Hệ thống
tiêu chuẩn quốc gia sẽ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thông tin, hiểu
yêu cầu quy định đối với thị trường và sản phẩm, dịch vụ Halal.
Tiêu chuẩn
mang tính đặc thù
Hiện nay,
với hơn 1,9 tỷ người tiêu dùng Hồi giáo, tương đương 1/4 dân số thế giới, thị
trường sản phẩm Halal ngày càng phát triển nhanh chóng. Halal có nguồn gốc từ
tiếng Ả Rập, có nghĩa là “hợp pháp” và các sản phẩm Halal chính là sản phẩm phù
hợp quy định của pháp luật Hồi giáo. Đối lập với Halal là Haram, nghĩa là trái
pháp luật hoặc bị cấm.
Halal và
Haram là những thuật ngữ áp dụng cho tất cả khía cạnh của cuộc sống người Hồi
giáo. Đối với người Hồi giáo, sản phẩm Halal không chỉ là lựa chọn ưu tiên mà
còn là nghĩa vụ tôn giáo. Người Hồi giáo chỉ tiêu thụ sản phẩm Halal. Sản phẩm
Halal không chỉ là thực phẩm như chúng ta thường hay nghĩ tới, mà thực tế rất rộng
bao gồm cả ngành dược mỹ phẩm, thời trang, dịch vụ du lịch, tài chính ngân
hàng, logistics,…
Thời gian
qua, Việt Nam được biết đến là quốc gia có nhiều tiềm năng xuất khẩu sản phẩm
ngành Halal, với các lý do như vị trí địa lý thuận lợi, gần những thị trường
Halal lớn tại Đông Nam Á, châu Á, có nhiều thế mạnh về thực phẩm, du lịch, dịch
vụ, đặc biệt là có nền nông nghiệp phát triển, với nhiều loại nông sản chất lượng
cao. Việt Nam cũng có nền công nghiệp chế biến thực phẩm hiện đại, có thể đáp ứng
yêu cầu nghiêm ngặt về sản phẩm ngành Halal.
Mặt khác,
Việt Nam là thị trường rộng lớn và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, toàn diện
khi tham gia hàng loạt Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: Hiệp định
Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác
toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế
toàn diện khu vực (RCEP)... Đây là cơ sở quan trọng giúp doanh nghiệp tiếp cận
các thị trường khó tính, tiêu chuẩn cao như EU, thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm của
Việt Nam, trong đó có sản phẩm ngành Halal.
So với yêu cầu tiêu chuẩn của các thị trường khác thì tiêu chuẩn Halal rất đặc thù. Bên cạnh yêu cầu cơ bản về hệ thống kiểm soát sản xuất, nhân sự,… thì doanh nghiệp sản xuất Halal cần đáp ứng yêu cầu đặc thù khác. Chẳng hạn, sản phẩm không phải Haram hoặc sử dụng những thành phần không phải Haram phù hợp yêu cầu của luật Shari’ah và thiên kinh Quran. Dây chuyền sản xuất không sử dụng chung cho sản xuất Halal và Haram. Đối với doanh nghiệp có sản xuất sản phẩm liên quan đến động vật (không bao gồm thủy sản) bắt buộc áp dụng yêu cầu nghiêm ngặt hơn.
Hoàn thiện
tiêu chuẩn quốc gia cho sản phẩm, dịch vụ Halal
Bà Hồ Thị
Loan - Giám đốc Kinh doanh Công nghiệp, Công ty Cổ phần Nafoods Group - doanh
nghiệp đã và đang tiếp cận thị trường Hồi giáo cho biết, tiêu chuẩn Halal là
“chìa khoá” để doanh nghiệp bước vào thị trường tiêu thụ của người Hồi giáo.
Nafoods Group đã xác định điều này và áp dụng tiêu chuẩn Halal ngay từ những
ngày đầu mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.
“Ví dụ như
đối với sản phẩm nước ép, trái cây đông lạnh và sản phẩm tự nhiên, nguyên chất,
nguyên liệu sử dụng không có Haram, được sản xuất theo quy trình đảm bảo chất
lượng nên dễ dàng được cấp chứng nhận Halal. Còn các sản phẩm trái cây sấy hay
đóng hộp có sử dụng các thành phần bổ sung như đường thì việc đánh giá sẽ yêu cầu
nghiêm ngặt hơn. Như đường sử dụng phải có chứng nhận Halal và chứng nhận đó phải
được đơn vị uy tín cấp”, bà Loan nói.
Về phía cơ
quan quản lý nhà nước, theo ông Nguyễn Văn Khôi - Vụ trưởng Vụ tiêu chuẩn - Ủy
ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia, đến nay, Việt Nam đã ban hành 5
tiêu chuẩn quốc gia TCVN lĩnh vực Halal, bao gồm: TCVN 12944:2020 Thực phẩm
Halal - Yêu cầu chung; TCVN 13708:2023 Thực hành nông nghiệp tốt - Nhà sản xuất
Halal; TCVN 13709:2023 - Thức ăn chăn nuôi Halal; TCVN 13710:2023 Thực phẩm
Halal - Giết mổ gia súc và TCVN 13888:2023 Yêu cầu chung - Tổ chức đánh giá sự
phù hợp Halal.
Với mục
tiêu hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin chính xác về yêu cầu tiêu chuẩn
Halal của các thị trường cũng như yêu cầu về chứng nhận Halal, vào ngày
24/4/2024 vừa qua, Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (QUACERT) đã công bố thành lập
Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia – HALCERT, đơn vị trực thuộc Trung tâm Chứng
nhận Phù hợp, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia.
Ông Bùi Hà
Nam - Vụ trưởng Vụ Trung Đông - châu Phi, Bộ Ngoại giao cho biết, việc thành lập
Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia - HALCERT là dấu mốc quan trọng trong chặng
đường xây dựng và phát triển ngành Halal của Việt Nam một cách toàn diện, bài bản,
chuyên nghiệp và cũng là bước triển khai quan trọng Đề án “Tăng cường hợp tác
quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030” được Thủ
tướng Chính phủ phê duyệt ngày 14/2/2023.
Thời gian
tới, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia sẽ tiếp tục nghiên cứu,
hoàn thiện bộ tiêu chuẩn quốc gia cho sản phẩm, dịch vụ Halal trên cơ sở hài
hòa tiêu chuẩn quốc tế, khu vực và nước nhập khẩu. Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia
sẽ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thông tin, hiểu yêu cầu quy định đối với
thị trường và sản phẩm, dịch vụ Halal.
TCCLVN