Dữ liệu khảo sát của S&P Global cho thấy, chỉ số PMI ngành sản xuất của Hàn Quốc lần đầu tiên mở rộng trong 19 tháng, với lượng đơn hàng tăng trưởng nhờ nhu cầu đang cải thiện ở các thị trường xuất khẩu trọng điểm. Chỉ số PMI của Hàn Quốc tăng lên 51,2 điểm trong tháng 1 so với 49,9 điểm trong tháng 12 năm ngoái. Chỉ số này trên 50 điểm, cho thấy hoạt động sản xuất đang mở rộng, và nếu dưới 50 điểm, báo hiệu sản xuất suy giảm.

“Sức khỏe của lĩnh vực sản xuất Hàn Quốc đã có sự cải thiện mới vào đầu năm 2024. Sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới và xuất khẩu đều tăng trưởng trở lại, trong khi sức mua tăng mạnh hơn”, Usamah Bhatti, chuyên gia kinh tế của S&P Global, nhận xét.

Bhatti cho biết, sự gia tăng số lượng đơn đặt hàng mới, bao gồm cả trong nước lẫn quốc tế, đóng góp mạnh nhất cho mức tăng trưởng của chỉ số PMI ngành sản xuất Hàn Quốc. Ông ghi nhận, đây là lần đầu tiên hoạt động sản xuất của nền kinh tế lớn thứ tư châu Á mở rộng kể từ tháng 6-2022.

“Đối với các nước như Hàn Quốc, tác động từ nhu cầu yếu của Trung Quốc được bù đắp phần nào nhờ khả năng phục hồi xuất khẩu sang Mỹ”, Toru Nishihama, nhà kinh tế trưởng về thị trường mới nổi tại Viện nghiên cứu Dai-ichi Life, nói.

Chỉ số khảo sát tương tự của Việt Nam đạt 50,3 điểm trong tháng 1, cải thiện so với 48,9 điểm trong tháng 12. Trong khi đó, chỉ số PMI ngành sản xuất Indonesia tăng nhẹ lên 52,9 điểm trong tháng 1, từ 52,2 điểm trong tháng cuối năm ngoái.

Chỉ số PMI ngành sản xuất tổng thể của các nền kinh tế ASEAN đạt 50,3 điểm trong tháng 1, tăng từ mức 49,7 điểm của tháng trước đó.

Đây là lần đầu tiên trong 5 tháng chỉ số này của ASEAN vượt 50 điểm, cho thấy hoạt động của các nhà máy phục hồi rộng rãi khắp khu vực Đông Nam Á.

Đài Loan, Malaysia và Thái Lan vẫn ghi nhận chỉ số PMI ngành sản xuất nằm dưới mức dưới 50 điểm trong tháng 1. Tuy nhiên, mức điểm 49 của chỉ số PMI ngành sản xuất Malaysia là cao nhất trong 17 tháng. Điểm số PMI của Đài Loan và Thái Lan trong tháng 1 cũng cải thiện so với tháng 12.

“Dữ liệu khảo sát PMI mới nhất đã bổ sung thêm bằng chứng cho thấy thời kỳ suy thoái sản xuất tồi tệ nhất của Đài Loan hiện lùi lai phía sau, với chỉ số toàn phần đang tiến gần hơn đến mức trung tính quan trọng là 50 điểm”, Annabel Fiddes, Phó Giám đốc kinh tế tại S&P Global, nhận xét.

Bà cho biết thêm, các công ty Đài Loan báo cáo sản lượng và số lượng việc làm mới giảm chậm nhất trong gần một năm, trong khi niềm tin kinh doanh tăng cao trong bối cảnh họ kỳ vọng chứng kiến nhu cầu của khách hàng phục hồi mạnh mẽ trong năm 2024.

Hoạt động sản xuất tại Nhật Bản giảm tháng thứ 8 liên tiếp trong tháng 1 do sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới sụt giảm. Ngược lại, Ấn Độ chứng kiến hoạt động sản xuất cải thiện đáng kể trong tháng 1 với hoạt động của nhà máy mở rộng với tốc độ nhanh nhất trong 4 tháng nhờ nhu cầu mạnh mẽ.

Các cuộc khảo sát PMI tư nhân trên thường được xem là một trong những chỉ số hàng đầu về hoạt động kinh tế ở các nền kinh tế tương ứng. Trong báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế thế giới mới đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) kỳ vọng các nền kinh tế mới nổi ở châu Á sẽ tăng trưởng 5,2% trong năm nay, tăng 0,4 điểm phần trăm so với dự báo mà tổ chức này đưa ra hồi tháng 10.

Ngay cả ngành sản xuất của Trung Quốc, nền kinh tế lớn nhất châu Á, cũng đã hé một số mầm xanh, dù sự khác biệt tiếp tục giữa chỉ số PMI chính thức và tư nhân chỉ ra sự phục hồi không đồng đều.

Chỉ số PMI ngành sản xuất Trung Quốc, do Caixin và S&P Global theo dõi, đạt 50,8 điểm trong tháng 1, cùng mức điểm trong tháng 12, nhờ đơn hàng xuất khẩu mới lần đầu tiên tăng trưởng trong bảy tháng. Theo Caixin và S&P Global, đây là tháng thứ ba liên tiếp hoạt động nhà máy của Trung Quốc mở rộng.

“Nhu cầu ở nước ngoài tăng nhẹ với số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng lần đầu tiên sau 7 tháng. Các công ty Trung Quốc được khảo sát báo cáo rằng, mức tăng sản lượng lớn nhất là ở hàng hóa đầu tư, trong khi sự cải thiện nhu cầu bên ngoài chủ yếu được thấy ở hàng hóa trung gian”, Wang Zhe, nhà kinh tế cấp cao của Caixin Insight Group, cho biết hôm 1-2.

Trái lại, chỉ số PMI chính thức do Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố hôm 31-1, ghi nhận mức điểm 49,2 trong tháng 11, đánh dấu tháng thứ tư liên tiếp suy giảm, tức nằm dưới ngưỡng 50 điểm). Sở dĩ có sự khác biệt của hai chỉ số PMI chính thức và tư nhân ở Trung Quốc là do Caixin và S&P Global tập trung vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong khi đó, NBS dựa vào dựa vào kết quả kháo sát ở doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhà nước.

Theo SGT