Theo danh sách
top 15 cường quốc đóng tàu toàn cầu dựa trên dữ liệu từ Hội nghị Liên Hợp Quốc
về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) được trang Insider Monkey đăng tải, Việt
Nam đang đứng ở vị trí thứ 7, với tỷ lệ phần trăm số tàu đã đóng trong năm 2021
đạt 0,61%.
Dẫn đầu danh
sách này là Trung Quốc (44,2%), theo sau bởi Hàn Quốc (32,4%), Nhật Bản (17,6%),
Philippines (1,06%), Italy (0,82%) và Đức (0,63%).
Insider Monkey
cho biết Việt Nam hiện có hơn 100 bến cảng và gần 20 nhà máy đóng tàu.
Tuy nhiên, số liệu
thống kê trong nước cho thấy những con số này còn lớn hơn nhiều. Tính đến tháng
4/2022, tổng số bến cảng toàn quốc là 296.
Trong khi đó,
trên cả nước hiện có 97 nhà máy đóng tàu với trọng tải từ 1.000 DWT trở lên và
có 68 nhà máy đóng mới, sửa chữa tàu thuyền. Tổng công suất thiết kế của nhà
máy đóng mới lên tới 2,6 triệu DWT/năm, theo số liệu từ Cục Hàng hải Việt Nam.
Tiềm lực lớn
CEO Fireworks
Trade Media, ông Kenny Yong cho rằng, ngành công nghiệp đóng tàu của Việt Nam
đã nổi lên như một thế lực cạnh tranh không thể xem thường, thể hiện sự tăng
trưởng, khả năng phục hồi và thích ứng đáng kể.
“Với đường bờ biển
trải dài, lực lượng lao động lành nghề và vị trí địa lý chiến lược, Việt Nam sở
hữu lợi thế độc nhất trong việc nắm bắt các cơ hội do ngành hàng hải toàn cầu
mang lại”, ông Kenny Yong nhận định.
Trong khi đó, bản
“Báo cáo về ngành công nghiệp đóng tàu tại các thị trường châu Á mới nổi” của
công ty dịch vụ kỹ thuật hàng hải Inserve (trụ sở tại London, Anh) nhận định,
Việt Nam có hướng phát triển riêng biệt so với các quốc gia mới nổi trong khu vực.
Do đó, ngành
công nghiệp đóng tàu của Việt Nam dự kiến có thể vươn lên vị trí thứ 5, thậm
chí thứ 4 trong bảng xếp hạng toàn cầu, chỉ sau 3 ông lớn là Trung Quốc, Hàn Quốc
và Nhật Bản.
Cơ hội hút
các nhà đầu tư lớn trên thế giới
Gần 70% vật tư
thiết bị của ngành đóng tàu Việt Nam đều đang phải nhập ngoại. Do đó, đây là dư
địa rất lớn giành cho các nhà cung ứng vật tư thiết bị trong ngoài nước, đồng
thời thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển.
Hiện các đội tàu
biển trên thế giới đã và đang hoạt động trên các tuyến hàng toàn cầu có rất nhiều
con tàu xuất xứ tại Việt Nam.
Cùng với đó, việc
lọt top 7 cường quốc đóng tàu trên thế giới chính là minh chứng rõ nét cho năng
lực cũng như tiềm năng phát triển của ngành đóng tàu trong nước, qua đó thu hút
được nhiều hợp đồng đóng tàu từ các ông lớn.
Ngoài ra, ngành
công nghiệp du thuyền giải trí đang phát triển cực nhanh trên thế giới với ước
tính sẽ đạt giá trị 230 tỷ USD vào năm 2024.
Hàng năm, có nhiều triển lãm du thuyền được tổ chức ở nhiều nước như Monaco, Mỹ, Singapore, Thailand… và hứa hẹn nhiều đơn hàng lớn cho doanh nghiệp đóng tàu Việt Nam.
Đà Nẵng hiện
cũng có nhiều ưu thế vị trí địa lý để phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ
liên quan đến du thuyền. Việc xây dựng, phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ
du thuyền sẽ góp phần thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, đồng thời tạo
động lực phát triển mới cho thành phố.
Theo NQS