Mới đây, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã công bố thông tin kết quả sản xuất kinh doanh và phong trào công nhân lao động năm 2021.

Chia sẻ tại buổi họp báo, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) chia sẻ, năm 2021 là năm cực kỳ khó khăn trên thế giới cũng như tại Việt Nam, nhưng “cái khó ló cái khôn”. Vinatex đã nắm bắt và tận dụng được thời cơ để đạt được những kết quả kinh doanh đã đặt ra.

Lợi nhuận ngành Sợi bứt phá

Ông Vương Đức Anh, chánh văn phòng tập đoàn, thông tin: thị phần dệt may Việt Nam đã đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Trung Quốc khi chiếm 5,1%, mặc dù tổng cầu dệt may thế giới giảm sút. Tuy vậy, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam giảm, cùng với xu hướng chung của nước khác cũng giảm nhưng lớn hơn nhiều.

Tính đến thời điểm hiện tại, Vinatex đã hoàn thành tất cả các chỉ tiêu trên mọi lĩnh vực của năm sản xuất, kinh doanh 2021, thậm chí có chỉ tiêu tăng trưởng 80-100 lần so với năm trước. Kết quả này hết sức ngoạn mục ngoài tất cả những dự báo của Tập đoàn ở thời điểm đầu năm 2021.

Cụ thể, doanh thu và thu nhập hợp nhất ước đạt 16.436 tỷ đồng, bằng 110,7% cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 1.200 tỷ đồng, bằng 202% so với cùng kỳ, đạt 170% kế hoạch. Cao hơn năm 2019 trước đại dịch gần 70%. Đặc biệt, hoàn thành mục tiêu phục hồi như trước đại dịch với nhiều chỉ tiêu cao hơn.

Để đạt được mức lợi nhuận như trên ông Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn dệt may Việt Nam chia sẻ: 6 tháng đầu năm khi Việt Nam vẫn đang kiểm soát tốt dịch bệnh trong khi các đối thủ như Bangladesh, Srilanka đang chìm sâu vào dịch bệnh. Nên chúng ta đã tận dụng tốt được cơ hội này.

Bên cạnh đó mức giá năm 2021 nhìn chung tốt hơn. Ngoài ra những nỗ lực của tập đoàn gặt hái được do quyết định chiến lược đúng đắn trong đầu tư vào nguyên liệu từ cách đây 5 năm trước. Đó là nhà máy sợi của tập đoàn, của các đơn vị.

Ngành sợi có tăng trưởng ngoạn mục, đột biến, doanh thu chiếm xấp xỉ 50% của toàn hệ thống, lợi nhuận ngành sợi cũng trên 50%. Nhìn lại trước kia, cơ cấu tỷ lệ lợi nhuận là ngành may chiếm 80%, ngành sợi 20%, thì đến năm 2021, con số này nhỉnh lên 50-50, thậm chí có khi ở mức 45%-55%.

Điều quan trọng nữa, bên cạnh việc đầu tư chiều sâu để nâng cao năng lực của các đơn vị, nă 2021 Vinatex đã đưa vào hoạt động 2 nhà máy sợi mới.

Đó là Nhà máy sợi 3, Công ty CP Sợi Phú Bài với quy mô 32000 cọc sợi, đi vào hoạt động từ tháng 6/2021. Đây là nhà máy có quy mô 2 tầng đầu tiên trong hệ thống các đơn vị trực thuộc Vinatex. Nhà máy sợi 2, Công ty CP Vinatex Phú Hưng với quy mô 22800 cọc sợi, đi vào hoạt động từ tháng 10 năm 2021.

Hệ thống các nhà máy như sợi Phú Cường, sợi Nam Định, hệ thống sợi 8/3, Phú Bài, Phú Hưng… là những công trình mà Tập đoàn đã đầu tư từ 2016. “Ngoài khách quan của thị trường do giá chung tăng thì công tác quản trị và điều hành sản xuất của các nhà máy sợi của Vinatex đã được nâng lên rõ nét. Năng suất của các nhà máy tăng lên rất cao so với trước đây. Nếu cùng một nhà máy đó trước đây chỉ làm ra 900 tấn sợi/tháng thì giờ là 1.300 tấn sợi. Cộng tất cả các yếu tố vào sẽ đẩy lợi nhuận của ngành sợi thành công như năm 2021”, ông Hiếu vui mừng cho biết.

Bên cạnh đó là sự tham gia sâu vào chuỗi cung ứng nên sản xuất ổn định hơn. Nhiều đơn vị của tập đoàn đã tham gia vào các chuỗi sản xuất tại Việt Nam của các nhà cung ứng. Mặc dù dịch nhưng sản xuất vẫn duy trì ổn định.

Những chính sách đúng đắn khi đầu tư cho người lao động

Đóng góp vào thành tích kết quả kinh doanh của năm 2021 ngoài các chính sách và chiến lược kinh doanh hợp lý, doanh nghiệp còn xây dựng duy trì được phong trào công nhân lao động ổn định. Một năm dịch dã nhưng toàn hệ thống vẫn duy trì được lực lượng lao động, duy trì được khách hàng và tăng trưởng.

Theo ông Vương Đức Anh cho rằng, năm 2021, đại dịch Covid – 19 đã gây ra những ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp, người lao động. Trong hệ thống Công đoàn Dệt May với 49 doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp (32 doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” với 15.267 người lao động, 17 doanh nghiệp phải tạm ngừng sản xuất); 12 lao động tử vong; 6.300 lao động là F0; 35.023 lao động ngừng việc từ 2 đến 2,5 tháng do thực hiện phong tỏa, cách ly hoặc doanh nghiệp ngừng sản xuất, thu nhập giảm sút, đời sống khó khăn.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn phải chịu thêm nhiều chi phí về phòng dịch, trả lương ngừng việc, tổ chức “3 tại chỗ", điều trị, cách ly tại chỗ cho người lao động khi doanh nghiệp có F0...

Trước tình hình trên, Công đoàn Dệt May Việt Nam đã đồng hành cùng doanh nghiệp và người lao động với tổng mức hỗ trợ hơn 34,9 tỷ đồng, bao gồm: Hỗ trợ kinh phí phòng chống dịch cho 33 công đoàn cơ sở; trợ cấp 16.824 người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch của 45 công đoàn cơ sở; hỗ trợ kinh phí chăm lo bữa ăn ca cho 16.700 lao động của 26 công đoàn cơ sở thực hiện "3 tại chỗ”; hỗ trợ "Gói an sinh công đoàn" cho 38.514 lao động của 38 công đoàn cơ sở…

Chính vì vậy, khi doanh nghiệp hoạt động trở lại, 85-90% người lao động đã quay lại làm việc ngay ở những tháng đầu tiên như may Việt Tiến. Trong khi các doanh nghiệp may khác trong cùng ngành dệt may như FDI hay doanh nghiệp ngoài Vinatex tỷ lệ lao động quay lại không cao, chỉ 50-60%.

Mặc dù với tình hình khó khăn chung của hầu hết các doanh nghiệp năm nay nhưng mức lương thưởng của người lao động, đến thời điểm hiện tại các đơn vị phía Bắc của Tập đoàn báo cáo sẽ chi tháng lương thứ 13 cho người lao động (từ 1,5-2 tháng lương), khu vực phía Nam 1,5 tháng lương (tối thiểu), có đơn vị chi thưởng 3 tháng.

Đến giờ có thể nói các đơn vị trong Tập đoàn đã lấy lại được gần như toàn bộ lao động như trước thời điểm giãn cách. Đây cũng là thành công lớn trong văn hoá doanh nghiệp, góp phần vào kết quả kinh doanh khả quan của Vinatex năm 2021.

T/h