Thông tư này áp dụng đối với các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và phổ thông có nhiều cấp học, trường chuyên biệt, cơ sở giáo dục khác thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (gọi chung là cơ sở giáo dục phổ thông); các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm và các cơ sở giáo dục có đào tạo giáo viên (gọi chung là cơ sở giáo dục đại học).

Việc áp dụng Thông tư này bảo đảm phù hợp với nhận thức, trình độ và đáp ứng nhu cầu của người học đối với từng cấp học, trình độ đào tạo.

Đối với cấp tiểu học: Nội dung mang tính nhận biết.

Đối với cấp trung học cơ sở: Nội dung mang tính trải nghiệm.

Đối với cấp trung học phổ thông: Nội dung mang tính thực hành và định hướng về nghề nghiệp.

Đối với trình độ đào tạo đại học, cao đẳng sư phạm: Nội dung tập trung vào phát triển nghề nghiệp, việc làm.

Thông tư quy định rõ nhiệm vụ của công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm. Theo đó, định hướng nghề nghiệp đối với cấp tiểu học: Giáo dục học sinh nhận biết công việc, nghề nghiệp, việc làm của cha mẹ, người thân, các nghề truyền thống ở địa phương và một số nghề nghiệp cơ bản. Phát hiện, bồi dưỡng và phát triển năng khiếu cho học sinh.

Định hướng nghề nghiệp, việc làm đối với cấp trung học cơ sở: Giáo dục học sinh có ý thức, thái độ tích cực về lao động, nghề nghiệp, việc làm; hướng dẫn học sinh khám phá sở thích, năng lực, sở trường, nguyện vọng nghề nghiệp của bản thân. Tạo môi trường, tổ chức cho học sinh làm quen, trải nghiệm thực tế một số nghề nghiệp, việc làm cơ bản phù hợp với điều kiện của nhà trường.

Tư vấn nghề nghiệp, việc làm đối với cấp trung học phổ thông: Cung cấp cho học sinh thông tin về các cơ sở giáo dục đại học, chương trình đào tạo và tư vấn cho học sinh về vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp. Cung cấp cho học sinh thông tin và xu hướng phát triển của các ngành, nghề trong xã hội. Tổ chức cho học sinh tìm hiểu, trải nghiệm thực tế đối với nhóm nghề nghiệp, việc làm theo sở thích, nguyện vọng của học sinh và phù hợp với điều kiện của nhà trường.

Tư vấn nghề nghiệp, việc làm đối với cơ sở giáo dục đại học: Xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin việc làm, tuyển dụng, yêu cầu về kỹ năng, thái độ của các nhóm nghề nghiệp, việc làm; thông tin về nhu cầu thị trường lao động liên quan đến ngành đào tạo. Hỗ trợ sinh viên trải nghiệm, làm quen với công việc thực tế tại đơn vị đối tác; hướng dẫn sinh viên tham gia việc làm thêm phù hợp với thời gian học tập và theo quy định của nhà trường.

Tổ chức ngày hội tư vấn nghề nghiệp cho học sinh THPT tối thiểu 01 lần/năm học

Hình thức triển khai của công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm là tích hợp, lồng ghép vào các môn học và các hoạt động giáo dục của nhà trường.

Đối với cấp trung học cơ sở: Tạo môi trường, hỗ trợ học sinh được trải nghiệm, thực hành, tìm hiểu thực tế về các nhóm ngành nghề, việc làm thông qua hoạt động tham quan, trải nghiệm tại cộng đồng, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, các đối tác tối thiểu 01 lần/năm học bảo đảm phù hợp với điều kiện của nhà trường.

Đối với cấp trung học phổ thông: Tổ chức cho học sinh được trải nghiệm, thực hành đối với các nhóm ngành nghề, việc làm đã được tư vấn thông qua hoạt động tham quan, trải nghiệm tại cộng đồng, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, các đối tác tối thiểu 01 lần/năm học bảo đảm phù hợp với điều kiện của nhà trường. Tổ chức ngày hội tư vấn tuyển sinh, tư vấn nghề nghiệp, việc làm cho học sinh, tối thiểu 01 lần/năm học.

Đối với cơ sở giáo dục đại học: Hướng dẫn sinh viên khai thác cơ sở dữ liệu thông tin tuyển dụng của các đơn vị sử dụng lao động, thông tin về nhu cầu thị trường lao động. Tổ chức ngày hội việc làm, tuyển dụng cho sinh viên, tối thiểu 01 lần/trong năm học.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ 8/7/2022.

Nguồn: Khánh Linh - CTTĐTCP