Kinh tế tuần hoàn (KTTH) được hiểu là một chu trình sản xuất khép kín. Các chất thải được tái sử dụng, tái chế trở thành nguyên liệu cho sản xuất, từ đó giảm tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người.

Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26 (COP26), Chính phủ Việt Nam đã cam kết đạt phát thải bằng 0 vào năm 2050.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể như chuyển đổi năng lượng xanh, năng lượng sạch; giảm phát thải khí nhà kính; giảm phát thải khí methan; phát triển ô tô chạy điện; trồng rừng hấp thụ CO2… để xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường.

Từng bước hướng đến tăng trưởng xanh, Vĩnh Phúc đã thu hút đầu tư các dự án sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; khuyến khích, hỗ trợ DN đổi mới phương thức quản lý, đầu tư công nghệ, phát triển theo hướng sản xuất sạch hơn để nâng cao hiệu quả sản xuất, tiết kiệm chi phí và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Đối với các đơn vị kinh doanh hạ tầng KCN, tỉnh này yêu cầu phải bảo đảm diện tích cây xanh tối thiểu; xây dựng hệ thống xử lý nước thải đảm bảo theo quy định.

Thực hiện hiệu quả công tác quản lý môi trường tại các KCN trên địa bàn, trong tháng 5/2023, Ban Quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Phúc đã tham vấn ý kiến về quá trình thực hiện đánh giá tác động môi trường của 2 dự án trong KCN; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tham gia Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường cho 1 dự án và kiểm tra cấp giấy phép môi trường cho 5 dự án trong KCN.

Năm 2022, Ban thực hiện lấy 49 mẫu nước thải, 38 mẫu khí thải công nghiệp; thường xuyên chỉ đạo các DN tăng cường công tác bảo vệ môi trường, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động phát thải gây ô nhiễm môi trường nước, không khí, quản lý nước thải công nghiệp, rác thải công nghiệp, rác thải nguy hại, rác thải sinh hoạt theo quy định; tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm về giữ gìn vệ sinh môi trường của các DN trong KCN.

Hết năm 2022, có 7/8 KCN đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung với tổng công suất thiết kế khoảng 33.000m3/ngày, đêm; 6 KCN đã có hệ thống quan trắc tự động liên tục theo quy định của pháp luật.

Chiếm gần 80% thị phần xe máy và khoảng 7% thị phần ô tô, Công ty Honda Việt Nam (HVN) luôn xác định sản xuất xanh là mục tiêu hàng đầu để phát triển bền vững.

Theo đó, trong tháng 1 và 3/2023, HVN đã đưa vào vận hành hệ thống điện mặt trời mái nhà tại 2 nhà máy Vĩnh Phúc và Hà Nam với tổng công suất tại mỗi nhà máy 4MWp, góp phần vào việc giảm sử dụng điện lưới quốc gia, hạn chế phát thải CO2; tổ chức “Ngày hội trồng cây 2023 - cùng Honda giữ mãi màu xanh Việt Nam” với hơn 1.100 cây xanh đô thị được trồng.


Công ty Honda Việt Nam luôn tuân thủ các quy định về môi trường trong quá trình sản xuất.

Để đạt mục tiêu “Ba không” (không phát thải CO2; không có rủi ro năng lượng; không có rủi ro trong sử dụng tài nguyên và thải bỏ chất thải) đến 2025, HVN đã cải tiến môi trường làm việc cho nhân viên với các hoạt động như giảm nhiệt độ, bụi, CO2, thiết lập hệ thống giảm tiếng ồn và hệ thống điều hoà trung tâm; đẩy mạnh nghiên cứu dòng sản phẩm xe máy, ô tô có mức phát thải thấp; triển khai áp dụng các công nghệ kỹ thuật mới tiết kiệm năng lượng cho các thiết bị phục vụ sản xuất; phát triển nguồn năng lượng sạch phục vụ cho các hoạt động tại nhà máy; đẩy mạnh phát hiện và giảm các điểm lãng phí năng lượng thông qua hệ thống giám sát năng lượng PMS.

Cùng với phát triển dòng sản phẩm thân thiện với môi trường, HVN đã chủ động nghiên cứu để xử lý, tái chế những sản phẩm, linh kiện, bộ phận hết tuổi thọ sử dụng để tránh những rủi ro về môi trường; lắp đặt trạm quan trắc nước thải tự động; tái chế nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, tái sử dụng nước mưa phục vụ sản xuất tại nhà máy; cải tiến đồng bộ hệ thống xử lý nước thải công nghiệp và thay đổi phương pháp xử lý từ hóa hơi sang phương pháp xử lý hoá sinh kết hợp với 5 công đoạn xử lý nghiêm ngặt trước khi ra ngoài môi trường, đảm bảo thải ra nguồn nước tự nhiên thấp hơn tiêu chuẩn cho phép cả về mặt hoá, lý lẫn vi sinh.

Năm 2022, HVN đã cắt giảm được hơn 3,2% lượng CO2 phát thải (khoảng 2.150 tấn CO2), hơn 3,0% lượng chất thải phát sinh (khoảng 557 tấn chất thải), hơn 12,5 % lượng nước tiêu thụ (khoảng 73.708 m3) so với mục tiêu đề ra.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất phát triển kinh tế xanh, KTTH ở Việt Nam nói chung, tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng là năng lực về công nghệ tái sử dụng và tái chế của các DN còn nhiều hạn chế. Ngoài ra, thói quen trong sản xuất và tiêu dùng đối với sản phẩm bằng nhựa, nilon dùng một lần của người dân rất lớn, khó thay đổi trong thời gian ngắn.

Mặt khác, Việt Nam là nước đang phát triển, hầu hết công nghệ còn lạc hậu, quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, trong khi đó, KTTH đòi hỏi phải có đội ngũ chuyên gia giỏi trong các khâu của quy trình sản xuất, nhất là khâu sau cùng - tái sử dụng, tái chế chất thải một cách hiệu quả, an toàn.

Để phát triển công nghiệp xanh, KTTH, ngoài sự nỗ lực của DN, cần sự hỗ trợ của Nhà nước về chính sách như: bổ sung các tiêu chuẩn, tiêu chí xanh trong sản xuất công nghiệp để DN dễ thực hiện; hỗ trợ về vốn, thuế, đầu ra sản phẩm với DN tiên phong trong sản xuất xanh. Bên cạnh đó, người tiêu dùng phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường thông qua sử dụng sản phẩm xanh.

Theo BVP