Theo số liệu báo cáo mới nhất từ Cục Quản lý Năng lượng Quốc gia Trung Quốc (NEA), tín đến cuối năm 2024, đã có hơn 560 chính sách, cơ chế chuyên biệt về năng lượng hydro được ban hành trên toàn quốc. Với 22 khu vực hành chính cấp tỉnh đã lồng ghép phát triển năng lượng hydro vào báo cáo công tác chính quyền địa phương, qua đó thúc đẩy sự phát triển ngành này phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng khu vực.

Theo báo cáo sản lượng và mức tiêu thụ hydro của Trung Quốc trong năm 2024 đã vượt mức 36,5 triệu tấn, mức lớn nhất thế giới. Đồng thời, tổng công suất của các dự án sản xuất hydro từ nguồn năng lượng tái tạo trên toàn cầu đã vượt 250.000 tấn/năm, trong đó Trung Quốc chiếm trên 50%, từng bước khẳng định vai trò là quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực này, NEA cho biết.


Một thiết bị sản xuất hydro được giới thiệu tại triển lãm ở Bắc Kinh vào tháng 3/2025

Các quan chức và chuyên gia trong ngành nhận xét, đầu tư vào năng lượng hydro tại Trung Quốc đang có xu hướng đa dạng hóa, không chỉ tập trung vào pin nhiên liệu mà còn mở rộng sang toàn bộ chuỗi giá trị, bao gồm: nghiên cứu phát triển nguyên liệu thô ở thượng nguồn, chế tạo linh kiện cốt lõi ở trung nguồn, và triển khai thử nghiệm mới ở hạ nguồn.

Ông Xu Jilin - Phó Cục trưởng Cục Tiết kiệm năng lượng và Thiết bị công nghệ (cơ quan thuộc NEA) cho hay khu vực miền Bắc Trung Quốc sở hữu nền tảng vững chắc về phát triển các ngành công nghiệp truyền thống và nguồn tài nguyên năng lượng dồi dào, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai và mở rộng các dự án năng lượng hydro.

Trông số sản lượng 36,5 triệu tấn hydro được tiêu thụ trong năm 2024 thì các khu vực phía Bắc chiếm hơn 50%. Các địa phương như Khu tự trị Nội Mông, Sơn Tây, Thiểm Tây, và Khu tự trị dân tộc Hồi Ninh Hạ nằm trong nhóm dẫn đầu về sản lượng.

Ông Xu Jilin cho biết thêm rằng, đến cuối năm 2024, đã có hơn 600 dự án điện phân nước sử dụng năng lượng tái tạo để sản xuất hydro được quy hoạch và triển khai trên toàn quốc, trong đó hơn 150 dự án đã hoàn thành hoặc đang xây dựng. Các dự án hoàn thiện đạt tổng công suất khoảng 125.000 tấn/năm, tập trung chủ yếu tại khu vực Tây Bắc và miền Bắc Trung Quốc, chiếm gần 90% công suất đã hoàn thành toàn quốc.

Việc thử nghiệm các loại xe năng lượng mới chạy bằng pin nhiên liệu cũng đang tiến triển rất khả quan, với hơn 540 trạm tiếp nhiên liệu hydro được xây dựng trên toàn quốc và khoảng 24.000 phương tiện pin nhiên liệu được đưa vào sử dụng, ông Xu Jilin thông tin thêm.

Ông Alex Zhu - 1 lãnh đạo phụ trách phân tích dữ liệu nhóm các ngành công nghiệp và năng lượng khu vực châu Á - Thái Bình Dương từ công ty EY, nhận định: hệ thống điện quốc gia Trung Quốc hiện đang chuyển dịch sang giai đoạn do điện xanh chi phối, trong khi vẫn duy trì sự ổn định của nguồn năng lượng truyền thống và thúc đẩy các đột phá công nghệ sạch.

Vị này khẳng định: “Trung Quốc sẽ dẫn đầu toàn cầu về sản xuất hydro, với năng lực chuỗi công nghiệp liên tục được cải thiện, tạo nền tảng vững chắc để nâng cao chất lượng và tốc độ phát triển ngành năng lượng hydro trong giai đoạn từ 2026–2030”.

Hiện tại Chính phủ Trung Quốc cũng đang tích cực thu hút doanh nghiệp tư nhân tham gia vào thị trường lưu trữ năng lượng và quang điện phân tán, quy mô ước tính lên tới hàng nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng hơn 130 tỷ USD). Trung Quốc cũng áp dụng chiến lược song song “hai mũi nhọn” đang được triển khai là vừa đảm bảo nguồn cung và giá cả ổn định cho năng lượng truyền thống, vừa nâng cao vị thế của năng lượng sạch, chuyển dịch từ việc mở rộng quy mô sang nâng cao chất lượng toàn diện.

Ông Alex Zhu nhắn mạnh thêm: “Trong tương lai, có thể kỳ vọng vào những đột phá công nghệ mới trong các lĩnh vực như năng lượng hydro và thu giữ, sử dụng và lưu trữ carbon (CCUS). Đồng thời, khả năng điều tiết phụ tải của hệ thống lưu trữ năng lượng cũng sẽ được cải thiện”.

Theo CND