Tại buổi tọa đàm “Định giá carbon:
Nguồn lực định hình chiến lược khí hậu của Việt Nam” do Tổ chức Sáng kiến về
Chuyển dịch năng lượng Việt Nam (VIETSE) được tổ chức mới đây tại Hà Nội, các đại
biểu tham dự cho rằng, định giá carbon là công cụ hữu hiệu và khả thi để đạt được
mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045 và đạt phát thải ròng bằng
0 vào năm 2050 như Việt Nam cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia
Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).
Trong 3 thập kỷ qua, nền kinh tế
Việt Nam phát triển nhanh chóng và tỷ lệ thuận với việc gia tăng phát thải khí
nhà kính. Theo Báo cáo kiểm kê khí nhà kính quốc gia mới nhất do Bộ Tài nguyên
và Môi trường thực hiện năm 2016, tổng lượng khí thải cả nước là 316 triệu tấn
CO2 tương đương, dự kiến sẽ tăng lên 928 triệu tấn CO2 tương đương vào năm 2030
và 1,5 tỷ tấn CO2 tương đương vào năm 2050 theo kịch bản phát triển thông thường.
Kể từ năm 2000, lượng khí thải từ các hoạt động năng lượng (bao gồm giao thông
vận tải, công nghiệp và dân cư) tăng nhanh, chiếm 65% tổng lượng khí thải vào
năm 2016. So với các nước láng giềng trong khu vực Đông Nam Á, cường độ phát thải
trên một đơn vị GDP của Việt Nam khá cao, khoảng 0,35 kg CO2/1 USD.
Để đạt được mục tiêu trở thành quốc
gia thu nhập cao vào năm 2045 và đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm
2050 như cam kết tại COP26, Việt Nam phải đối mặt với thách thức phát triển hướng
tới một nền kinh tế carbon thấp nhưng có tốc độ phát triển vượt bậc và sẽ cần
huy động mọi nguồn lực, áp dụng các giải pháp sáng tạo, trong đó định giá
carbon (bao gồm thuế carbon và thị trường carbon) được coi là công cụ hữu hiệu
và khả thi.
Dựa trên phân tích tình hình hiện
tại và những bài học kinh nghiệm quốc tế, các chuyên gia tại Tọa đàm đã đưa ra
những khuyến nghị về phát triển thị trường carbon tại Việt Nam gồm: i) Xác định
rõ ràng cơ chế xử phạt với các đơn vị không tuân thủ hạn ngạch phát thải được cấp;
ii) Thiết lập hạn ngạch phát thải một cách hài hòa giữa mục tiêu cắt giảm phát
thải và phát triển kinh tế, xây dựng bộ hệ số phát thải quốc gia cho từng lĩnh
vực, hoạt động cụ thể, phản ánh đúng hiện trạng phát thải của Việt Nam; iii)
Thiết lập hạn ngạch phát thải theo hướng thúc đẩy các doanh nghiệp sớm áp dụng
công nghệ giảm phát thải; iv) Thử nghiệm trao đổi hạn ngạch phát thải với các
lĩnh vực dễ đo lường, giám sát như điện, công nghiệp, tòa nhà… trước khi mở rộng
sang các lĩnh vực khác và có các điều chỉnh phù hợp để giảm thiểu tác động
không mong muốn; v) Xác định rõ cơ chế sử dụng doanh thu từ thị trường carbon để
đảm bảo hiệu quả thúc đẩy công nghệ phát thải thấp, chẳng hạn thành lập các quỹ
và thiết lập một cơ chế cụ thể và minh bạch để giảm thiểu tác động kinh tế đối
với các nhóm dễ bị tổn thương; vi) Nâng cao năng lực các cấp (cơ quan quản lý,
vận hành thị trường cacbon, ngành chủ quản, cơ sở phát thải) về kiểm kê khí nhà
kính, đo đạc, giám sát, xác minh, cách tham gia đấu giá, trao đổi hạn ngạch…
Theo vjst.vn