Với tư cách nước chủ nhà và đảm nhận cương vị Chủ tịch COP27, Ai Cập đề xuất chương trình nghị sự gồm 4 chủ đề chính cho hội nghị năm nay, bao gồm: tài chính khí hậu, thích ứng với biến đổi khí hậu, tổn thất và thiệt hại, và tăng cường tham vọng hành động khí hậu. Ai Cập kỳ vọng COP27 sẽ giải quyết được các vấn đề then chốt như chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra, cũng như vấn đề cung cấp tài chính khí hậu thỏa đáng và công bằng cho các nước đang phát triển.

COP27 diễn ra trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị giữa Nga vs Ukraine tác động mạnh mẽ đến nguồn cung ứng năng lượng toàn cầu, lạm phát tăng cao ở nhiều quốc gia đang gây ra những khó khăn, nhiều thách thức và có khả năng đánh lạc hướng phát triển bền vững của các nền kinh tế.

Các đại biểu tham gia đã khởi động hội nghị với cuộc thảo luận về việc xem xét thỏa thuận bồi thường thiệt hại cho các quốc gia nghèo chịu sự tác động mạnh mẽ do trái đất nogns lên – một chủ đề gây tranh cãi hàng đầu trong số các vấn đề được đề cập kể từ khi các cuộc đàm phán về khí hậu được bắt đầu từ nhiều thập kỷ trước.

Trong hơn một thập kỷ, các quốc gia giàu có đã từ chối các cuộc thảo luận chính thức về những gì được gọi là “tổn thất và thiệt hại” - thuật ngữ được sử dụng để mô tả các quốc gia giàu chi trả tiền để giúp các nước nghèo đối phó với hậu quả của tình trạng trái đất nóng lên mà những quốc gia giàu có ít phải chịu trách nhiệm.

Tại sự kiện COP26 năm ngoái ở Glasgow (tổ chức tại Anh), các quốc gia có thu nhập cao, bao gồm Mỹ và các nước thuộc Liên minh châu Âu đã bác bỏ đề xuất thiết lập 1 cơ quan tài trợ cho các tổn thất và thiệt hại, thay vào đó là ủng hộ 1 cuộc đối thoại kéo dài 3 năm về việc thảo luận các khoản tài trợ.

Tuy nhiên, áp lực giải quyết vấn đề ngày càng mạnh mẽ khi các hiện tượng thiên tai ngày càng gia tăng, chẳng hạn như tình trạng lũ lụt năm nay xảy ra tại Pakistan đã gây thiệt hại kinh tế hơn 30 tỷ USD và khiến hàng trăm nghìn người mất nhà cửa tại quốc gia này.

Chủ tịch COP27 - Sameh Shoukry phát biểu tại phiên họp toàn thể khai mạc hội nghị: “Việc đưa vào chương trình nghị sự này phản ánh tinh thần đoàn kết đối với các nạn nhân của thảm họa khí hậu”. Ông nói thêm rằng quyết định này sẽ tạo ra “một không gian ổn định về mặt thể chế” để thảo luận về việc cấp vốn cho những tổn thất và thiệt hại, và các cuộc đàm phán nhằm đưa ra một quyết định chính xác “không muộn hơn năm 2024”..

Harjeet Singh, người đứng đầu chiến lược chính trị toàn cầu tại Mạng lưới Hành động Khí hậu phi lợi nhuận quốc tế cho biết các cuộc đàm phán vào tối thứ 7 trước khi chương trình nghị sự được thông qua “là vô cùng thách thức”.

Các cuộc đàm phán về khí hậu bắt đầu đã bị phủ bóng đen vì các hoài nghi rằng chính phủ của các quốc gia trên thế giới đã thực hiện đủ các công việc để giải quyết tình trạng ấm lên toàn cầu

Một báo cáo của Liên hợp quốc công bố tuần trước cho biết lượng khí thải toàn cầu đang trên đà tăng 10,6% vào năm 2030 so với mức năm 2010. Các nhà khoa học cho biết lượng khí thải đó phải giảm 43% vào thời điểm này để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với nhiệt độ thời kỳ tiền công nghiệp như mục tiêu của Thỏa thuận Paris năm 2015 - ngưỡng mà biến đổi khí hậu có nguy cơ vượt ngoài tầm kiểm soát.

Các quốc gia giàu có dường như cũng đang hoạt động kém hiệu quả với lời hứa cung cấp 100 tỷ USD mỗi năm vào năm 2020 để giúp các nước đang phát triển cắt giảm lượng khí thải CO2 và thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong khi đó nhiều quốc gia như Mỹ và các thành viên của Liên minh châu Âu, đang kêu gọi tăng cường cung cấp nhiên liệu hóa thạch để giúp hạ giá năng lượng tiêu dùng, một xu hướng có nguy cơ trì hoãn sự chuyển dịch toàn cầu sang năng lượng sạch hơn.

Bất chấp động lực gia tăng để giải quyết tổn thất và thiệt hại do sự gia tăng của các thảm họa thiên nhiên do biến đổi khí hậu gây ra, COP27 hiện đang phải đối mặt với khó khăn trong việc huy động dòng tiền khi ngân sách của các các chính phủ phương Tây cạn kiệt do những khoản chi tiêu khổng lồ để bảo vệ công dân của mình khỏi cơn bão lạm phát.

Tính đến nay, mới chỉ có 2 quốc gia đề xuất mức tài trợ cho những tổn thất và thiệt hại là Đan Mạch cam kết 100 triệu Kr và Scotland cam kết 2 triệu bảng Anh.

Theo RT