Trong
cuộc gặp này, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Kishida sẽ
khẳng định sự bền chặt của liên minh an ninh Mỹ-Nhật, thảo luận các
vấn đề liên quan đến khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng như
cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Trong
bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên không ngừng tăng nhiệt với các động
thái đáp trả cứng rắn của các bên, việc Nhật Bản tái khẳng định liên minh với Mỹ
sẽ tác động ra sao tới an ninh khu vực cũng như việc giải quyết các thách thức
toàn cầu?
Sau
khi lên nắm quyền, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã rất chú trọng thúc đẩy
chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương khi coi đây là khu vực ưu tiên về an
ninh, kinh tế và đối ngoại của Mỹ. Để thực hiện các mục tiêu trong chiến lược này
Washington nhấn mạnh vai trò của các liên minh, liên kết về kinh tế, chính trị
và an ninh mà Mỹ giữ vai trò chủ đạo đồng thời có sự tham gia của Nhật Bản như:
“Bộ tứ kim cương”, tam giác chiến lược “Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc”, “Mỹ - Ấn Độ
- Nhật Bản”, coi đó là các “trụ cột” của chiến lược. Ngoài ra, Mỹ cũng tập
trung tăng cường liên kết với các đồng minh hiệp ước trong khu vực bao gồm Nhật
Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, và Australia nhằm chia sẻ trách nhiệm và
lợi ích.
Có
thể thấy rằng Nhật Bản luôn được nhắc tới trong mọi cấu phần của chiến lược Ấn
Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ và nước này thực sự đóng vai trò quan trọng
giúp Mỹ thực hiện chiến lược này. Chúng ta cũng cần lưu ý rằng, "Tứ giác
kim cương" là một sáng kiến được cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đưa ra
vào năm 2007, nhằm mục đích chính là đối trọng với sức ảnh hưởng của Trung Quốc
trong khu vực.
Mục
đích của nhóm này cũng thống nhất với chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của
Mỹ và điều này thể hiện rằng bản thân Nhật Bản cũng có những lợi ích và mối
quan tâm giống Mỹ. Thêm một điểm nữa đó là trong chuyến công du nước ngoài đầu
tiên, Tổng thống Biden đã tới Nhật Bản với trọng tâm là nhằm làm sâu sắc hơn
các mối quan hệ an ninh, tăng cường quan hệ kinh tế và mở rộng hợp tác giữa Mỹ
và Nhật Bản, đồng minh quan trọng nhất của Mỹ tại châu Á. Ngoài ra, ông Biden
còn sử dụng chuyến thăm Nhật Bản để chính thức công bố sáng kiến Khuôn khổ Kinh
tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) và tìm kiếm sự ủng hộ dành cho sáng kiến
này.
Có
thể thấy rằng mặc dù phải quan tâm nhiều hơn tới chiến sự ở Ukraine cũng như một
số vấn đề trong nước như cuộc khủng hoảng trần nợ, chính quyền Tổng thống Biden
vẫn tiếp tục tập trung củng cố quan hệ với các đồng minh như Nhật Bản và không
quên các lợi ích chiến lược của mình ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Nội dung hội đàm Mỹ-Nhật
Phải
khẳng định thêm rằng, trong tất cả các cuộc hội đàm song phương hay các cuộc gặp
tại các diễn đàn quốc tế, Nhật Bản đều khẳng định Mỹ là đồng minh quan trọng nhất,
đặc biệt trong vấn đề an ninh. Hai bên đều mong muốn gặp nhau bất cứ lúc nào có
thể. Đây là điều đặc biệt trong quan hệ hai nước, bởi họ có nhiều quan điểm
chung trong nhiều vấn đề quốc tế.
Lần
này, hội đàm giữa hai bên diễn ra nhân dịp Tổng thống Joe Biden dự Hội nghị thượng
đỉnh G7 và trước 1 ngày Hội nghị khai mạc. Nó không đơn thuần chỉ là cuộc hội
đàm bàn về tăng cường quan hệ đồng minh mà hội đàm này giống như nguồn năng lượng
tốt để Nhật Bản đưa ra quyết định cuối cùng về những nội dung dự kiến thảo luận,
thống nhất tại hội nghị G7 mà Nhật Bản là nước Chủ tịch và vai trò của Mỹ vẫn rất
quan trọng.
Dự
kiến ngoài vấn đề trong nhóm, thì vấn đề quốc tế như xung đột Nga-Ukraine, quan
điểm phản đối hành vi đơn phương thay đổi hiện trạng tại Biển Đông, Hoa Đông, vấn
đề hạt nhân của Triều Tiên…sẽ được đưa ra thảo luận tại Hội nghị G7. Bởi những
vấn đề này đều là những vấn đề cả Nhật Bản và Mỹ đều rất quan tâm, có tiếng nói
chung trong biện pháp giải quyết. Sự đồng thuận của 2 quốc gia này sẽ khiến các
nước còn lại trong nhóm cũng dễ đồng thuận hơn. Do đó, hội đàm Nhật-Mỹ trước Hội
nghị G7 góp phần vào thành công của Hội nghị này.
Liên
minh an ninh Nhật-Mỹ theo cách sâu hơn là mối quan hệ này phải được mở rộng ra
khu vực và thế giới, bởi hai quốc gia này đều mong muốn mở rộng vai trò bao
quát, chủ động trong bối cảnh thế giới đầy biến động bởi dịch bệnh, thiên tai
và chiến tranh ở đâu đó có thể bùng phát bất cứ lúc nào.
Theo
đó, hai bên cũng sẽ thảo luận về cuộc gặp của Bộ tứ kim cương dự kiến diễn ra tại
Australia vào ngày 24/5 tới. Đây là liên kết quan trọng trong hợp tác an ninh của
Nhật Bản và Mỹ. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại cũng chưa có gì chắc chắn cho
cuộc gặp của Bộ tứ kim cương tại Australia vì theo nguồn tin mới nhất thì Tổng
thống Joe Biden có thể rút ngắn lịch trình về nước sớm để giải quyết vấn đề nội
bộ. Có khả năng cuộc gặp Nhật Bản, Mỹ, Australia và Ấn Độ sẽ diễn ra ngay tại
Nhật Bản.
Như
vậy có thể nói, vai trò của liên minh Nhật Bản và Mỹ trong các vấn đề an ninh
nhóm G7 và quốc tế cực kỳ quan trọng và có trọng lượng trong quyết định nhiều vấn
đề khác của khu vực và thế giới.
Cuộc gặp ba bên Mỹ-Nhật-Hàn
Trước
hết, cần nhấn mạnh lại rằng Nhật Bản và Hàn Quốc là hai quốc gia có thực lực
quân sự đáng kể nhất trong số các đồng minh của Mỹ ở châu Á. Do đó, sự phối hợp
ba bên Mỹ-Hàn Quốc-Nhật Bản sẽ giúp Mỹ tăng cường ảnh hưởng của mình ở khu vực
và liên minh 3 bên này cũng sẽ góp phần giúp Mỹ thực hiện được các mục tiêu ở Ấn
Độ Dương-Thái Bình Dương.
Việc
củng cố liên minh an ninh này trước hết là nhằm đối phó với mối đe dọa hạt nhân
từ Triều Tiên khi nước này thời gian qua đã rất nhiều lần thử tên lửa và có nhiều
phát ngôn cứng rắn và mang tính khiêu khích. Quan chức Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản
gần đây đã nhiều lần gặp nhau để thảo luận cách thức ứng phó với mối đe dọa từ
Triều Tiên và cũng qua các cuộc gặp này Mỹ đã khẳng định cam kết bảo vệ hai đồng
minh của mình trước 1 cuộc tấn công hạt nhân từ Triều Tiên.
Một
động thái không thể không nhắc đến trong thời gian gần đây là việc Mỹ trở thành
trung gian hòa giải quan hệ Nhật Bản – Hàn Quốc, hai nước Đông Bắc Á đã từ lâu
trở thành lực lượng chính và có thực lực nhất của Mỹ ở châu Á – Thái Bình
Dương. Việc quan hệ giữa hai nước này được cải thiện khiến tương lai liên minh
Mỹ – Nhật – Hàn đang có được những điều kiện thuận lợi nhất kể từ sau Chiến
tranh thế giới thứ hai. Khi bộ ba này thống nhất, sức mạnh của Mỹ ở Đông Bắc Á
chắc chắn sẽ mạnh lên đáng kể và liên minh này sẽ trở thành chỗ dựa lớn cho chiến
lược mở rộng liên minh của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương.
Tại
cuộc gặp lần này, ngoài vấn đề hạt nhân Triều Tiên, cuộc chiến ở Ukraine, lãnh
đạo 3 nước được cho là sẽ thảo luận các biện pháp tăng cường hợp tác 3 bên
trong đó có việc lên kế hoạch thành lập cơ chế tham vấn ba bên cho các cố vấn
an ninh quốc gia cùng như thỏa thuận liên kết hệ thống radar của ba nước nhằm dễ
dàng phát hiện các tên lửa của Triều Tiên, thỏa thuận này có thể sẽ được công bố
khi bộ trưởng quốc phòng 3 nước gặp nhau tại Singapore tháng 6 tới.
Nhật
Bản và Mỹ đang hết sức lo ngại về hoạt động phát triển hạt nhân và tên lửa của
Triều Tiên gần đây. Vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên dự kiến sẽ được
đưa ra thảo luận tại Hội nghị G7 lần này và còn là một nội dung trong Tuyên bố
chung.
Nhật
Bản tiếp tục có những biện pháp mạnh với Triều Tiên khi mà từ giữa tháng 4 vừa
qua Nhật Bản tiếp tục kéo dài thời hạn trừng phạt Triều Tiên do nước này đang
gia tăng hoạt động phóng tên lửa liên tục chưa từng có trong tiền lệ, vấn đề
con tin người Nhật bị bắt cóc không có tiến triển.
Mỹ
bên cạnh ủng hộ Nhật Bản trong vấn đề Triều Tiên, đồng thời có nhiều biện pháp
cứng rắn nhất là đã thống nhất với Hàn Quốc trong việc răn đe Triều Tiên.
Nhật
Bản và Mỹ thấy rằng Hàn Quốc có vai trò không thể thiếu giữa cặp quan hệ Hàn-Nhật-Mỹ
trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Bên lề Hội nghị G7 mở rộng,
cuộc gặp 3 bên Hàn-Nhật-Mỹ dự kiến sẽ diễn ra và thảo luận tập trung về vấn đề
Triều Tiên. 3 bên có khả năng cao sẽ thống nhất hình thức răn đe đối với Triều
Tiên. Điều này đã được Thủ tướng Kishida Fumio xác nhận với Tổng thống Yoon
Suk-yeol trong chuyến thăm Hàn Quốc vừa qua.
Với
góc độ đó, lợi ích lớn nhất trong mối quan hệ Nhật-Mỹ-Hàn là có khả năng sẽ làm
cho Triều Tiên giảm thử hạt nhân và phóng tên lửa. Còn hiệu quả đến đâu cũng
còn phụ thuộc vào các biện pháp cụ thể có hài hòa được với lập trường của Triều
Tiên hay không. Ngoài ra, hợp tác 3 bên cũng sẽ làm cho đối tác hợp tác nào đó
của Triều Tiên trong phát triển tên lửa và hạt nhân phải cân nhắc xem có tiếp tục
hay dừng ở mức độ nào đó hay không. Như vậy, chúng ta có thể thấy tia hy vọng
cho một nền hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, điều này đồng nghĩa với việc khu
vực Đông Bắc Á sẽ yên ổn hơn để tập trung cho phát triển kinh tế, nhất là thời
điểm kinh tế thế giới suy thoái do đại dịch Covid-19.
Nội
các Nhật Bản hồi cuối năm ngoái đã thông qua bản cập nhật Chiến lược an ninh quốc
gia, trong đó thể hiện rõ cam kết của Nhật Bản trong việc đầu tư nâng cao năng
lực để đảm nhận vai trò mới cũng như thúc đẩy hợp tác quốc phòng chặt chẽ hơn nữa
với đồng minh Mỹ và các đối tác chung của hai nước. Việc tăng cường liên minh
an ninh Nhật-Mỹ và hợp tác ba bên Nhật-Mỹ-Hàn đóng vai trò quan trọng trong việc
hiện thực hóa Chiến lược an ninh quốc gia này, nhất là trong bối cảnh thế giới
đang phải đối mặt với các thách thức về an ninh, trong đó bán đảo Triều Tiên vẫn
tiếp tục tăng nhiệt.
Theo VOV
Ảnh: Nikkei