Trước nhu cầu khám chữa bệnh chất lượng cao của người dân ngày càng tăng, mô hình đào tạo y tế cần phải thay đổi để hội nhập và phù hợp với thực tiễn về nguồn nhân lực cao của đất nước.

Môi trường đào tạo khắc nghiệt

Bác sĩ nội trú là một bộ phận nhỏ trong hệ thống y tế, nhưng luôn được xem là những nhân lực tinh hoa nhất trong ngành y. Bởi, đây là nhóm bác sĩ chuyên khoa được đào tạo khắt khe, bài bản và chất lượng nhất.

Mô hình đào tạo bác sĩ nội trú xuất phát từ Pháp vào năm 1802. Sau đó, mô hình này lan sang các nước châu Âu, Mỹ và khắp thế giới. Đây được xem là tinh hoa của ngành y, dành riêng cho những sinh viên xuất sắc theo học ngay sau khi tốt nghiệp đại học.

Tại Việt Nam, chương trình thi tuyển để trở thành bác sĩ nội trú đầu tiên được Trường Đại học Y Hà Nội tổ chức năm 1974. Đây là chương trình đào tạo dành cho sinh viên y khoa chính quy đã tốt nghiệp đại học. Đồng thời, chỉ tuyển chọn những sinh viên học y khoa xuất sắc nhất để tiếp tục đào tạo thêm 3 năm trở thành bác sĩ chuyên khoa sâu.

Chương trình chỉ có 1 kỳ thi vào mỗi năm cho chính các sinh viên vừa tốt nghiệp trong năm học đó. Số người đủ điều kiện dự thi đã ít, số lượng trúng tuyển và tốt nghiệp càng ít.

Lý do là việc kiểm soát chất lượng được yêu cầu ở mức cao nhất, cả đầu vào và đầu ra. Trong quá trình đào tạo 3 năm, yêu cầu học tập với bác sĩ nội trú cũng cao nhất, từ lý thuyết đến thực hành, lăn lộn với người bệnh trong bệnh viện, bám sát các hoạt động tại bệnh viện.

Với những yêu cầu khắt khe và môi trường đào tạo khắc nghiệt, dễ hiểu khi bác sĩ nội trú là những nhân lực luôn được các cơ sở y tế săn đón. Hầu hết, trong số này đều lựa chọn công tác tại các bệnh viện tuyến Trung ương.

Đã đến lúc cần thay đổi?

Tuy nhiên, với nhu cầu chăm sóc sức khỏe chất lượng cao ngày càng gia tăng của người dân, nhiều ý kiến cho rằng, mô hình đào tạo bác sĩ nội trú cần có sự thay đổi. Từ đó, để hội nhập và phù hợp với thực tiễn về nguồn nhân lực cao của đất nước.

GS.TS Tạ Thành Văn, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, từ nhu cầu thực tế về nguồn bác sĩ chất lượng cao, Trường Đại học Y Hà Nội đã đề xuất với Bộ Y tế thay đổi cách thức thi tuyển, đào tạo và chỉ tiêu tuyển sinh bác sĩ nội trú. Qua đó, nhằm tăng nguồn cung bác sĩ tay nghề cao phục vụ các cơ sở y tế trên cả nước, để mọi người dân được tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao, hiện đại.

Theo đó, Bộ Y tế đã đồng ý chủ trương mở rộng quy mô đào tạo bác sĩ nội trú, tiến tới bắt buộc đào tạo nội trú với 100% bác sĩ khi tốt nghiệp GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội lý giải: “Bối cảnh xã hội hiện đã thay đổi, quan niệm đào tạo nội trú là đào tạo chuyên khoa, không còn là đào tạo nhân tài, tinh hoa như trước đây. Bởi vậy, cần nới rộng các tiêu chí đào tạo bác sĩ nội trú đại trà hơn, để hầu hết sinh viên tốt nghiệp đại học ngành y đều có cơ hội thi vào bác sĩ nội trú”.

Trong khi đó, GS.TS Đoàn Quốc Hưng, Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn sau đại học, Trường Đại học Y Hà Nội cũng cho rằng, tính riêng tại Đại học Y Hà Nội, trong 50 năm từ khi bắt đầu chương trình đào tạo bác sĩ nội trú đầu tiên đến nay, trường đã đào tạo được 5.159 bác sĩ nội trú.

Trong 40 năm đầu, Trường Đại học Y Hà Nội đào tạo khoảng 17.000 sinh viên và 1.770 bác sĩ nội trú. Con số đó tức là chỉ 10% bác sĩ được đào tạo nội trú. Số bác sĩ này đều về làm việc ở các bệnh viện tuyến Trung ương. Song, số cơ sở y tế này chỉ chiếm 10% tổng số bệnh viện trong cả nước. Như vậy, 90% bác sĩ không học nội trú lại đang phủ 90% bệnh viện trong cả nước.

“Tức là, đa số người bệnh không được các bác sĩ giỏi điều trị, dẫn đến tình trạng quá tải tại tuyến Trung ương. Đây là lý do để chúng tôi đề xuất thay đổi mô hình đào tạo bác sĩ nội trú theo hướng mở rộng và tiến tới bắt buộc đào tạo nội trú với 100% bác sĩ khi tốt nghiệp”, GS.TS Đoàn Quốc Hưng cho biết.

Theo ông Hưng, việc số lượng bác sĩ nội trú tăng lên sẽ góp phần thay đổi chất lượng khám chữa bệnh theo hướng tích cực. Từ đó, giúp người dân được tiếp cận bác sĩ giỏi dễ dàng hơn.

Đồng thời, giảm áp lực cho các bệnh viện tuyến Trung ương. Cùng với đó, bác sĩ nội trú nên được cấp chứng chỉ hành nghề tạm thời. Trong thời gian đào tạo, họ đã hành nghề như nhân viên y tế tại bệnh viện thực hành nên cần được trả lương, thù lao tương xứng để đảm bảo cuộc sống.

Nói về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, bác sĩ nội trú là mô hình đào tạo khắt khe nhất, bài bản và chất lượng nhất. Việc đào tạo thế hệ cán bộ y tế có năng lực đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân, thích ứng với sự thay đổi của mô hình bệnh tật, sự phát triển khoa học kỹ thuật và hội nhập quốc tế có vai trò then chốt.

Vì vậy, việc đào tạo cần đổi mới không ngừng theo xu thế của thế giới. Đó là đào tạo dựa trên chuẩn năng lực, đảm bảo nguồn nhân lực y dược đủ cả về số lượng và tốt về mặt chất lượng. Bộ Y tế đang đổi mới toàn diện công tác đào tạo nhân lực y tế.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan đề nghị Trường Đại học Y Hà Nội xây dựng và trình đề án phát triển trên cơ sở đổi mới, sáng tạo, hội nhập. Trong quá trình xây dựng định hướng phát triển, Trường Đại học Y Hà Nội cần phối hợp với các trường y, dược của cả nước tổng kết công tác đào tạo bác sĩ nội trú trong thời gian qua.

Đồng thời, phối hợp các trường y, dược, các đơn vị của Bộ Y tế rà soát lại các cơ chế, chính sách liên quan việc triển khai thực hiện đối với loại hình đào tạo bác sĩ nội trú. Bộ Y tế cũng đang giao cho các đơn vị rà soát, đánh giá mô hình đặc thù của đào tạo bác sĩ nội trú để từ đó có thể có hình thức ưu tiên đặc thù.

GD&TĐ