Báo cáo chi phí xây dựng trung tâm dữ liệu năm 2025 do Cushman & Wakefield thực hiện trên 90 cụm phát triển trung tâm dữ liệu của 26 thành phố cho thấy, Việt Nam hiện có chi phí xây dựng trong nhóm thấp nhất khu vực châu Á Thái Bình Dương, chỉ đứng sau Đài Loan.
Cụ thể,
chi phí xây trung tâm dữ liệu tại Việt Nam tính trên megawat thấp nhất là 5,4
triệu USD, cao nhất là 8,4 triệu USD và theo tiêu chuẩn trung bình là hơn 6,9
triệu USD (tương đương hơn 176 tỷ đồng), tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Mức
chi phí này chỉ cao hơn con số tiêu chuẩn trung bình 6,4 triệu USD trên
megawatt của Đài Loan và thấp hơn nhiều so với các nước láng giềng như Trung Quốc
đại lục (7,1 triệu USD), Thái Lan (7,6 triệu USD), Indonesia (8,7 triệu USD),
Malaysia (9 triệu USD)...
Trung tâm
dữ liệu có chi phí xây dựng đắt đỏ nhất châu Á Thái Bình Dương thuộc về Nhật Bản
với mức phí hơn 13,2 triệu USD trên megawatt. Tiếp theo là Singapore (11,7 triệu
USD) và Australia (9,6 triệu USD).
Trong danh
mục các chi phí xây dựng ở Việt Nam, chi phí cho hệ thống điện chiếm đến 26%,
theo sau là hệ thống cơ khí và xây dựng lần lượt là 13%. Giá đất chỉ chiếm 5% tổng
chi phí, với mức giá trung bình tính trên khu vực ngoại ô đã có sẵn cơ sở hạ tầng
tại TP HCM và Hà Nội là 209 USD mỗi m2 (tương đương 5,2 triệu đồng). Còn lại là
các chi phí khác bao gồm hệ thống làm mát, hệ thống an toàn và phòng cháy chữa
cháy, hệ thống bảo vệ...
Trung tâm dữ liệu quốc gia tại Việt Nam dự kiến được hoàn thành vào
tháng 6/2025. Ảnh: Cushman&Wakefield
Bà Trang
Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield, nhìn nhận nhờ chi phí xây dựng và
giá đất cạnh tranh, vị trí địa lý đắc địa, Việt Nam có nhiều tiềm năng trở
thành một thị trường dữ liệu lớn trong khu vực. Minh chứng rõ nhất qua mức độ
quan tâm từ các nhà vận hành quốc tế như Apple, Intel, Canon, Samsung, LG,
LEGO, Airbus... đã bắt đầu hợp tác với các đối tác tại Việt Nam để thiết lập
chiến lược chuyển đổi số.
"Yếu
tố minh bạch ngày càng tăng, sự cởi mở với đầu tư nước ngoài và cải cách quy định
của quốc gia sẽ tạo ra nhiều cơ hội hơn cho nhà đầu tư quốc tế và thúc đẩy sự
phát triển của ngành này" bà Trang chia sẻ.
Tuy nhiên,
thị trường trung tâm dữ liệu tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế cần vượt qua.
Theo bà Trang Bùi, một trong những thách thức lớn nhất là khả năng cung cấp điện
ổn định, điều này rất quan trọng để duy trì hoạt động của các trung tâm dữ liệu.
Việt Nam thường xuyên xảy ra tình trạng mất điện do lưới điện quốc gia gặp khó
khăn trong đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cao điểm. Chính phủ đang nỗ lực bổ sung khoảng
6,6 GW công suất điện, nhưng việc này có thể mất nhiều năm để hoàn thành.
Ngoài ra,
các quy định pháp lý và thủ tục hành chính phức tạp cũng là một rào cản lớn, việc
xin cấp phép ở Việt Nam còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, nguồn lao động có tay
nghề trong lĩnh vực xây dựng và vận hành trung tâm dữ liệu vẫn rất hạn chế, nhất
là nhóm nhân lực có khả năng xây dựng các công trình công nghiệp quy mô lớn.
Cũng theo
Cushman & Wakefield, năm 2024, Việt Nam sở hữu 51 megawatt công suất trung
tâm dữ liệu đang hoạt động, 11 megawatt đang xây dựng và dự kiến có thêm 28
megawatt trong tương lai. Hiện tại, TP HCM chiếm 50% công suất hoạt động của Việt
Nam, chủ yếu do các nhà cung cấp viễn thông trong nước chi phối.
Tuy nhiên,
bối cảnh này sẽ thay đổi khi Chính phủ công bố Luật Viễn thông, giúp đơn giản
hóa các quy trình liên quan và hủy bỏ giới hạn sở hữu nước ngoài với các nhà
cung cấp dữ liệu, cho phép sở hữu nước ngoài. Những miễn trừ này sẽ thu hút nhiều
nhà vận hành quốc tế hơn.
Hiện tại,
Việt Nam ghi nhận nhiều liên doanh ngoại tham gia vào thị trường này như STT
Telemedia Global Data Centres liên doanh với VNG Corporation, Viettel hợp tác với
Singtel phát triển một tuyến cáp ngầm kết nối Việt Nam với Singapore và các nước
láng giềng Đông Nam Á. Cơ quan chức năng cũng lên kế hoạch cho ít nhất hai tuyến
cáp thuộc sở hữu của Việt Nam sẽ đi vào hoạt động vào năm 2030, ưu tiên các tuyến
đường ngắn hơn đến các trung tâm kỹ thuật số khác của châu Á để hỗ trợ chính phủ
trong việc xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số tại Việt Nam.
Việc xây dựng
trung tâm dữ liệu quốc gia theo tiêu chuẩn quốc tế đã được Chính phủ phê duyệt
đề án hồi tháng 10/2023. Trung tâm có vai trò tích hợp, đồng bộ, lưu trữ, khai
thác, chia sẻ và phân tích toàn bộ dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu quốc gia hay
con người (như dữ liệu dân cư, bảo hiểm, y tế, giáo dục, hoạt động tài chính).
Khi đó, thủ tục hành chính sẽ được đơn giản hóa. Từ các phân tích dữ liệu
chuyên sâu, trung tâm cũng sẽ giúp Chính phủ đưa ra chính sách an sinh về bảo
hiểm, y tế, giáo dục...Việt Nam dự kiến hoàn thành trung tâm dữ liệu quốc gia
vào tháng 6 năm nay.
VNE