Các nhà sản xuất chip đang rất trông
chờ việc Washington thông qua dự luật mới trong đó có kế hoạch cung cấp vốn cho
ngành công nghiệp bán dẫn Mỹ, Tuy nhiên việc chấp nhận sử dụng các khoản trợ cấp
này có thể sẽ trở thành rào cản nếu các công ty được hỗ trợ này muốn mở rộng
sang thị trường Trung Quốc.
Những công ty như Intel, TSMC và
Samsung liệu có sẵn sàng trả giá để trao đổi?
Đạo luật Chip và Khoa học trị giá
khoảng 280 tỷ đô la đã được Quốc hội Mỹ thông qua vào tuần trước, trong đó bao
gồm 52 tỷ đô la hỗ trợ cho ngành công nghiệp bán dẫn. Theo đó các công ty nhận
khoản trợ cấp từ liên bang sẽ bị hạn chế thực hiện bất kỳ "giao dịch quan trọng" nào để mở rộng đáng kể năng lực sản
xuất chip của công ty đó ở Trung Quốc hoặc bất kỳ quốc gia nước ngoài nào khác
mà họ quan tâm trong 10 năm.
Mặc dù dường như các nhà sản xuất
chip có thể bảo vệ hoạt động kinh doanh hiện tại của mình tại Trung Quốc, nhưng
theo các nhà phân tích, đạo luật mới này có thể sẽ là một cái bẫy đối với các
công ty khi họ phải đứng trước việc lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc.
Chất bán dẫn được xem là “chiến trường” quan trọng giữa
Washington và Bắc Kinh. Khi chúng đóng vai trò là bộ não của các thiết bị điện
tử, từ điện thoại thông minh, máy tính xách tay đến trung tâm dữ liệu, và chúng
cũng đóng vai trò quan trọng trong các hệ thống vũ khí tinh vi, ví dụ như loại tên
lửa chống tăng Javelin mà Mỹ đang cung cấp cho Ukraine.
Đạo luật Chip mới cũng có các ngoại
lệ có thể cho phép các nhà sản xuất chip tiếp tục đầu tư vào Trung Quốc nếu những
khoản đầu tư đó nhằm bảo vệ các lợi ích kinh doanh hiện có và quan trọng ở nước
này. Nhưng những ngoại lệ này chỉ áp dụng cho việc mở rộng các cơ sở hiện có và
chỉ áp dụng cho "chất bán dẫn kế thừa".
Tức là các công nghệ chip 28nm trở lên – theo Tan Albayrak - luật sư tư vấn của
Reed Smith LLP giải thích.
Albayrak cho biết các ngoại lệ của
đạo luật đối với các khoản đầu tư vào Trung Quốc là nhằm tránh 1 sự gián đoạn đột
ngột cho hoạt động kinh doanh của Mỹ. Albayrak phân tích: “Điều này không làm suy yếu hàng rào bảo vệ của Mỹ, mà là hành động cân
bằng cần thiết trong việc theo đuổi mục tiêu chính sách là giữ lợi thế về công
nghệ.”
Các chip kế thừa được sử dụng
trong nhiều loại thiết bị điện tử, từ điện thoại thông minh, máy tính đến thiết
bị gia dụng và ô tô. Chúng thường được xem như những con chip đồng hành và thường
cần với số lượng lớn hơn nhiều so với những con chip xử lý tiên tiến hơn.
Chủ tịch Hạ
viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi ký Đạo luật Khoa học và CHIPS tại Washington vào ngày
29 tháng 7.
Rất nhiều các tập đoàn, công ty lớn
ngành Chip bán dẫn đặt nhà máy sản xuất như vậy ở Trung Quốc. Như TSMC có nhà
máy ở Nam Kinh hiện đang sản xuất chip 16 nm và 28 nm, trong khi Samsung có nhà
máy lớn tại Tây An, tỉnh Thiểm Tây. SK Hynix thì có các cơ sở tại Vô Tích và Đại
Liên. Intel và Micron của Mỹ đều có các cơ sở đóng gói và thử nghiệm chip ở
Trung Quốc.
Các hạn chế của Đạo luật Chip mới
của Mỹ thoạt nhìn có thể không gây ra những khó khăn hoặc nếu có cũng sẽ không
lớn đối với bất kể hãng sản xuất chíp lớn nào nếu như họ có kế hoahchj sản xuất
các sản phẩm tiên tiến nhất của mình tại Trung quốc hoặc trong một tương lai gần.
Tuy nhiên, các luật sư cảnh báo rằng
các công ty nên xem xét các hạn chế đầu tư một cách nghiêm túc. Clinton Yu – 1 luật
sư tại công ty luật kinh doanh Barnes & Thornburg có trụ sở tại Washington
chuyên về các quy định kiểm soát xuất khẩu và thương mại quốc tế cho biết: "Các hình phạt có thể bao gồm không chỉ
việc mất nguồn tài trợ mà còn cả các hình phạt khác 'vì lợi ích quốc gia”
TSMC, Intel và Samsung hiện không
có bình luận cụ thể nào về các hạn chế đầu tư theo đạo luật mới của Mỹ.
Còn SK Hynix chia sẻ với Nikkei rằng
: “Công ty chúng tôi tuân thủ các quy định
tại các quốc gia nơi chúng tôi kinh doanh. Chúng tôi sẽ ứng phó linh hoạt với
hoàn cảnh thị trường trong kế hoạch đầu tư và sản xuất”
Một nguyên nhân khác gây lo ngại,
theo Martijn Rasser - một thành viên cấp cao và là giám đốc tại Trung tâm An
ninh Mỹ, là các hạn chế có thể là bước dạo đầu cho việc giám sát kỹ hơn các khoản
đầu tư ra nước ngoài của các nhà sản xuất chip.
Rasser đánh giá: “Những hạn chế này nhấn mạnh rằng các nhà hoạch
định chính sách của Mỹ đang ngày càng lo ngại về việc tiền của Mỹ sẽ hỗ trợ việc
xây dựng năng lực sản xuất ở Trung Quốc. Đó đồng thời như một khuân khổ mới khởi
đầu cho về việc đánh giá các khoản đầu tư ra nước ngoài”.
Trong một động thái được cho là việc
các nhà sản xuất Chip hoan nghênh việc Mỹ thông qua đạo luật mới, một số Hãng
đã cam kết đầu tư những khoản lớn như TSMC cam kết đầu tư khoảng 12 tỷ USD ở
Arizona , Samsung 17 tỷ USD ở Texas. SK Hynix tuần trước đã công bố kế hoạch đầu
tư trị giá 15 tỷ USD cho các công ty Mỹ .
Ngoài vấn đề trợ cấp, có một lý do
khác khiến các Hãng sản xuất chip có thể muốn mở rộng tại Mỹ đó là “Tham vọng
chip của Trung Quốc”: Bắc Kinh đã lên kế hoạch nâng thị phần chip tự chế của nước
này lên 70% vào năm 2025.
"Về
lâu dài, tham vọng của Trung Quốc thực sự là thay thế tất cả các chip tiên tiến
bằng chip sản xuất trong nước. Vì vậy, sẽ có một câu hỏi là liệu TSMC và
Samsung có thể thực sự tiếp tục thống trị ngành sản xuất chip ở Trung Quốc hay
không", Louis Lau -
giám đốc đầu tư của Brandes Investment Partners đánh giá: “Tôi nghĩ Mỹ là một khách hàng bị giam cầm nhiều hơn vì các nhà sản xuất
trong nước rất yếu và từ lâu họ đã mất lợi thế trong lĩnh vực sản xuất.”
Dự báo về phản ứng của Trung Quốc
đối với đạo luật mới, Louis Lau cho rằng Trung Quốc sẽ không ngay lâp tức đáp
trả vì hiện Trung Quốc hiện vẫn phụ thuộc vào các công ty bán dẫn nước ngoài.
Ông nói: "Tôi nghĩ rằng Trung Quốc
chưa có đủ tư cách để trừng phạt các công ty. Có thể sau 5, 10 năm nữa ... nếu các
công ty Trung Quốc chuyển sang cung cấp hầu hết các chất bán dẫn cho Trung Quốc,
và họ không cần phải dựa vào TSMC hay Samsung, họ sẽ có thể trừng phạt những
công ty lấy tiền của chính phủ Mỹ.”
Trong khi đó, các nhà sản xuất
chip phải đối mặt với một câu hỏi trực tiếp hơn: Trong một ngành công nghiệp mà
các khoản đầu tư thường được đo bằng hàng nhiều tỷ đô la, liệu 52 tỷ đô la có đủ
không?
Chỉ 39 tỷ đô la tài trợ của Đạo luật
Chip sẽ dành cho lĩnh vực sản xuất chip, trong khi 13 tỷ USD sẽ được phân bổ
cho nghiên cứu phát triển và đổi mới. Tuy nhiên, việc xây dựng các nhà máy sản
xuất chất bán dẫn không chỉ là về các cơ sở sản xuất chip, mà còn liên quan đến
một mạng lưới cung cấp khổng lồ : hàng trăm loại hóa chất và vật liệu, cũng như
thiết bị sản xuất chip và các bộ phận tiêu hao.
Theo Consultancy Bain ước tính rằng
việc tăng công suất chip của Mỹ chỉ từ 5% đến 10% sẽ cần khoảng 40 tỷ USD. Việc
tài trợ cho 10 năm tiếp theo để phát triển các công nghệ mới sẽ còn đắt hơn, trị
giá khoảng 110 tỷ đô la.
"Vì
vậy, 52 tỷ USD chắc chắn sẽ giúp tài trợ cho cả hai nỗ lực này, nhưng không phải
trả đầy đủ cho cả 2", Peter
Hanbury – chuyên gia của Consultancy Bain đánh giá : “Xây dựng lại hệ sinh thái bán dẫn là một đề xuất đắt giá.”
Theo Nikkei