bộ quá trình sản xuất từ nguyên liệu đến thành phẩm, trong khi dệt may Việt Nam đang thiếu tính liên kết theo chuỗi cung ứng.
Trong trạng
thái bình thường mới, dệt may Việt Nam cần có những nỗ lực, giải pháp tham gia
sâu hơn, hiệu quả hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. “Đa dạng hóa nguồn cung
và ứng dụng chuyển đổi số được coi là chìa khóa để xây dựng chuỗi cung ứng
thông minh và bền vững”- ông Phạm Văn Việt nhấn mạnh.
Chuỗi cung
ứng bền vững không phải là một khái niệm mới đối với ngành dệt may, tuy nhiên
việc thay đổi mô hình sản xuất- kinh doanh từ tìm nguồn cung tiêu chuẩn và bền
vững đến xây dựng quy trình sản xuất không ô nhiễm, tác động tiêu cực đến môi
trường, phân phối các sản phẩm có “nhãn xanh” thân thiện môi trường đến tay người
tiêu dùng đã yêu cầu đặt ra ngành dệt may cần phải có chiến lược dài hạn, bài bản
trong việc xây dựng chuỗi cung ứng bền vững.
Cũng theo
ông Phạm Văn Việt, doanh nghiệp Việt Nam cần phải tư duy dài hạn về tái cấu
trúc chuỗi cung ứng, cần định vị lại vị thế của mình. Không còn đơn thuần là
gia công công đoạn (CMT) lợi nhuận thấp, thường xuyên bị ép giá mà phải sớm
chuyển đổi sang FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm), ODM (tự thiết kế) hay
OBM (sở hữu thương hiệu riêng). Nếu thiếu đi tư duy dài hạn và tầm nhìn lớn,
doanh nghiệp Việt không thể tận dụng cơ hội này để đi sâu vào chuỗi cung ứng
toàn cầu.
Thực tiễn cho thấy, đầu tư cho công nghệ, quy trình sản xuất “xanh” hay xây dựng thương hiệu riêng không dễ dàng. Doanh nghiệp cần có nguồn vốn, nguồn nhân lực trình độ cao cũng như khung hành lang pháp lý thông thoáng.
Theo ông
Trần Như Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Trưởng ban Phát triển bền
vững chia sẻ: Thời gian qua cũng đã có nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, cải
tiến công nghệ nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, số lượng chưa
nhiều. Ngoài nỗ lực của các doanh nghiệp, ngành dệt may rất cần sự hỗ trợ của
các cơ quan, ban, ngành để triển khai có hiệu quả.
Chiến lược
nào cho chuỗi cung ứng dệt may?
Chính sách
tốt có vai trò rất quan trọng để duy trì các mối quan hệ trong chuỗi cung ứng
và cho phép doanh nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển lớn mạnh.
Để tăng cường
tính tự chủ về nguyên phụ liệu đầu vào cho sản xuất, giảm sự phụ thuộc vào nguồn
nhập, theo các doanh nghiệp dệt may, theo TS Vũ Đình Ánh- Chuyên gia kinh tế: “Về
lâu dài nhà nước cần hoàn thiện chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ. Cần tập
trung ngay từ khâu vật tư cung ứng nguyên phụ liệu “xanh” cho đến khâu sản xuất
phân phối. Trong đó, phải có định hướng quy hoạch cụm công nghiệp hỗ trợ với cơ
sở hạ tầng hoàn thiện, tập trung vào các công đoạn có lợi thế cạnh tranh rõ rệt
để thu hút đầu tư FDI”.
TS Vũ Đình Ánh cho rằng: “Nhà nước cần phát huy hiệu quả vai trò của các Tham tán thương mại nước ngoài nhằm tăng cường tìm kiếm, mở rộng thị trường ở cả chiều nhập và xuất khẩu, kết hợp hỗ trợ doanh nghiệp nhận chuyển giao kỹ thuật, công nghệ 4.0, từ đó bắt kịp xu thế để tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu”.
Ở góc nhìn khác, TS. Phạm Văn Việt cho rằng, để tạo tiền đề phát triển ngành dệt may bền vững, cần thiết phải quy hoạch, hình thành Trung tâm thiết kế thời trang tại TP. Hồ Chí Minh - địa phương đóng góp hơn 40% kim ngạch xuất khẩu dệt may cả nước. Đây là “sân chơi” cho các nhà thiết kế, các doanh nghiệp thời trang khu vực phía Nam và của cả nước.
Trung tâm
thời trang có thể được xem là hệ sinh thái chuỗi cung ứng thông qua các chức
năng chính: đào tạo thiết kế, giới thiệu nguyên phụ liệu, quảng bá sản phẩm
thương hiệu, khu lưu trú cho người lao động, giúp tạo động lực phát triển ngành
dệt may.
“Trong đó, chú trọng chức năng đào tạo nhân lực để có thể “sản sinh” các nhà thiết kế giỏi, xây dựng được thương hiệu riêng, nâng cao chuỗi giá trị và khẳng định vị thế doanh nghiệp Dệt may Việt Nam trên bản đồ Dệt may thế giới”- ông Việt chia sẻ.
Cũng theo
ông Tùng, dự kiến trong năm 2023, Hiệp hội Dệt may Việt Nam sẽ tiếp tục kiến
nghị các chính sách với cơ quan chức năng để giúp doanh nghiệp dệt may phát triển
nhanh và mạnh hơn. Đồng thời, tăng cường phối hợp với nhiều tổ chức trong và
ngoài nước hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp dệt may với những chuyên gia, công nghệ,
vốn...
Hiện
tại, ngành dệt may Việt Nam là một trong những ngành đóng góp rất lớn cho nền
kinh tế đất nước, giải quyết việc làm cho người lao động ở hầu hết các tỉnh,
thành phố trong cả nước. Ngành dệt may Việt Nam đang xuất khẩu sang khoảng
66 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu, với 55 mặt hàng chủ lực.
Năm 2023, Việt Nam mục tiêu kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may đạt từ
47 - 48 tỷ USD.
Theo BCT