Kho
cảng LNG Cái Mép đang tìm kiếm hàng hóa để bắt đầu thử nghiệm đưa vào vận hành.
Đây sẽ là kho cảng LNG thứ hai của Việt Nam đi vào hoạt động, theo một báo cáo
của Reuters cuối tháng 8/2024.
“Do
vừa nhận được giấy phép nhập khẩu, nên chúng tôi đang nỗ lực đẩy nhanh quá
trình đưa vào vận hành và đặt mục tiêu hoàn thành trong 3 tháng tới. Chúng tôi
sẽ cố gắng chốt lô hàng đưa vào vận hành tháng 10 để giao hàng cuối tháng 10 đến
giữa tháng 11”, ông Karthik Sathyamoorthy, Giám đốc điều hành AG&P LNG cho
biết.
Đây
là bước tiến mới sau khi AG&P LNG (công ty con của Tập đoàn Nebula Energy)
thông báo đã mua 49% cổ phần Kho cảng LNG Cái Mép tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu,
do Công ty TNHH Hải Linh làm chủ đầu tư, vào tháng 3/2024.
Tháng
6/2024, Excelerate Energy ( Hoa Kỳ) ký bản ghi nhớ điều khoản với Công ty cổ phần
ITECO để phát triển kho cảng nhập khẩu LNG mới tại Hải Phòng. Ông Ramon Wangdi,
Phó chủ tịch Excelerate tại châu Á - Thái Bình Dương chia sẻ, là một trong những
nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ở châu Á, Việt Nam vẫn là thị trường mới nổi
hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài.
“Sự
tăng trưởng được thúc đẩy bởi nhu cầu năng lượng tăng nhanh, trong đó LNG sẽ
đóng vai trò then chốt trong những thập kỷ tới. Khi Việt Nam chuyển đổi từ các
loại nhiên liệu có hàm lượng carbon cao như than và dầu sang các nguồn năng lượng
tái tạo như năng lượng mặt trời và thủy điện, LNG sẽ đóng vai trò quan trọng
giúp Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng ‘0’ vào năm 2050”, ông Wangdi nói.
Là
công ty hoạt động toàn cầu, Excelerate đang tìm hiểu các cơ hội đầu tư vào các
hạ tầng liên quan trên khắp Việt Nam và châu Á - Thái Bình Dương để hỗ trợ xu
hướng này. “Việt Nam có kế hoạch đầy tham vọng là mở rộng sáng kiến điện dựa
trên LNG từ mức gần như bằng 0 lên hơn 20 GW vào năm 2045. Tham vọng này sẽ
giúp Việt Nam trở thành một quốc gia quan trọng trong ngành công nghiệp LNG
trên toàn cầu”, ông Wangdi cho biết.
Do
đặc điểm địa lý độc đáo với đường bờ biển dài và địa hình trên bờ của Việt Nam,
hạ tầng để tiếp nhận, xử lý và phân phối LNG cần phải được xây dựng trên toàn
quốc. Điều này sẽ kết nối các kho cảng nhập khẩu đến nhiều người dùng cuối, từ
phát điện đến các ngành công nghiệp và thương mại. Những khoản đầu tư vào lĩnh
vực này cần có sự đáng tin cậy, chi phí hiệu quả và triển khai nhanh chóng.
Tương tự Excelerate, nhiều công ty hàng đầu cũng có cơ hội đầu tư vào lĩnh vực
mới nổi này trên toàn bộ chuỗi giá trị khí đốt và LNG.
Trong
khi đó, Kho cảng LNG Sơn Mỹ do liên doanh giữa Tập đoàn AES và PetroVietnam Gas
(PV Gas) đầu tư cũng được UBND tỉnh Bình Thuận chấp thuận chủ trương đầu tư vào
tháng 7/2023. Dự án dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2027.
Thị trường mới nổi đầy hứa hẹn
Ông
Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Hà Nội
chia sẻ, doanh nghiệp Hoa Kỳ là những công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực
năng lượng và họ rất hào hứng với các cơ hội tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh
vực hạ tầng LNG. Tuy nhiên, để biến sự quan tâm này thành các khoản đầu tư thực
sự, Việt Nam cần phải chứng minh với các nhà đầu tư quốc tế rằng, hạ tầng quy
mô lớn có thể được triển khai theo các ngân hàng tiêu chuẩn quốc tế. Điều quan
trọng là các kho cảng LNG và tất cả các bên mua phải cam kết tiến hành đúng tiến
độ để tiếp cận nguồn tài trợ quốc tế.
Quy
hoạch Điện VIII và các thỏa thuận song phương phản ánh mối quan hệ bền chặt giữa
Chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ trong thúc đẩy hợp tác năng lượng. Sự hợp tác này
là nền tảng cho sự tin tưởng của cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ để đầu tư vào
các dự án LNG trị giá hàng tỷ USD tại Việt Nam. Những khoản đầu tư hạ tầng lớn
cần được triển khai để nhập khẩu LNG gồm các cơ sở lưu trữ và nhập khẩu LNG.
Theo
FiinGroup, Việt Nam đã có bước đi đầu tiên trong phát triển hạ tầng LNG khi PV
Gas khánh thành kho cảng LNG đầu tiên của Việt Nam vào cuối năm 2023. Trong số
13 nhà máy điện LNG có tổng công suất 24 GW được phê duyệt theo Quy hoạch Điện
VIII, chỉ có 2 nhà máy Nhơn Trạch III & IV và Hiệp Phước đang được xây dựng;
11 nhà máy còn lại đang trong giai đoạn lập kế hoạch, trong đó 3 nhà máy vẫn
đang tìm kiếm các nhà tài trợ tiềm năng.
Ngoài
ra, một số kho cảng thương mại, bao gồm Kho cảng LNG Thị Vải của PV Gas và Kho
cảng LNG Cái Mép của AG&P, đã đi vào hoạt động hoặc đang được xây dựng. Các
kho cảng này dành cho cả nhà máy nhiệt điện và khách hàng công nghiệp địa
phương.
“LNG
sẽ là ngành đầy hứa hẹn tại Việt Nam trong các năm tới. Quy hoạch Điện VIII tập
trung vào việc chuyển đổi từ các nguồn năng lượng truyền thống như than, thủy
điện và giảm tỷ trọng của các nguồn năng lượng này trong sản xuất điện. Quy hoạch
đặt mục tiêu LNG sẽ đóng góp 14,9% vào nguồn cung cấp điện của Việt Nam”, bà
Anh Nguyễn, Trưởng phòng Nghiên cứu và Tư vấn thị trường của FiinGroup cho biết.
Trong
khi đó, Bộ Công thương đã đưa ra hướng dẫn về hợp đồng mua bán điện mới vào năm
2024, xóa bỏ các rào cản chính đối với việc phát triển hạ tầng LNG và khí đốt tự
nhiên, như Nhà máy Điện Ô Môn. Các hướng dẫn này cung cấp cho các nhà đầu tư và
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) một định hướng rõ ràng hơn để đạt được các thỏa
thuận một cách hiệu quả.
“Các
nhà đầu tư nước ngoài giàu kinh nghiệm đang rất quan tâm đến thị trường LNG Việt
Nam. Các công ty quốc tế nổi tiếng như ExxonMobil, Siemens Energy, General
Electric và Millennium Energy rất mong muốn thực hiện các dự án trong lĩnh vực
này. Với kinh nghiệm sâu rộng trong phát triển LNG và năng lực tài chính mạnh mẽ,
các nhà đầu tư nước ngoài có nhiều lợi thế để đóng góp cho các nhà máy điện
trong nước, bà Nguyễn nói thêm.
Dù
có triển vọng tươi sáng, nhưng ngành LNG của Việt Nam vẫn đối mặt với những
thách thức đáng kể trong ngắn hạn. Vì đây là một hoạt động kinh doanh có điều
kiện, đòi hỏi nhiều giấy phép và giấy chứng nhận, nên quá trình phê duyệt kéo
dài thường làm chậm tiến độ dự án và khiến hoạt động đầu tư thêm phức tạp.
“Do
thiếu hướng dẫn rõ ràng về bảo lãnh sản lượng, nhiều nhà đầu tư trong nước gặp
khó khăn trong việc đảm bảo nguồn vốn và xây dựng các chương trình tài chính.
Do đó, 11 dự án liên quan vẫn trong giai đoạn lập kế hoạch”, chuyên gia
FiinGroup cho biết.
Để
giải quyết những vấn đề trên, ông Wangdi khuyến nghị một cách tiếp cận giữa các
tổ chức công và tư để tối đa hóa sự hợp tác. “Chúng tôi tin rằng, Chính phủ Việt
Nam và các công ty nhà nước nên lựa chọn các đối tác tư nhân có khả năng cung cấp
hạ tầng năng lượng quan trọng, đóng vai trò thiết yếu đối với an ninh quốc gia,
tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững”, ông Wangdi nói.
Đồng
quan điểm, ông Sitkoff của AmCham đề xuất đơn giản hóa và đẩy nhanh quá trình
phê duyệt cho các dự án LNG và hạ tầng LNG. Ông cho biết, Việt Nam cần đơn giản
hóa thủ tục hành chính và đảm bảo các quy định rõ ràng, nhất quán để giúp các
nhà đầu tư dễ dàng triển khai dự án theo quy định của pháp luật.
“Việt
Nam cũng cần tài trợ thêm cho các dự án hạ tầng quan trọng như giao thông để tạo
điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển hàng hóa và con người. Chúng tôi hy vọng
sẽ thấy nhiều sáng kiến hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng năng lực hơn, bao gồm các
chương trình đào tạo và hội thảo nhằm nâng cao kỹ năng và kiến thức cần thiết để
quản lý cơ sở hạ tầng hiệu quả”, ông Sitkoff đề xuất.
BĐT