Công nghiệp chế biến, chế tạo đã trở thành động lực tăng trưởng chính của toàn ngành công nghiệp.

Năm 2020, lĩnh vực công nghiệp đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt tăng trưởng kinh tế với mức tăng trên 5,8%, và trong 6 tháng đầu năm 2021, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp tăng 8,91% so với cùng kỳ năm trước.

Theo báo cáo được Tổng cục Thống kê công bố sáng 29/6/2021, sản xuất công nghiệp trong quý II/2021 tăng trưởng khá do hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được duy trì và đang dần phục hồi, Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,42% (quý I tăng 8,9%; quý II tăng 13,84%), đóng góp 2,9 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,16%, đóng góp 0,31 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,75%, đóng góp 0,04 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 6,61% (do sản lượng khai thác dầu thô giảm 7,3% và khí đốt tự nhiên dạng khí giảm 12,5%) làm giảm 0,25 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

Trong 6 tháng qua, chỉ số sản xuất của một số ngành trọng điểm thuộc ngành công nghiệp cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước, gồm: kim loại tăng 37%; xe có động cơ tăng 33,1%; hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai thác mỏ và quặng tăng 29,4%; máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 17,2%; giường, tủ, bàn ghế tăng 15,3%; da và các sản phẩm có liên quan tăng 12,9%; sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 12,7%; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải, tái chế phế liệu tăng 12,6%; giấy và sản phẩm từ giấy tăng 11,2%; mô tô, xe máy tăng 10,6%; thiết bị điện tăng 10,1%.

Ở chiều ngược lại, một số ngành có chỉ số giảm là khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 10,1%; khai thác than cứng và than non giảm 4,4%; in, sao chép bản ghi các loại giảm 3,9%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 2,3%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc thiết bị giảm 1,8%; thoát nước và xử lý nước thải giảm 1,5%.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 6 tháng năm 2021 tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Thép cán tăng 61,6%; ô tô tăng 50%; linh kiện điện thoại tăng 38,8%; phân hỗn hợp NPK và điện thoại di động cùng tăng 18,1%; sắt, thép thô tăng 16,6%; sữa bột tăng 15,9%; vải dệt từ sợi nhân tạo tăng 11,7%; xe máy tăng 11,5%; giày, dép da tăng 11,4%; sơn hóa học tăng 11%; thức ăn cho gia súc tăng 10,8%.

Về chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 6/2021 tăng 4,9% so với tháng trước và tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước

Đối với chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 30/6/2021 tăng 24,3% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm 2020 tăng 26,7%).

Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân 6 tháng đầu năm 2021 đạt 75,2% (cùng kỳ năm trước là 81,5%), trong đó một số ngành có tỷ lệ tồn kho cao: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic 124,5%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa 119,2%; dệt 117,8%; sản xuất chế biến thực phẩm 108,1%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất 105,3%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) 104%; sản xuất thiết bị điện 102,5%.

 

Về tình hình lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp, báo cáo nêu rõ, tại thời điểm 1/6/2021 giảm 1,4% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 1% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 0,1% và giảm 2,3%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước giảm 0,4% và tăng 0,6%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 2,1% và giảm 1,4%.

Theo ngành hoạt động, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng không đổi so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 2,5% so với cùng thời điểm năm trước; ngành chế biến, chế tạo giảm 1,5% và giảm 1%; ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước, điều hòa không khí tăng 0,1% và tăng 0,3%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải không đổi và giảm 0,4%.

Đáng chú ý, trong báo cáo cũng cho biết trong 6 tháng đầu năm nay, ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt gần 5 tỷ USD, chiếm 52,3% tổng vốn đăng ký cấp mới; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 3,1 tỷ USD, chiếm 32,4%.

Nếu tính cả vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt gần 6,49 tỷ USD, chiếm 47,5% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm; ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 5,25 tỷ USD, chiếm 38,4%.

 Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt gần 489 triệu USD, chiếm 30,4% giá trị góp vốn.

T/h