Ngày 4/5/2025, Tổng thống Trump tuyên bố trên mạng xã hội Truth Social rằng ngành điện ảnh Mỹ đang "chết rất nhanh" do các ưu đãi hấp dẫn từ nhiều quốc gia nhằm lôi kéo các nhà làm phim. Ông gọi đây là "mối đe dọa an ninh quốc gia" và cáo buộc các nước khác sử dụng phim ảnh như công cụ tuyên truyền.
"Chúng tôi muốn phim được sản xuất tại Mỹ, một lần
nữa!", ông Trump nhấn mạnh, đồng thời chỉ đạo Bộ Thương mại và các cơ quan
liên quan khẩn trương triển khai mức thuế 100% đối với tất cả phim nước ngoài
nhập vào Mỹ.
Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick ngay lập tức phản
hồi trên X: "Chúng tôi đang vào việc." Tuy nhiên, cả ông Trump và ông
Lutnick đều chưa công bố chi tiết về cách áp dụng thuế, như liệu thuế sẽ áp cho
phim chiếu rạp, phim trên nền tảng trực tuyến hay dựa trên chi phí sản xuất hoặc
doanh thu phòng vé.
Hollywood lao đao
trước làn sóng sản xuất phim ở nước ngoài
Ngành công nghiệp điện ảnh Hollywood từ lâu đã chứng kiến sự dịch chuyển sản xuất sang các quốc gia như Canada, Anh, Úc và New Zealand, nơi cung cấp ưu đãi thuế và hoàn tiền hấp dẫn. Theo dự báo của Ampere Analysis, chi tiêu toàn cầu cho sản xuất nội dung năm 2025 sẽ đạt 248 tỷ USD và các quốc gia đang cạnh tranh quyết liệt để thu hút các dự án lớn.
Các "ông lớn" như Walt Disney, Netflix và
Universal Pictures đều đẩy mạnh quay phim ở nước ngoài. Chẳng hạn, một số phim
siêu anh hùng của Marvel được thực hiện tại Úc, trong khi New Zealand là bối cảnh
của loạt phim "Chúa tể những chiếc nhẫn".
Theo nghiên cứu của ProdPro, năm 2023, khoảng 50% ngân
sách của các dự án phim và truyền hình Mỹ có kinh phí trên 40 triệu USD được
chi ngoài lãnh thổ Mỹ. Tại Los Angeles - cái nôi của Hollywood, sản xuất phim
và truyền hình đã giảm gần 40% trong thập kỷ qua, theo thống kê từ FilmLA.
Các vụ cháy rừng vào tháng 1/2025 càng làm trầm trọng
thêm tình hình, khiến nhiều nhà sản xuất cân nhắc rời Los Angeles. Nhân sự hậu
trường như quay phim, thiết kế trang phục, kỹ thuật viên âm thanh cũng đối mặt
nguy cơ rời bỏ khu vực do khó khăn trong tái thiết.
Phản ứng từ quốc tế
và lo ngại về chiến tranh thương mại
Ngay sau thông báo của ông Trump, lãnh đạo Úc và New
Zealand tuyên bố sẽ bảo vệ ngành công nghiệp điện ảnh nội địa. Trong khi đó,
các giám đốc điều hành Hollywood đang gấp rút tìm hiểu chi tiết về chính sách
thuế mới. Hiệp hội Điện ảnh Mỹ (Motion Picture Association) hiện chưa đưa ra
bình luận chính thức.
Chính sách thuế phim của ông Trump nằm trong chuỗi các
động thái thương mại cứng rắn của chính quyền, vốn đã gây xáo trộn thị trường
và làm dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế. Ông William Reinsch, cựu quan chức
Bộ Thương mại, cảnh báo rằng các biện pháp trả đũa từ quốc tế có thể "giết
chết" ngành điện ảnh Mỹ. "Chúng ta có nhiều thứ để mất hơn là để được,"
ông nói, đồng thời cho rằng khó có thể viện dẫn lý do an ninh quốc gia để áp
thuế lên phim ảnh.
Hollywood tìm lối
thoát
Trước đó, vào tháng 1/2025, ông Trump đã bổ nhiệm các
ngôi sao kỳ cựu như Jon Voight, Sylvester Stallone và Mel Gibson vào các vị trí
chủ chốt để "đưa Hollywood trở lại thời hoàng kim". Tuy nhiên, các
nhà sản xuất và công đoàn lao động tại Hollywood đang kêu gọi Thống đốc
California Gavin Newsom tăng ưu đãi thuế để cạnh tranh với các địa điểm quay
phim quốc tế.
Một khảo sát của ProdPro cho thấy California chỉ đứng
thứ 6 trong danh sách các địa điểm quay phim được ưa chuộng trong hai năm tới,
sau Toronto, Anh, Vancouver, Trung Âu và Úc.
Với chính sách thuế mới, ông Trump đặt cược vào việc
kéo các nhà làm phim trở lại Mỹ. Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu
khốc liệt, liệu Hollywood có thể lấy lại ánh hào quang hay tiếp tục đối mặt với
những thách thức mới vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ.
Theo RT