Giữa vô vàn nghề nghiệp chân chính được lựa chọn, có lẽ chỉ nghề giáo là có được niềm hạnh phúc lớn lao và dài lâu, được ghi dấu, lan tỏa hình ảnh của mình trong rất nhiều cuộc đời khác, với lớp lớp thế hệ học trò, ngay từ lúc chưa bắt đầu cho đến khi hoàn thành trọn vẹn sứ mệnh nghề nghiệp của chính mình. Các thầy cô dù ở bất cứ đâu, vị trí nào cũng luôn là những tấm gương đặc biệt, giúp đỡ và cống hiến hết mình vì sự nghiệp trồng người.

1. Người thầy nâng bước học sinh “chạm” đỉnh cao trí tuệ

 Thầy Lê Công Long (SN 1982) - giáo viên Trường THPT thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị. Thầy Long sinh ra và lớn lên tại huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Huế, thầy có cơ duyên đồng hành cùng các thế hệ học sinh trên "đất lửa" Quảng Trị.

Thầy Long được giao nhiệm vụ giảng dạy tại Trường THPT Tân Lâm, huyện Cam Lộ từ năm 2005, đến năm 2013 thì được luân chuyển về Trường THPT thị xã Quảng Trị và công tác tại ngôi trường này từ đó đến nay.

Trong ngành giáo dục tỉnh Quảng Trị, nhiều người biết đến thầy Long như là "bệ đỡ" cho nhiều học sinh chinh phục "đỉnh Olympia". Khi chuyển về Trường THPT thị xã Quảng Trị, thầy Long được phân công phụ trách chương trình "Chinh phục đỉnh cao", với mục đích tuyển chọn, bồi dưỡng những học sinh xuất sắc cho chương trình "Đường lên đỉnh Olympia".

Nhận được sự tín nhiệm của nhà trường cho nhiệm vụ rất đỗi ý nghĩa, thầy Long vừa mừng, vừa lo. Bởi thầy luôn mong muốn cùng học sinh khám phá chân trời tri thức.

"Ngay khi nhận nhiệm vụ, tôi đã cố gắng tìm tòi các phương án tốt nhất, rồi học hỏi, tư vấn thêm từ ban giám hiệu nhà trường và đồng nghiệp, làm sao để tạo một sân chơi thực sự trí tuệ cho các em học sinh, đồng thời tổ chức sao cho hiệu quả nhất", thầy Long chia sẻ.


Thầy Long cùng các em học sinh của mình

Xuyên suốt quá trình giảng dạy, thầy Long đã áp dụng tư duy sáng tạo, sử dụng phương pháp giảng dạy phù hợp để cùng các học sinh đạt được mục tiêu trong học tập, tự mình củng cố sức mạnh tri thức để kiến tạo tương lai. Thầy đã phát hiện ra những "viên ngọc thô" và cùng tham gia "giũa sáng ngọc".

Thầy Long nói rằng, thành công trong giáo dục trước hết nhờ học trò giỏi, có nền tảng kiến thức tốt và niềm đam mê, sau mới kể đến sự dạy dỗ của thầy, cô. Người giáo viên với tư duy sáng tạo của mình, cùng những kỹ năng, phương pháp giảng dạy phù hợp sẽ "chắp cánh" cho học sinh đạt được mục tiêu trong học tập, hoàn thành ước mơ.


Nhiều học trò của thầy Long đã giành thành tích cao tại sân chơi trí tuệ Đường lên đỉnh Olympia

Xác định việc giảng dạy lấy học trò làm trung tâm, thầy Lê Công Long đã chú trọng phát hiện những học sinh ưu tú để bồi dưỡng, giúp các em đạt được kết quả cao trong học tập.

Thành công của thầy Long cũng như tập thể giáo viên Trường THPT thị xã Quảng Trị được thể hiện bằng thành tích của các em học sinh.

Trong đó phải kể đến em Văn Viết Đức, học sinh Trường THPT thị xã Quảng Trị trở thành Quán quân chung kết "Đường lên đỉnh Olympia" năm 2015; em Lê Thanh Tân Nhật, Á quân cuộc thi năm 2018; em Văn Ngọc Tuấn Kiệt cũng lọt vào chung kết và đồng giải Ba trong cuộc thi này.

Nói về các học sinh từng giành thành tích cao tại sân chơi trí tuệ Đường lên đỉnh Olympia, thầy Long rất tự hào khi các em đều có niềm đam mê học tập, tự củng cố hệ thống kiến thức sâu rộng, toàn diện trên nhiều lĩnh vực khoa học tự nhiên và đời sống xã hội.

"Mỗi em có một tính cách và thế mạnh riêng, tuy nhiên điều nổi bật là các em đều rất thông minh, có tinh thần thi đấu bản lĩnh, khiêm nhường. Đặc biệt, không chỉ có chữ "tài", các em đều chăm ngoan, lễ phép, luôn giúp đỡ bạn bè, là niềm tự hào của gia đình và nhà trường", thầy Long cho biết thêm.

Bên cạnh cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia, thầy Long cũng phụ trách các học sinh nghiên cứu khoa học kỹ thuật, tiếp thêm tự tin cho các em tìm tòi, sáng tạo.


Trong những năm từ 2016-2022, người giáo viên tâm huyết của Trường THPT thị xã Quảng Trị đã tham gia hướng dẫn học sinh thực hiện các dự án nghiên cứu khoa học kỹ thuật có chất lượng và đạt giải cao. Tiêu biểu là Dự án "Cánh tay robot cho người khuyết tật" của em Phạm Huy giành giải Nhất quốc gia lĩnh vực robot và máy thông minh, đồng thời giành giải Ba quốc tế tại Hoa Kỳ năm 2017.

Suốt 17 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục trên mảnh đất Quảng Trị, thầy Lê Công Long luôn giữ vững tinh thần đổi mới, đặt mình vào vị trí của học sinh để học tập không ngừng. Dù ở ngôi trường miền núi với nhiều khó khăn hay thuyên chuyển về thị xã, thầy đều đứng trên bục giảng với tinh thần cầu thị và hết lòng vì học sinh. Với những cống hiến cho ngành giáo dục và các thế hệ học trò, thầy giáo Lê Công Long vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua "Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học". Bên cạnh đó, thầy Long còn được UBND tỉnh Quảng Trị tặng Bằng khen, Sở GD&ĐT tặng Giấy khen, cùng nhiều danh hiệu, phần thưởng khác.

Theo cô giáo Phan Thiên Nga, Hiệu trưởng Trường THPT thị xã Quảng Trị đánh giá, thầy Lê Công Long là một giáo viên hết sức tâm huyết, tận tụy với nghề, hết lòng vì học sinh. Trong những năm qua, sự nỗ lực của thầy Long đã được cấp trên và đồng nghiệp ghi nhận, đánh giá rất cao, học trò yêu mến.

Cô Nga cũng cho biết, những thành tích mà nhà trường đã đạt được thời gian qua phản ánh sự nỗ lực không ngừng của tập thể giáo viên Trường THPT thị xã Quảng Trị.

2. Cô giáo Hà Nội 30 năm níu con chữ cho những học sinh nghèo

34 năm làm nghề giáo là từng ấy năm cô giáo Vương Tuyết Băng đau đáu với việc giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, giúp các con có tương lai tươi sáng hơn.

Khi mới ra trường, nhận đồng lương vài nghìn đồng kèm hơn chục cân gạo, cô Băng cố gắng chắt góp, gom tặng tụi trẻ những cuốn sách, tập vở; tình nguyện ở lại lớp dạy thêm giờ cho các con.

Sau này, đồng lương tăng, cô giúp đỡ nhiều hơn cho những đứa trẻ, cả về vật chất lẫn tinh thần. Cô Băng trở thành "người mẹ đỡ đầu" cho cậu trò nhỏ khuyết tật, giúp cậu bé có cuộc sống mới, tương lai mới…

Chuyện của Ân

3 năm trước, cô Vương Tuyết Băng (SN 1969, công tác tại Trường Tiểu học Tây Tựu B, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) lần đầu gặp cậu bé Nguyễn Hoàng Ân khi dạy thay cho một đồng nghiệp. Ân nhỏ thó so với các bạn, mái tóc dày xòa xuống khuôn mặt, đôi mắt to và sâu. Trong cả tiết học, cậu bé luôn nằm nghiêng, áp mặt xuống bàn, mắt nhắm.

"Sao con không học bài? Con phải ngồi dậy viết đi chứ. Bây giờ cô giảng mà con không viết bài, không chịu nghe giảng thì làm sao con hiểu bài được?", cô Băng gặng hỏi.

"Con mệt ạ", cậu bé thì thào yếu ớt.

"Cô ơi, ngày nào bạn Ân cũng thế. Bạn ấy chỉ nằm, không chịu học, không chịu chơi với chúng con, suốt ngày kêu mệt thôi", những đứa trẻ cùng lớp thi nhau kể.

Hỏi chuyện giáo viên chủ nhiệm lớp 2B, nơi Ân đang học, cô Băng mới biết cậu bé mắc bệnh xương thủy tinh. Mẹ Ân cũng là người khuyết tật, chỉ nặng khoảng 30kg, hàng ngày đi nhặt rác kiếm sống. Gia đình cậu bé ở tạm trong một túp lều ngoài cánh đồng, là hộ nghèo thuộc phường Tây Tựu.

Do mắc bệnh xương thủy tinh, mới 7 tuổi, Ân đã gãy tay chân 6-7 lần, sức khỏe rất yếu ớt. Cậu bé đau đớn mỗi ngày, cứ hết bó bột rồi lại tiếp tục gãy tay, gãy chân…

"Về tới nhà, hình ảnh Ân nằm gục xuống bàn, câu chuyện về cậu bé cứ ám ảnh mãi trong đầu tôi. Chăm sóc con của mình hay nhìn những học sinh khác vui đùa, tôi lại nghĩ tới cậu bé mà xót xa. Sức khỏe như vậy, hoàn cảnh như vậy thì con làm gì có tương lai, con sẽ sống tiếp như thế nào?", cô Băng nghẹn ngào khi nhớ lại.


Cô Vương Tuyết Băng cùng gia đình em Nguyễn Hoàng Ân. Hiện nay, Ân đang là học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Tây Tựu B

Không chần chừ, cô Băng nói chuyện với cô giáo chủ nhiệm khi ấy của Ân và cô hiệu trưởng để xin đón cậu bé về lớp 2C của mình.

Tới thăm nhà Ân, nghe bố mẹ cậu bé thủ thỉ không muốn cho Ân tiếp tục đi học, không có tiền cho con ăn bán trú, cô Băng quả quyết: "Em cứ yên tâm, đã có chị đây rồi, gia đình mình không phải lo lắng nữa". Được sự đồng ý của phụ huynh, cô Băng chính thức đón Ân về lớp.

Sau này, có người hỏi: "vì sao cô đưa học sinh khuyết tật về lớp mình?", "cô không sợ ảnh hưởng đến thành tích thi đua hay sao?", cô Băng thú thực, lúc ấy không nghĩ được nhiều mà chỉ muốn chăm sóc cậu bé.

Ngày mới về lớp, Ân không ăn được rau, không biết ăn thịt cá, chỉ ăn được chút cơm rang do thói quen từ nhỏ; liên tục nôn trớ vì thức ăn không quen. Cô Băng phải kèm để Ân ăn từng chút, qua một thời gian cậu bé mới có thể ăn uống giống như các bạn. Ân cũng chưa từng ngủ trưa, luôn trằn trọc khi các bạn đã ngủ say. Cô Băng lại kề cận, bảo ban, vỗ về cho con ngủ suốt nhiều tuần liền. Dần dần, Ân sinh hoạt được theo nề nếp, sức khỏe cũng cải thiện hơn.

Tiền ăn bán trú tốn kém, cô Băng xin công ty nấu ăn miễn giảm cho Ân một nửa chi phí, nửa còn lại cô thường xuyên đóng giúp. Khẩu phần sữa mỗi ngày, cô cũng vận động để Ân được miễn giảm một nửa và đóng nốt nửa còn lại.

Rồi cô Băng mua cho Ân sách vở, đồ dùng, mua thêm bánh, sữa canxi để cậu trò nhỏ bồi bổ. Suốt một thời gian dài nghỉ dịch Covid-19, khi thì cô Băng tới nhà Ân để kèm cậu bé học; khi thì Ân tới nhà cô học, ăn cơm, sinh hoạt cùng gia đình cô giáo.

Cô Băng cũng giúp Ân tập đi, tập vận động sau mỗi buổi học. Ban đầu, cô dắt Ân đi chậm xung quanh vườn trường. Sau đó, cô mượn xe ba bánh để Ân tập đi xe.

Cậu bé khỏe lên mỗi ngày, thành tích học tập cũng tiến bộ nhanh chóng. Đến cuối năm lớp 2, Ân thi được 9,5 điểm Toán, điểm Đọc, Viết đều ở mức ổn. Em cũng tăng cân hơn, cao lớn hơn. Đặc biệt, Ân đã có thể tự đi xe đạp tới trường, giao tiếp tự nhiên với các bạn.

"Ân là đứa trẻ cá tính, ít nói nhưng suy nghĩ sâu sắc. Con cảm động khi nhận được sự quan tâm nhưng ít thể hiện ra ngoài.

Có lần thấy con khóc mãi, tôi gặng hỏi thế nào cũng không chịu nói. Nhờ một cô giáo khác thử hỏi, con mới chịu nói nhỏ: "vì cô Băng thương con, cô Băng thương học sinh nghèo, cô Băng thương người nghèo", nữ giáo viên xúc động chia sẻ.

Yêu nghề giáo từ đôi mắt của trẻ thơ

Năm 1988, sau 2 năm học từ trung cấp tới cao đẳng sư phạm, cô Vương Tuyết Băng ra trường, xuống dạy tại một trường tiểu học thuộc xã Vân Côn, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Thời bấy giờ, khu vực này còn hẻo lánh, ngôi trường nằm trên một quả đồi cao, có nước giếng khơi đá ong trong vắt.

Cô gái 19 tuổi trước đó vẫn trăn trở có nên gắn bó với nghề dạy học hay tìm kiếm một công việc khác, sau những buổi dạy đầu tiên đã thay đổi hoàn toàn suy nghĩ.

"Những học sinh đầu tiên tôi dạy là trẻ lớp một tại vùng Vân Côn, đôi mắt trong veo, đẹp vô cùng. Tôi ngồi trên bục giảng ngắm học sinh cả buổi, thấy hạnh phúc đến lạ, tình yêu nghề cứ thế lớn lên. Tôi cũng hay lo xa, suy nghĩ vẩn vơ rằng nếu mình không dạy các con tử tế thì sau này cuộc đời tụi trẻ có thể bị chậm lại, sẽ vất vả hơn. Thế nên cứ cố gắng từng ngày.

Hồi đó, sáng sáng phải dậy từ 6 giờ, đạp xe hơn 15 cây số để tới trường, đi qua những bãi rộng hoang vắng, rồi đi lên đê, lên đồi. Hết buổi dạy sáng, một giờ chiều mới đạp xe về tới nhà ăn cơm mà chẳng thấy mệt", cô Băng nhớ lại.

Trải qua tuổi thơ gian khó, nhiều bữa không có cơm ăn, phải nhịn đói đi học nên nhìn thấy những học trò nghèo, cô Băng luôn cảm thấy xót xa, muốn làm gì đó giúp đỡ các con.

Ngày mới ra trường, chưa vào biên chế nên lương thấp, chỉ được mấy nghìn đồng và mười mấy cân gạo, cô Băng thường dành tiền mua sách vở, bút mực cho tụi trẻ, khi thì đi xin thêm sách.

Sau này vào biên chế, lương bắt đầu tăng lên đến mấy chục nghìn, rồi hai trăm nghìn, cô bắt đầu có tiền mua quần áo cho tụi trẻ và làm nhiều việc khác.

"Đến bây giờ, tôi không thể nhớ hết tên từng đứa trẻ, nhưng vẫn nhớ gương mặt chúng. Tôi vẫn xúc động khi nhớ lại những đôi mắt đỏ hoe của tụi trẻ mỗi lần được giúp đỡ", cô Băng nói.

Thương những học trò nghèo, sau khi hết giờ dạy, cô Băng thường ở lại lớp để giảng bài, kèm cặp cho đám trẻ. Nhiều khi dạy hăng say tới tận tối, lo các con đi đường xa nguy hiểm, cô lại đèo học sinh về tận nhà rồi mới ra về.

 Nhớ lại năm ấy, con trai út của cô vừa học hết lớp 5, chuẩn bị thi vào một trường cấp 2 chuyên. Cậu có rất nhiều bài cần nhờ mẹ hướng dẫn, nhưng ngóng mãi tới tối vẫn không thấy mẹ về nên cáu giận, bỏ ăn cơm. "Lúc nào mẹ cũng ở trường, lúc nào mẹ cũng coi học sinh hơn cả con", cậu bé trách móc.

"Các em ấy lúc này cần mẹ hơn là con cần mẹ. Bây giờ mà mẹ bỏ không kèm cặp, mai các em lại quên. Sau này lớn lên, con sẽ hiểu", cô Băng thủ thỉ. Hôm ấy, hai mẹ con cùng ôn tập đến 1-2h sáng.

Dần dần, 2 người con cũng hiểu những việc cô Băng làm. Không những thế, cô nhận được sự ủng hộ từ cả người chồng và hai bên gia đình nội ngoại.

Cô Băng tâm sự, cả ông nội và bố cô đều theo nghề đông y. Dù gia cảnh khó khăn, cơm không đủ ăn nhưng khi gặp những người cũng nghèo, họ đều cứu chữa miễn phí. Đó có lẽ là lý do cô Băng dành tình yêu thương cho những đứa trẻ kém may mắn một cách rất tự nhiên.

Cô bảo, chỉ khoảng 3-4 năm nữa, cô sẽ nghỉ hưu, xa rời trường lớp, bảng phấn. Tuy nhiên, cô vẫn luôn mơ ước sau này có thể mở một lớp học tình thương để giúp đỡ, kèm cặp nhiều hơn cho những học sinh khó khăn.

"Nếu không thể thực hiện mong ước ấy, tôi vẫn sẽ làm những việc nhỏ giúp đỡ các con trong điều kiện có thể", cô trải lòng.

Trên đây Vnindustry.net đã dẫn lại câu chuyện của những người thầy đặc biệt nhân dịp kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 được đăng tải trên tờ Dân trí, đồng thời xin gửi tới những người thầy, người cô những lời chúc tốt đẹp nhất nhân ngày trọng đại tôn vinh những người ươm mầm cho thế hệ trẻ Việt Nam tương lai.