Theo Nikkei đưa tin, việc kêu gọi và tạo ra các chuỗi cung ứng cho các loại hàng hóa quan trọng chiến lược trong phạm vi toàn nhóm sẽ là nội dung chính được đưa vào tài liệu ban hành tại hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Tổ chức các nước công nghiệp phát triển G7 sẽ tổ chức vào tháng 5 tới đây tại Hiroshima.

Ý tưởng về việc mở rộng các thỏa thuận chuỗi cung ứng quốc tế khác nhau được thiết lập riêng lẻ bởi Nhật Bản và Mỹ, cũng như Mỹ và Châu Âu, sẽ được mở rộng ra phạm vi bao trùm toàn bộ nhóm 7 nước thuộc G7.

Đề xuất trên sẽ nhắm đến nguồn cung cấp ổn định vi mạch, đất hiếm và các mặt hàng khác được cho là ngày càng quan trọng đối với an ninh kinh tế, đối phó với những rủi ro như khủng hoảng ở Đài Loan xảy ra hoặc chiến tranh Ukraine kéo dài.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã xác định an ninh kinh tế là 1 nội dung chính trong chương trình nghị sự tại hội nghị thượng đỉnh G7 được tổ chức ở Hiroshima trong tháng 5 tới đây mà ông sẽ chủ trì. Đây sẽ là lần đầu tiên an ninh kinh tế sẽ trở thành chủ đề riêng tại một hội nghị thượng đỉnh như vậy.

Các thafnh viên sẽ bắt đầu làm việc trên tài liệu chung trong tháng này. Nhật Bản, với tư cách là quốc gia chủ trì, sẽ bắt đầu nghiên cứu việc tạo ra một mạng lưới cung ứng mang tính hệ thống và bao trùm toàn nhóm G7. Theo cơ chế đó G7 sẽ chỉ định một số hàng hóa cần thiết cho hoạt động kinh tế, thiết lập và hình thành mạng lưới vật liệu và hàng tồn kho cho chúng.

G7 lần đầu tiên lưu ý về khái niệm “an ninh kinh tế” ở tuyên bố chung tại hội nghị thượng đỉnh năm ngoái tại Đức. Việc tạo ra mạng lưới cung ứng sẽ giúp đánh giá năng lực của từng quốc gia trong việc hoạch định các chính sách hợp tác và phát triển kinh tế.

Quyết định của ông Kishida đưa vấn đề này trở thành 1 nội dung trong chương trình nghị sự tại hội nghị thượng đỉnh năm nay cũng nhằm đưa Đức - quốc gia có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc, xích lại gần Nhật Bản và Mỹ. Điều được coi là cần thiết để ngăn chặn dòng chảy hàng hóa và công nghệ đến Trung Quốc thông qua Châu Âu.

Chip bán dẫn rất cần thiết cho việc sản xuất ô tô và thiết bị gia dụng, và Đài Loan – nơi có thị phần và năng lực sản xuất hàng đầu thế giới với hơn 20% sản lượng và những sản phẩm tiên tiến chiếm tới 90%. Trong trường hợp nguồn cung bán dẫn bị gián đoạn nếu khủng hoảng ở Đài Loan diễn ra, G7 cần 1 mạng lưới trong đó vẫn có thể cung ứng ra lượng chíp cần thiết.

Nhật Bản và Mỹ có kế hoạch bắt đầu nghiên cứu sản xuất hàng loạt chất bán dẫn thế hệ tiếp theo để sử dụng trong máy tính lượng tử và các ứng dụng khác, với hy vọng cả châu Âu sẽ tham gia.

Trung Quốc có trữ lượng nguyên tố đất hiếm lớn nhất, được sử dụng trong nam châm và các thành phần khác được tìm thấy trong các sản phẩm ô tô thế hệ tiếp theo và các sản phẩm công nghệ tân tiến khác. Trong khi các quốc gia G7 không nằm trong nhóm dự trữ hàng đầu và khả năng thương lượng của Bắc Kinh, được hỗ trợ bởi các nguồn lực của họ, sẽ không bị suy yếu trừ khi có một động thái thoát khỏi sự phụ thuộc này. Một ví dụ minh chứng rõ nét cho sự phụ thuộc này có thể kể đến sự kiện vào năm 2010, khi Trung Quốc thực hiện các bước hạn chế xuất khẩu sang Nhật Bản để đáp trả vụ va chạm tàu ​​đánh cá ở vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku do Nhật Bản quản lý, mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư.

G7 tham vọng sẽ dành được các lợi ích tài nguyên ở nước ngoài. Thông qua việc mở rộng hợp tác với các quốc gia phía Nam bán cầu nơi có các tài nguyên khoáng sản, chẳng hạn như các nước ở Châu Phi và Nam Mỹ khi lên kế hoạch đóng góp cho các quỹ phát triển cơ sở hạ tầng để hỗ trợ khai thác tại đây.

Ngoài ra các sản phẩm Dược phẩm và các sản phẩm công nghệ sinh học cũng có thể sẽ nằm trong kế hoạch chuỗi cung ứng mà G7 dự định xây dựng.

Theo Nikkei