Bí thư Nguyễn Văn Nên cho biết phía Việt Nam mong muốn và đề nghị các doanh nghiệp, tập đoàn với kinh nghiệm, thế mạnh và uy tín của mình, sẽ tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam khai phá những cánh cửa mới, mở rộng hợp tác đầu tư trong các công đoạn khác nhau trong ngành dược
Sáng 22/1
theo giờ địa phương, tại Davos, Thụy Sĩ, tọa đàm với chủ đề: "Dược phẩm Việt
Nam trong kỷ nguyên số - tương lai từ đổi mới sáng tạo và công nghệ" được
tổ chức trong khuôn khổ chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại
biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 55 Diễn đàn Kinh tế
thế giới (WEF).
Tại tọa đàm, các đại biểu trao đổi, tìm kiếm giải pháp và định hình chiến
lược phát triển cho ngành dược phẩm Việt Nam trong kỷ nguyên số
Tọa đàm do
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao và Tập đoàn FPT phối hợp tổ chức theo hình
thức ăn sáng làm việc. Tham dự sự kiện có đồng chí Nguyễn Văn Nên, Uỷ viên Bộ
Chính trị, Bí thư Thành uỷ TPHCM, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương của Việt
Nam, cùng khoảng 15 tập đoàn dược hàng đầu thế giới và các doanh nghiệp dược lớn
của Việt Nam.
Tại tọa
đàm, đại diện các doanh nghiệp dược phẩm trong và ngoài nước (AstraZeneca,
Sanofi, Pfizer, Merck, Pharma Group Việt Nam…) tập trung thảo luận về cơ hội của
Việt Nam trong thu hút đầu tư trong lĩnh vực dược phẩm trong kỷ nguyên số, kế
hoạch đầu tư của các doanh nghiệp dược phẩm, kiến nghị chính sách đối với Việt
Nam. Các đại biểu trao đổi, tìm kiếm giải pháp và định hình chiến lược phát triển
cho ngành dược phẩm Việt Nam trong kỷ nguyên số.
Các đại biểu
cho rằng ngành dược Việt Nam có lịch sử phát triển lâu đời với bề dày kinh nghiệm
đối với các sản phẩm thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền truyền thống và đã được
chứng minh hiệu quả, tác dụng thực tế từ lâu đời. Ngoài ra, với thế mạnh là nguồn
dược liệu đặc thù và phong phú, việc kế thừa và phát triển thuốc dược liệu và cổ
truyền là lợi thế của Việt Nam.
Hiện nay,
ngành dược phẩm Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ với mức tăng trưởng trung bình
hai con số, với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp trong nước và các tập đoàn
dược lớn quốc tế. Tổng giá trị thị trường dược phẩm Việt Nam tăng từ 2,7 tỷ USD
năm 2015 lên 7 tỷ USD năm 2025; dự kiến đạt 10 tỷ USD vào năm 2026.
Hiện nay,
cả nước có hơn 238 nhà máy sản xuất thuốc đạt chuẩn WHO-GMP, 17 nhà máy sản xuất
thuốc đạt chuẩn EU-GMP, trên 5.000 cơ sở bán buôn thuốc và trên 62.000 cơ sở
bán lẻ.
Các sản phẩm
y dược trong nước ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu trong nước, khoảng 50% nhu
cầu dược phẩm của người dân, đồng thời từng bước khẳng định vị trí trên thị trường
quốc tế; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu và sản xuất dược phẩm ngày
càng mở rộng...
Thay mặt
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại tọa đàm, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn
Văn Nên nhấn mạnh ngành dược phẩm không chỉ đóng vai trò cốt lõi trong việc bảo
vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng mà còn là một trụ cột quan trọng của nền kinh
tế tri thức, góp phần xây dựng một xã hội văn minh, phát triển bền vững.
Trong bối
cảnh thế giới đang đối mặt với các thách thức khó lường như dịch bệnh, già hóa
dân số và nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng, ngành dược phẩm toàn cầu đã
chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ nhờ công nghệ và đổi mới sáng tạo. Để hiện thực
hóa tiềm năng và nâng tầm ngành dược phẩm, Việt Nam cần ứng dụng công nghệ số
và đổi mới sáng tạo.
Bí thư
Nguyễn Văn Nên cho biết, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia
phát triển ngành dược Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, với mục
tiêu phát triển ngành dược Việt Nam ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực;
định hướng phát triển ngành dược Việt Nam bền vững, từng bước hiện đại, chú trọng
bảo đảm an ninh thuốc.
Chiến lược
xác định phát triển công nghiệp dược, công nghiệp hoá dược, dược liệu sản xuất
trong nước, gia tăng giá trị xuất khẩu và hội nhập sâu vào chuỗi cung ứng dược
phẩm toàn cầu; ngành dược Việt Nam phải là một trong những ngành công nghiệp
mũi nhọn cần được ưu tiên nguồn lực và có cơ chế, chính sách khuyến khích đủ mạnh
để phát triển.
Chiến lược
cũng xác định một số cơ chế, chính sách ưu tiên như nghiên cứu phát triển công
nghệ, sản xuất hoặc chuyển giao công nghệ để sản xuất thuốc dược liệu, thuốc cổ
truyền từ nguồn dược liệu trong nước, dược chất, thuốc mới, thuốc biệt dược gốc,
thuốc hiếm, thuốc generic đầu tiên sản xuất trong nước, thuốc công nghệ cao,
vaccine, sinh phẩm.
Cùng với đó, nghiên cứu để bảo tồn, phát triển nguồn gen dược liệu quý, hiếm, đặc hữu trong nước; tạo giống mới từ nguồn gen dược liệu giá trị kinh tế cao. Bổ sung các chính sách ưu đãi đặc thù riêng cho ngành dược được hưởng ưu đãi theo quy định của pháp luật để khuyến khích phát triển (các dự án đầu tư khoảng 120 triệu USD, tương đương 3.000 tỷ đồng, sẽ được hưởng các ưu đãi đầu tư đặc biệt).
Bí thư
Nguyễn Văn Nên cho biết Việt Nam luôn xác định đổi mới sáng tạo và công nghệ sẽ
là chìa khóa cho sự phát triển và là động lực then chốt để ngành dược phẩm phát
triển bứt phá.
Theo đó, đẩy
mạnh ứng dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, Internet vạn
vật… để mở ra những tiềm năng to lớn trong việc nghiên cứu, phát triển và sản
xuất thuốc; đặc biệt là trong tối ưu hóa quy trình sản xuất, kiểm tra chất lượng
và quản lý chuỗi cung ứng.
Đồng thời,
tập trung đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) để tạo ra các sản phẩm
mới, đặc biệt là các sản phẩm điều trị các bệnh không lây nhiễm, ung thư và dược
phẩm sinh học... Phát triển các dòng sản phẩm dược phẩm xanh, thân thiện với
môi trường, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế về phát triển bền vững.
Cùng với
đó, huy động mọi nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thúc đẩy
đầu tư nghiên cứu, thử nghiệm, phát triển sản xuất thuốc, vaccine, sinh phẩm
trong nước, sản xuất nguyên liệu làm thuốc; đầu tư vào xây dựng các trung tâm
nghiên cứu, thành lập các trung tâm thử nghiệm lâm sàng quốc tế.
Việt Nam
cũng sẽ xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, phát triển các trung tâm nghiên
cứu và ươm tạo công nghệ dược phẩm tại khu công nghệ cao; hình thành các khu
công nghiệp dược phẩm... Khuyến khích các doanh nghiệp hợp tác với viện nghiên
cứu, trường đại học để phát triển các giải pháp trí tuệ nhân tạo ứng dụng trong
sản xuất dược phẩm. Tăng cường đào tạo đội ngũ chuyên gia về trí tuệ nhân tạo
và chuyển đổi số, đặc biệt trong lĩnh vực y tế và dược phẩm.
Việt Nam sẽ
hỗ trợ doanh nghiệp đạt các chứng nhận quốc tế như GMP-WHO, EU-GMP, tăng cường
năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện xuất khẩu dược phẩm ra thị trường toàn cầu.
Hoàn thiện quy định về bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ đối với thuốc tại
Việt Nam; hoàn thiện quy định về quản lý hệ thống phân phối, cung ứng thuốc;
chú trọng các quy định về đấu thầu, mua sắm, bảo đảm công khai, minh bạch, ưu
tiên thuốc chất lượng cao giá hợp lý.
Trên tinh thần đó, Bí thư Nguyễn Văn Nên cho biết phía Việt Nam mong muốn và đề nghị các doanh nghiệp, tập đoàn với kinh nghiệm, thế mạnh và uy tín của mình, sẽ tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam khai phá những cánh cửa mới, mở rộng hợp tác đầu tư trong các công đoạn khác nhau trong ngành dược mà hai bên có nhiều thế mạnh, tiềm năng; tăng cường trao đổi, tiếp tục duy trì và mở rộng hợp tác, nhất là trong "củng cố các chuỗi cung ứng", bảo đảm hoạt động sản xuất ổn định vì lợi ích của cả hai bên theo hướng đa dạng, minh bạch, bền vững.
Trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", "đã nói là làm, đã cam kết thì phải thực hiện, đã làm là phải có sản phẩm", Chính phủ Việt Nam khẳng định sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư thành công, bền vững, lâu dài ở Việt Nam, thực hiện "3 cùng" gồm cùng lắng nghe và thấu hiểu giữa doanh nghiệp với Nhà nước và người dân, cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động để hợp tác, hỗ trợ nhau cùng phát triển nhanh và bền vững, cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng, cùng phát triển; cùng chung niềm vui, niềm hạnh phúc và sự tự hào.
Theo Hà Văn - BCP