Tại cuộc họp cổ đông thường niên lần thứ 60 của Berkshire Hathaway ở Omaha, Nebraska (Mỹ), tỷ phú Warren Buffett bất ngờ tuyên bố sẽ rời ghế CEO vào cuối năm nay, kết thúc hơn 6 thập kỷ lãnh đạo một trong những tập đoàn đầu tư lớn nhất thế giới.

Quyết định nghỉ hưu của Warren Buffett đánh dấu một cột mốc lịch sử, không chỉ với Berkshire mà còn với giới tài chính toàn cầu. Người kế nhiệm Warren Buffett ở vị trí CEO Berkshire Hathaway là Greg Abel - đã có hơn 20 năm làm việc tại Berkshire Hathaway.

Warren Buffett được mệnh danh là “Hiền triết xứ Omaha” hay “Nhà tiên tri xứ Omaha”. Ông đã biến Berkshire Hathaway từ một công ty dệt may gặp khó khăn vào năm 1965 thành tập đoàn có giá trị vốn hóa thị trường hơn 1.160 tỷ USD.

Theo ước tính của Forbes, ngày 5/5/2025, Warren Buffett sở hữu khối tài sản ròng 168,2 tỷ USD, là người giàu thứ 5 thế giới.

Từ cậu bé bán báo đến nhà tiên tri xứ Omaha

Warren Buffett sinh năm 1930 tại Omaha, Nebraska trong một gia đình trung lưu. Cha ông là một nghị sĩ kiêm nhà môi giới chứng khoán. Vì vậy, ngay từ nhỏ, Warren Buffett đã sớm tiếp xúc với khái niệm về tiền bạc, tài sản và thị trường. Cậu bé Warren Buffett từng đi gõ cửa từng nhà để bán kẹo cao su, nước giải khát và tờ báo The Washington Post.

Warren Buffett mua cổ phiếu đầu năm 11 tuổi, sau đó bán đi với khoản lời nhỏ. Khi 14 tuổi, Warren Buffett đầu tư số tiền kiếm được vào 40 mẫu Anh đất, sau đó cho thuê để kiếm lời.

Warren Buffett học Đại học Nebraska và sau đó học tại Trường Kinh doanh Columbia dưới sự dẫn dắt của Benjamin Graham - cha đẻ của trường phái đầu tư giá trị. Thời gian theo học tại Columbia đã tạo tiền đề cho Warren Buffett một sự nghiệp lẫy lừng.

Năm 1956, ông trở về Omaha, thành lập Buffett Associates. Năm 1962, ông đã là triệu phú khi hợp tác với Charlie Munger, người mà ông gặp lần đầu tiên vào năm 1959.

Năm 1965, Warren Buffett tiếp quản Berkshire Hathaway - khi ấy là một công ty dệt may đang suy tàn - rồi âm thầm chuyển hướng nó trở thành một quỹ đầu tư đa ngành khổng lồ. Từ chỗ chỉ là một tay chơi nhỏ ở Omaha, ông dần trở thành biểu tượng của phố Wall mà không cần rời khỏi quê nhà. Giới tài chính gọi Warren Buffett bằng biệt danh kính trọng: “The Oracle of Omaha” – Nhà tiên tri xứ Omaha.

Chiến lược đầu tư "dị biệt"

Không chỉ là một nhà đầu tư thành công, Buffett còn là một trường phái tư duy riêng biệt. Trong thời đại mà các nhà đầu tư chạy theo chỉ số, thời gian thực và thuật toán tốc độ cao, Warren Buffett điềm tĩnh hơn bất kỳ ai. Ông kiên định với chiến lược “mua và giữ”, đầu tư vào các doanh nghiệp mà ông “muốn nắm giữ mãi mãi”, bất chấp sóng gió ngắn hạn của thị trường.

Triết lý đầu tư của Warren Buffett dựa trên nguyên tắc mua cổ phiếu của những công ty mà ông tin là được quản lý tốt và bị định giá thấp. Khi mua, ông có ý định nắm giữ chứng khoán vô thời hạn. Coca-Cola và American Express đáp ứng các tiêu chí của ông và vẫn nằm trong danh mục đầu tư của Berkshire Hathaway trong nhiều năm.

Trong nhiều trường hợp, Warren Buffett mua đứt các công ty, tiếp tục để đội ngũ quản lý xử lý công việc kinh doanh hàng ngày. Một số công ty nổi tiếng hơn phù hợp với danh mục này bao gồm See's Candies, Fruit of the Loom, Dairy Queen, Pampered Chef, Kraft Heinz và GEICO.

Sự bí ẩn của Warren Buffett vẫn còn nguyên vẹn cho đến khi cổ phiếu công nghệ trở nên phổ biến. Là một người cực kỳ sợ công nghệ, Buffett đã ngồi ngoài trong đợt tăng giá đáng kinh ngạc của cổ phiếu công nghệ vào cuối những năm 1990.

Kiên định với mục tiêu của mình và từ chối đầu tư vào các công ty không đáp ứng được nhiệm vụ, Buffett đã phải chịu sự khinh thường của các chuyên gia Phố Wall và bị nhiều người coi là người đã hết thời.

Sự sụp đổ của công nghệ xảy ra khi bong bóng dotcom nổ ra và khiến nhiều chuyên gia phá sản. Trong khi đó, lợi nhuận của Buffett tăng gấp đôi.

Dưới sự dẫn dắt của Buffett, cổ phiếu Berkshire tăng trưởng hơn 5.502.284% từ năm 1965 đến 2024 - một kỳ tích gần như không tưởng.

Lối sống giản dị và tấm lòng nhân hậu

Không chỉ xây dựng giá trị tài chính, Warren Buffett còn gieo mầm cho những giá trị đạo đức, xã hội vượt lên trên con số. Dù sở hữu khối tài sản giàu bậc nhất thế giới (168 tỷ USD) nhưng Warren Buffett vẫn giữ lối sống giản dị. Ông vẫn sống trong căn nhà mua từ năm 1958 với giá 31.500 USD, uống Coca-Cola và ăn tối tại các nhà hàng địa phương. Ông lái một chiếc xe bình thường, ăn sáng ở McDonald’s và sử dụng một chiếc điện thoại nắp gập lỗi thời.

Trong thời đại mà sự xa hoa trở thành chuẩn mực ngầm cho thành công, Warren Buffett trở thành ngoại lệ, và càng được kính trọng.

Tháng 6/2006, Warren Buffett khiến cả thế giới sửng sốt khi tuyên bố sẽ quyên góp phần lớn tài sản của mình cho Quỹ Bill & Melinda Gates, tập trung vào các vấn đề sức khỏe thế giới, thư viện Hoa Kỳ và trường học toàn cầu, cùng nhiều vấn đề khác. Đây là một trong những tổ chức từ thiện minh bạch lớn nhất thế giới.

Các khoản quyên góp của Buffett sẽ được thực hiện dưới hình thức cổ phiếu loại B của Berkshire Hathaway. Tổng số tiền quyên góp của ông cho Quỹ Bill & Melinda Gates là 10 triệu cổ phiếu. Khoản quyên góp này sẽ được chia thành các đợt tăng dần 5% cho đến khi Buffett qua đời hoặc cho đến khi quỹ không đáp ứng được điều khoản chi tiêu. Khoản quyên góp năm 2006 của Buffett là 500.000 cổ phiếu, trị giá khoảng 1,5 tỷ USD.

 

Warren Buffett khiến cả thế giới sửng sốt khi tuyên bố sẽ quyên góp phần lớn tài sản của mình cho Quỹ Bill & Melinda Gates. (Ảnh: ABC News)

Tháng 6/2022, CEO của quỹ, Mark Suzman, đã gửi email cho các nhân viên của Quỹ Bill & Melinda Gates. Email cũng được chia sẻ trên trang web của quỹ rằng các khoản đóng góp của Buffett kể từ năm 2006 đã lên tới hơn 36 tỷ USD.

Theo tờ Wall Street Journal, khoản quyên góp 9.930.357 cổ phiếu Berkshire Hathaway của Buffett vào năm 2024 lên tới 4 tỷ USD. Buffett kỳ vọng giá cổ phiếu sẽ tăng theo thời gian.

Được coi là nhà đầu tư vĩ đại nhất mọi thời đại, Buffett đã ảnh hưởng sâu sắc đến tài chính, kinh doanh, hoạt động từ thiện, đầu tư...và các nguyên tắc mà ông chia sẻ trong suốt cuộc đời giúp định hình suy nghĩ của nhiều doanh nhân, nhà đầu tư.

Tuyên bố nghỉ hưu từ cuối năm nay ở tuổi 94, Warren Buffett đã khép lại một triều đại, một hành trình vĩ đại từ một công ty sắp phá sản.

Ông để lại cho thế giới không chỉ một đế chế tài chính hùng mạnh, mà còn một định nghĩa đẹp đẽ về thành công: không phải kiếm được bao nhiêu mà là sống sao để mọi người nhớ đến mình với sự kính trọng.

Vtcnews.vn