Mới đây, SuperPort Việt Nam, liên doanh giữa Tập đoàn YCH (Singapore) và Tập đoàn T&T (Việt Nam) tổ chức sự kiện công bố Tầm nhìn mới của SuperPort Việt Nam.

Dự án này được khởi công vào cuối năm 2021 ngay trong đại dịch Covid-19 với sự chứng kiến của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Singapore và được sự hỗ trợ rất tích cực từ Chính phủ hai nước Việt Nam và Singapore.

Dự án có diện tích 83 hecta; tổng vốn đầu tư 166 triệu USD, được ghi nhận là “siêu cảng” đầu tiên của mạng lưới logistics thông minh tại khu vực ASEAN, có chức năng tích hợp của Trung tâm phân phối (và Cảng cạn - ICD) phục vụ cho hoạt động cung cấp các dịch vụ logistics);

Sự kiện nhấn mạnh, SuperPort Việt Nam sẽ có vị trí như một trung tâm quan trọng kết nối chuỗi cung ứng giữa Trung Quốc và Đông Nam Á, với mục tiêu đầy tham vọng đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2040, hướng tới nâng cao năng lực hậu cần của Việt Nam, đồng thời, đóng góp vào mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu.

Trong sự kiện, Tiến sĩ Yap Kwong Weng, Tổng giám đốc SuperPort Việt Nam, đã chia sẻ tầm nhìn mới và kế hoạch phát triển của SuperPort đầu tiên tại Đông Nam Á. Ông tuyên bố, “Bằng cách ứng dụng công nghệ tiên tiến và các giải pháp hậu cần đột phá, chúng tôi đang cải thiện dòng chảy hàng hóa trên khắp khu vực và thiết lập một tiêu chuẩn mới cho các cảng logistics bền vững trong tương lai. SuperPort Việt Nam có vị thế quan trọng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam và củng cố kết nối trong khu vực thông qua nền tảng hạ tầng đẳng cấp thế giới.”

SuperPort Việt Nam được định vị là trung tâm hậu cần đa phương thức chiến lược, kết nối mạng lưới vận tải hàng hóa Trung Quốc - Đông Nam Á với các thị trường toàn cầu thông qua đường bộ, đường sắt, đường hàng không và đường biển. Là một nút quan trọng trong mạng lưới logistics thông minh ASEAN, SuperPort Việt Nam được xây dựng nhằm tăng cường hội nhập và thương mại xuyên biên giới trong khu vực, thúc đẩy chuỗi cung ứng liền mạch, nhanh hơn và thông minh hơn.

 

Phối cảnh dự án

Nằm trên hành lang kinh tế phía Bắc, SuperPort Việt Nam kết nối 20 khu công nghiệp với các cảng biển và sân bay lớn, bao gồm Hải Phòng, Nội Bài, và kéo dài đến các tỉnh Vân Nam và Côn Minh, Trung Quốc. Thừa hưởng gần 70 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực logistics của Tập đoàn YCH, SuperPort Việt Nam còn tận dụng được lợi thế kết nối với các trung tâm cung ứng toàn cầu trên khắp Châu Á, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Đông Nam Á.

"Hưởng ứng cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, SuperPort Việt Nam đã đưa các giải pháp phát triển bền vững tiên tiến vào các hoạt động cốt lõi của mình. Chúng tôi cam kết đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2040, củng cố vị thế dẫn đầu của Việt Nam trong phát triển bền vững", Tiến sĩ Yap cho biết.

SuperPort Việt Nam đã vạch ra kế hoạch đạt mức phát thải ròng bằng 0. Kế hoạch này bao gồm việc đánh giá lượng phát thải hiện tại; nâng cấp cơ sở hạ tầng bằng các công nghệ như AI và IoT; lắp đặt các hệ thống năng lượng tái tạo và chuyển đổi sang sử dụng xe điện cho vận chuyển hàng hóa vào năm 2030. Lượng phát thải còn lại sẽ được bù đắp thông qua việc mua tín chỉ năng lượng tái tạo và tín chỉ carbon.

NSTT