Dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố mới đây cho thấy, chỉ số quản trị mua hàng (PMI) trong tháng 7 đã giảm xuống còn 49 điểm từ mức 50.2 điểm của tháng 6, và dưới mốc 50 điểm – một ngưỡng phân định và đánh giá giữa mức tăng trưởng và suy giảm.

Trong một bài đánh giá trên website chính thức của NBS, Chuyên gia thống kê cấp cao Zhao Qinghe của NBS cho hay: "Mức độ thịnh vượng của nền kinh tế  Trung Quốc đang giảm, nền tảng cho sự phục hồi vẫn cần được củng cố".

Theo nhận định của vị chuyên gia, việc tiếp tục thu hẹp trong các ngành sử dụng nhiều năng lượng, ví dụ như như xăng dầu, than luyện cốc và kim loại, chính là nguyên nhân chủ yếu kéo chỉ số PMI sản xuất tháng 7 của Trung Quốc đi xuống.

Các chỉ số phụ về sản lượng và đơn đặt hàng mới lần lượt giảm 3 điểm và khoảng 2 điểm trong tháng 7, trong khi chỉ số phụ việc làm giảm 0,1 điểm.

Bruce Pang - nhà kinh tế trưởng và người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại Jones Lang Lasalle Inc, cho biết nhu cầu yếu đã hạn chế đà phục hồi của kinh tế Trung Quốc. Bruce Pang dự báo : “Tăng trưởng quý 3 có thể đối mặt với những thách thức lớn hơn dự kiến, vì sự phục hồi diễn ra chậm và mong manh”.

Chỉ số PMI phi sản xuất chính thức trong tháng 7 của Trung Quốc cũng đã giảm xuống 53,8 từ 54,7 điểm trong tháng 6. Chỉ số PMI tổng hợp chính thức, bao gồm sản xuất và dịch vụ, đã giảm từ 54,1 xuống 52,5 điểm.

Nền kinh tế Trung Quốc hầu như không tăng trưởng trong quý thứ 2 trong bối cảnh tình trạng đóng cửa diên ra phố biến và việc các nhà lãnh đạo vẫn lựa chọn Zero Covid là ưu tiên hàng đầu.

Các nhà hoạch định chính sách có thể sẽ bỏ lỡ mục tiêu tăng trưởng GDP "khoảng 5,5%" trong năm nay, theo truyền thông nhà nước đưa tin sau cuộc họp cấp cao của các quan chức chính phủ.

Theo đánh giá của Capital Economics việc các chính sách hạn chế, cùng với mối đe dọa liên tục về việc đóng cửa phòng ngừa dịch bệnh và niềm tin của người tiêu dùng yếu, sẽ tác động tiêu cực đến sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc và việc đạt được các mục tiêu sẽ trở nên khó khăn hơn.

Các lệnh đóng cửa dường như vẫn là tác nhân tiêu cực ảnh hưởng đến sản xuất của các nhà máy

Sau khi phục hồi vào tháng 6, sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã chững lại khi Covdi bùng phát trở lại tại một số thành phố trong khi đó thị trường bất động sản – một lĩnh vực xương sống của nền kinh tế chao đảo sau những khủng hoảng.

Các nhà sản xuất Trung Quốc vẫn đang phải vật lộn với giá nguyên liệu thô tăng cao, khiến cho tỷ suất lợi nhuận bị sụt giảm nghiêm trọng. Đồng thời một nguy cơ tiềm tàng về một cuộc suy thoái trên quy mô toàn cầu đang tác động không nhỏ tới triển vọng xuất khẩu.

Theo World Economics, các biện pháp phong tỏa kiểm soát Covid-19 làm ảnh hưởng và tác động đến 41% doanh nghiệp của Trung Quốc trong tháng 7, mặc dù chỉ số niềm tin kinh doanh sản xuất của các doanh nghiệp đã tăng đáng kể từ 50,2 đieemr trong tháng 6 lên 51,7 điểm vào tháng 7.

Thành phố cảng Thiên Tân, nơi có nhiều nhà máy có liên quan đến hãng sản xuất máy bay Boeing và hãng xe Volkswagen cùng nhiều khu vực khác của Trung Quốc đã siết chặt các hạn chế đi lại trong tháng này để chống chọi các đợt bùng phát dịch mới.

Theo Reuters