Theo ghi nhận thị trường thép những ngày vừa qua, nhiều thương hiệu thép lớn thông báo giảm giá như: Hòa Phát, Việt Ý, Việt Đức, Việt Sing,...

Sau đợt giảm giá này, hiện giá thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 tại 3 miền đang dao động ở mức phổ biến 13,9 - 14,2 triệu đồng/tấn. Đây là mức giá rất thấp so với nhiều năm gần đây.

Khảo sát trên SteelOnline.vn, giá thép trên thị trường vừa được điều chỉnh như sau:

Tại miền Bắc, thương hiệu thép Hòa Phát, với dòng thép cuộn CB240 giảm 150 đồng, xuống ở mức 13.940 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 14.440 đồng/kg. Tương tự, thương hiệu thép Việt Ý, dòng thép cuộn CB240 giảm 150 đồng, xuống mức 14.090 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 14.340 đồng/kg.

Thép Việt Đức đồng loạt giảm với 2 sản phẩm của hãng, với dòng thép cuộn CB240 giảm 200 đồng, xuống mức 14.040 đồng/kg, thép thanh vằn D10 CB300 giảm 50 đồng, có giá 14.540 đồng/kg. Thép Việt Sing, với thép cuộn CB240 giảm 160 đồng, có giá 13.850 đồng/kg, thép thanh vằn D10 CB300 giữ ở mức giá 14.210 đồng/kg. Thép VAS, với dòng thép cuộn CB240 xuống còn 14.160 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 14.110 đồng/kg.

Tại miền Trung, thép Hòa Phát, với dòng thép cuộn CB240 giảm 150 đồng, xuống mức 13.990 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 14.440 đồng/kg. Thép Việt Đức, hiện dòng thép cuộn CB240 ở mức 14.490 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 14.900 đồng/kg.

Thép VAS, hiện dòng thép cuộn CB240 ở mức 14.210 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 14.260 đồng/kg. Thép Pomina, với dòng thép cuộn CB240 xuống còn 14.690 đồng/kg; duy chỉ có thép thanh vằn D10 CB300 tăng 100 đồng, có giá 15.300 đồng/kg.

Tại miền Nam, thép Hòa Phát, thép cuộn CB240 xuống mức 13.990 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 14.440 đồng/kg. Thép VAS, dòng thép cuộn CB240 ở mức 14.310 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 14.210 đồng/kg. Thép Pomina, dòng thép cuộn CB240 ở mức 14.590 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 14.990 đồng/kg.

Như vậy, tính từ lần giảm giá đầu tiên trong năm 2024 cho tới nay (kể từ đầu tháng 3/2024), thép cuộn CB240 đã có 5 đợt điều chỉnh giảm giá niêm yết chính thức, nâng tổng giá trị các lần giảm lên khoảng gần 900.000 đồng/tấn.

Có thể thấy, các đợt giảm giá thép cuộn vừa qua chưa tác động mạnh đến thị trường do loại thép này chỉ chiếm khoảng 26% tỷ trọng của cơ cấu sản phẩm tiêu thụ thép xây dựng tại thị trường nội địa. Nhìn chung, sức tiêu thụ đang có sự cải thiện nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.

Cũng theo SteelOnline.vn, trong 6 tháng cuối năm, thị trường thép có khả năng tiếp tục hồi phục nhờ kinh tế tăng trưởng tốt, hoạt động đầu tư công được thúc đẩy. Chính phủ cũng rất quan tâm tháo gỡ cho lĩnh vực bất động sản.

Đặc biệt, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS dự kiến được Quốc hội xem xét và có hiệu lực sớm hơn 5 tháng (từ 01/8/2024) cũng là tiền đề tốt giúp các doanh nghiệp ngành thép phát triển thuận lợi hơn không chỉ trong năm 2024 mà cả những năm tiếp theo.

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) nhận định, đối với giá thép trong nước, khoảng đầu quý III thường là mùa mưa, hoạt động xây dựng nhiều khả năng vẫn chưa có nhiều sự bứt phá. Hơn nữa, lĩnh vực bất động sản mặc dù đã có dấu hiệu “ấm lên” nhưng vẫn chưa thực sự cải thiện rõ rệt. Tiêu thụ sắt thép có thể tiếp tục duy trì ổn định, nên giá thép xây dựng sẽ dao động trong khoảng 14 - 15 triệu đồng/tấn.

Trong báo cáo triển vọng ngành thép vừa cập nhật, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) kỳ vọng các doanh nghiệp thép Việt Nam sẽ tiếp tục ghi nhận tăng trưởng tích cực về sản lượng bán hàng nội địa trong năm 2024, đặc biệt trong giai đoạn nửa cuối năm. Trong đó, nhu cầu từ hoạt động xây dựng hạ tầng sau giai đoạn thu hồi đất và giải phóng mặt bằng, các dự án hạ tầng trọng điểm như: cao tốc Bắc - Nam, đường vành đai… sẽ cần tiêu thụ thép xây dựng, qua đó là yếu tố hỗ trợ cho thị trường nội địa trong 2024. Tuy nhiên, thị trường bất động sản vẫn sẽ đóng góp tỷ trọng cao nhất trong sản lượng bán hàng nội địa của các công ty sản xuất thép.

Vừa qua, tại Hội nghị trực tuyến về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Nghiêm Xuân Đa đã có những đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp thép tăng cường đầu tư phát triển nguồn nhân lực và ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là năng lực nghiên cứu, phát triển sản phẩm, công nghệ sản xuất các sản phẩm thép chất lượng cao, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng; hỗ trợ, khuyến khích phát triển ngành thép theo hướng xanh, tuần hoàn, phát thải carbon thấp để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đã đề nghị các hiệp hội ngành hàng phát huy vai trò cầu nối, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thép; tăng cường công tác dự báo và cung cấp thông tin về nhu cầu sắt, thép, đặc biệt là sắt thép xây dựng cho các doanh nghiệp để cân đối nhu cầu thép cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu; tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp ngành thép chủ động trong sản xuất, cân đối tiêu thụ nội địa và xuất khẩu các sản phẩm thép nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Còn theo đại diện Bộ Tài chính, cần thiết phải áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp để bảo vệ doanh nghiệp sản xuất trong nước. Theo đó, đối với thuế xuất nhập khẩu cần điều chỉnh theo hướng tăng dần, đầu vào ở mức thấp còn với các sản phẩm tinh hơn sẽ áp thuế cao hơn góp phần tạo ra rào cản pháp lý bảo vệ doanh nghiệp sản xuất trong nước.

TCXD