Từ những năm 1980, chính phủ Trung Quốc nhận ra tầm chiến lược quan trọng của
đất hiếm nên đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ cho ngành công nghiệp này.
Năm 1987, nhà lãnh đạo Trung Quốc lúc đó là Đặng Tiểu Bình đã tuyên bố nếu
Trung Đông có dầu thì Trung Quốc có đất hiếm khi đi thăm Bayan Obo, Nội Mông,
nay là mỏ đất hiếm lớn nhất và được khai thác nhiều nhất thế giới.
Năm 1993, Trung Quốc dẫn đầu thị trường đất hiếm với 38% sản lượng toàn cầu
được khai thác và chế biến tại nước này, Mỹ bám sát phía sau với 33% thị phần;
Úc, Malaysia, và Ấn Độ cũng có vai trò quan trọng trong ngành.
Đến năm 2011, Trung Quốc chiếm tới 97% sản lượng toàn cầu. Thị phần độc quyền trong lĩnh vực đất hiếm của Trung Quốc gần như không thay đổi trong 10 năm qua.
Câu chuyện đất hiếm của Trung Quốc bắt nguồn từ những khám phá quặng đất hiếm
đầu tiên tại Bayan Obo vào năm 1927. Tuy nhiên, phải đến những năm 1950, khi nhận
ra tầm quan trọng chiến lược của loại tài nguyên quý giá này, Trung Quốc mới bắt
đầu đầu tư mạnh mẽ vào khai thác và chế biến đất hiếm.
Chính phủ Trung Quốc đã thành lập Nhóm lãnh đạo phát triển và ứng dụng đất
hiếm quốc gia vào năm 1975, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong quá trình
xây dựng ngành công nghiệp đất hiếm.
Với trữ lượng khổng lồ và sự hỗ trợ toàn diện từ nhà nước, Trung Quốc đã
nhanh chóng xây dựng một chuỗi cung ứng đất hiếm hoàn chỉnh, từ khai thác, tinh
chế đến sản xuất các sản phẩm cuối cùng. Đồng thời, chính sách ưu đãi đầu tư và
chi phí lao động thấp cũng là những yếu tố quan trọng giúp Trung Quốc thu hút
các doanh nghiệp trong giai đoạn đầu.
Trong suốt những năm 1980 và 1990, Trung Quốc không ngừng tăng cường vị thế
của mình trên thị trường đất hiếm. Với những khoản đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu,
phát triển và công nghệ tinh chế, Trung Quốc nhanh chóng trở thành một "cường
quốc đất hiếm".
Đến cuối thập niên 1980, đất hiếm Trung Quốc đã tràn ngập thị trường thế giới
với giá cả cạnh tranh, buộc nhiều đối thủ phải rút lui.
Sự thống trị của Trung Quốc càng được củng cố vào những năm 1990, khi Bắc
Kinh phân loại đất hiếm là “khoáng sản được bảo vệ mang tính chiến lược” nhằm hạn
chế quyền tiếp cận của nước ngoài, đưa ra các biện pháp kiểm soát xuất khẩu và
thắt chặt nguồn cung toàn cầu.
Điều đó đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư nước ngoài không được phép khai
thác đất hiếm, chỉ được chế biến đất hiếm khi thành lập liên doanh với một công
ty Trung Quốc - và phải được chính phủ chấp thuận.
Đến năm 2005, những biện pháp này được bổ sung bằng các chính sách hạn ngạch
sản xuất, lệnh cấm xuất khẩu đất hiếm cô đặc, áp thuế xuất khẩu đối với oxit đất
hiếm và kim loại. Đây cũng là lúc các tác động nghiêm trọng đối với môi trường
và sức khoẻ nhận được sự chú ý từ Bắc Kinh, phần lớn là do các quy định lỏng lẻo
và kỹ thuật lỗi thời.
Để giải quyết các vấn đề này, chính phủ Trung Quốc đã quyết định can thiệp
mạnh mẽ. Từ năm 2010, Bắc Kinh công bố dự thảo chiến lược nhằm hợp nhất ngành
công nghiệp đất hiếm, giảm số lượng mỏ và nhà máy và siết chặt các quy tắc bảo
vệ môi trường.
Những chính sách này nhằm giải quyết tình trạng công suất quá mức, ô nhiễm
nặng nề và quản lý tài nguyên kém. Năm 2011 và 2012, Kế hoạch cải cách ngành đất
hiếm được Quốc vụ Viện ban hành.
Những nỗ lực củng cố tiếp theo, đặc biệt là Kế hoạch phát triển ngành công
nghiệp đất hiếm, do Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc thúc đẩy
vào năm 2016, làm giảm đáng kể số lượng doanh nghiệp được phép tham gia khai
thác và chế biến đất hiếm xuống còn 4 công ty.
Đến năm 2021, Tập đoàn Đất hiếm Trung Quốc được hợp nhất từ một loạt doanh
nghiệp khác, chiếm 70% tổng hoạt động sản xuất đất hiếm trong nước.
Trong giai đoạn cải cách này, chính phủ Trung Quốc đã tăng cường kiểm soát lĩnh vực đất hiếm thông qua việc xây dựng các kho dự trữ chiến lược và giới thiệu thuế xuất khẩu đối với các sản phẩm cuối cùng sử dụng đất hiếm.
Những chính sách trên khiến cơ cấu của lĩnh vực đất hiếm Trung Quốc thay đổi
hoàn toàn, với số lượng đất hiếm được xuất khẩu giảm từ 90% vào năm 2000 xuống
còn 20% vào năm 2012. Điều này cũng tạo nên nguồn cung đất hiếm giá rẻ và dồi
dào trong nước, kịp thời hỗ trợ mạnh mẽ các lĩnh vực công nghệ mới nổi của
Trung Quốc như năng lượng sạch và xe điện.
Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng, đất hiếm trở thành một
công cụ cạnh tranh chiến lược. Đối với nhiều quốc gia phương Tây, sự phụ thuộc
ngày càng tăng vào một nguồn cung duy nhất từ Trung Quốc đang làm dấy lên những
lo ngại về an ninh quốc gia và khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng.
Các nỗ lực đang được triển khai trên khắp thế giới để đa dạng hoá các nguồn
đất hiếm và phát triển năng lực chế biến trong nước. Tuy nhiên, sáng kiến này đối
mặt với những thách thức đáng kể, bao gồm chi phí phát triển công nghệ chế biến
rất cao và luật bảo vệ môi trường nghiêm ngặt tại nhiều quốc gia.
Đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc, đất hiếm có thể được sử dụng như một vũ
khí thương mại trong cuộc cạnh tranh kinh tế giữa cả hai bên. Minh họa rõ nhất
là khi Mỹ áp đặt lệnh hạn chế xuất khẩu công nghệ bán dẫn tiên tiến đối với
Trung Quốc vào năm 2022; năm 2023, Trung Quốc đáp trả bằng lệnh cấm xuất khẩu
toàn bộ công nghệ chế biến đất hiếm.
Ngày 4/4/2025 , Trung Quốc đã tuyên bố kiểm soát xuất khẩu đối với 7 loại sản
phẩm đất hiếm loại trung bình và nặng, bao gồm Samarium, Gadolinium, Terbi,
Dysprosi, Luteti, Scandi và Yttri. Những nguyên tố này có vẻ lạ lẫm với người
ngoài nhưng đáng sợ với những người trong ngành.
Chỉ 5 ngày sau khi Trung Quốc giáng đòn mạnh vào ngành đất hiếm, tiếng kêu
than từ các ngành công nghiệp liên quan tại Mỹ đã tới tấp vang lên. Hôm 13/4,
giới truyền thông Mỹ cuối cùng không thể im lặng được nữa, công khai thừa nhận
các ngành công nghiệp liên quan của Mỹ đã rơi vào tình trạng hoảng loạn.
Có thể thấy, "Cú phản đòn đất hiếm" của Trung Quốc không chỉ đánh
trúng vào những điểm then chốt của ngành công nghiệp quân sự Mỹ mà còn phá tan ảo
tưởng sai lầm về cái gọi là "thuế đối ứng" của Tổng thống Mỹ Trump.
Phạm vi kiểm soát của phía Trung Quốc không chỉ chuẩn xác và nghiêm ngặt mà
còn có tính mở rộng. Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc hành động như vậy.
Ngay từ năm ngoái, Trung Quốc đã áp dụng lệnh hạn chế xuất khẩu đối với các kim
loại quý hiếm như Vonfram, Telua, Bismuth, Molypden và Indium. Lần này, họ chơi
"lá bài đánh tiếp" để chặn đường lui của đối phương.
Biểu hiện trớ trêu của ngành công nghiệp Mỹ là họ không dám trực tiếp kêu
than vì dính đòn đau mà thay vào đó lại "lo thay cho Trung Quốc" -
nói rằng nếu việc xuất khẩu đất hiếm bị gián đoạn trong một thời gian dài, có
thể "làm tổn hại đến danh tiếng quốc tế của Trung Quốc".
Sức sát thương của đất hiếm trực diện và gây chết chóc hơn nhiều so với trò
chơi con số trong cuộc chiến thuế quan.
Chuỗi cung ứng đất hiếm toàn cầu tập trung cao ở Trung Quốc, với đất hiếm
trung bình và nặng gần như chiếm địa vị "độc quyền". 17 nguyên tố
khoáng chất đất hiếm được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực quan trọng như
quân sự, năng lượng, ô tô và điện tử. Đặc biệt, hệ thống công nghiệp quân sự của
Mỹ một khi bị cắt nguồn cung cấp đất hiếm cũng giống như mất đi động mạch.
Các công ty chế tạo ngành hàng không vũ trụ là những công ty đầu tiên kêu cứu.
Vật liệu từ tính vĩnh cửu và hợp kim đặc chủng cần thiết cho hệ thống dẫn đường
điện tử và radar của quân đội phụ thuộc rất nhiều vào đất hiếm của Trung Quốc.
Theo sát phía sau là các nhà sản xuất ô tô điện. Mặc dù họ nhanh chóng tìm kiếm
giải pháp thay thế ở Australia, Canada…nhưng những nơi này sản lượng không đủ
hoặc năng lực gia công chế biến thấp.
Những người thực sự lo lắng nhất là các nhà thầu vũ khí của quân đội Mỹ. Dữ
liệu cho thấy Mỹ phụ thuộc vào Trung Quốc tới 87% lượng nhập khẩu các nguyên liệu
chính như Gali, Germani và Antimon - những kim loại này được sử dụng trực tiếp
trong hơn 1.000 hệ thống vũ khí đang hoạt động của quân đội Mỹ. Khi nguồn cung
nguyên liệu bị gián đoạn, dây chuyền sản xuất sẽ ngay lập tức dừng hoạt động.
Chuỗi sản xuất chất bán dẫn cũng bị ảnh hưởng, đặc biệt là các máy quang khắc EUV thế hệ tiếp theo đang được quảng bá và thiết bị laser sóng ngắn tiên tiến hơn. Các vật liệu chính của nguồn laser, mục tiêu và hệ thống ống kính đều dựa vào đất hiếm.
Chủ động sang thế bị động
Những năm qua, Mỹ đã không tiếc công sức để ngăn chặn ngành công nghiệp
chip của Trung Quốc và sử dụng "cây gậy siết cổ". Tuy nhiên, lần này,
tình hình đã thay đổi và đất hiếm đã trở thành yếu điểm của Mỹ.
Hiện nay, khoảng 70% khoáng sản đất hiếm trên thế giới do Trung Quốc khai
thác và hơn 90% đất hiếm tinh chế đều có nguồn gốc từ Trung Quốc, đặc biệt là đất
hiếm nặng, chiếm 99% tổng lượng đất hiếm trên thế giới. Mỹ cũng có các mỏ đất
hiếm nhưng hầu như không có khả năng tự gia công xử lý. Quặng phải được gửi đến
Trung Quốc để tinh chế rồi sau đó vận chuyển trở lại Mỹ để sử dụng - đây là một
hệ sinh thái gần như phụ thuộc. Một khi Trung Quốc ngừng xuất khẩu, toàn bộ chuỗi
cung ứng của Mỹ sẽ bị phá vỡ ngay lập tức và họ sẽ hoàn toàn bất lực.
Ngay cả khi chính phủ Mỹ có dự trữ chiến lược thì cũng chỉ có thể cầm máu
ngắn hạn chứ không thể giải cơn khát lâu dài, chưa kể các doanh nghiệp công
nghiệp quân sự từ lâu đã quen với "sản xuất dựa trên sử dụng" và
không muốn chịu chi phí tồn kho. Nhiều công ty không có đủ nguyên liệu để tồn tại
qua cơn địa chấn này.
Truyền thông Anh tiết lộ chính quyền Trump đang soạn thảo một sắc lệnh hành
pháp để nhấn mạnh về nguồn tài nguyên dưới đáy biển Thái Bình Dương. Mục tiêu
là dự trữ một số vật liệu kim loại có thể dùng để sản xuất pin, tên lửa và thiết
bị liên lạc nhằm đối phó cuộc khủng hoảng đất hiếm.
Tuy nhiên, "giấc mơ về cơn sốt đào vàng dưới biển sâu" này dường
như còn rất xa vời để giải quyết được vấn đề thực sự. Đầu tiên là vấn đề chi
phí. Công nghệ khai thác mỏ dưới biển sâu vẫn chưa hoàn thiện và quá trình
thương mại hóa tiến triển rất chậm. Thứ hai là vấn đề thời gian. Phải mất ít nhất
5 đến 10 năm để hoàn tất toàn bộ quá trình khai thác, tinh chế, xây dựng nhà
máy và sản xuất. Nhưng hiện tại, các công ty Mỹ chỉ có thể tồn tại thêm được
vài tuần.
Động thái này không những không cứu vãn được tình trạng đóng cửa ngành công
nghiệp quân sự hiện nay mà còn phơi bày sự phù phiếm và vội vã của cái gọi là
chiến lược "độc lập chuỗi công nghiệp" của chính quyền Trump.
Lệnh cấm đất hiếm của Trung Quốc không chỉ là biện pháp đối phó về mặt công
nghệ mà còn là một tuyên bố mang tính chiến lược. Điều này cho thế giới biết một
cách rõ ràng: Nếu Mỹ tiếp tục lạm dụng vũ khí thương mại, Trung Quốc sẽ không
ngồi yên mà có khả năng, biện pháp và ý chí để chống trả.
Quan trọng hơn, đây là hành động khẳng định chủ quyền và quyền định ra quy
tắc. Từ lâu nay, quyền định giá đất hiếm không hoàn toàn nằm trong tay Trung Quốc.
Lần này, nhân thời cơ phản công, Trung Quốc cũng đang xây dựng điểm tựa chiến
lược vững chắc hơn cho “tài chính hóa tài nguyên” và “chuyển đổi giá trị gia
tăng công nghệ.
Nhìn chung, chính quyền Trump 2.0 dùng nước cờ thuế quan nhằm tái hiện kịch
bản cũ của năm 2018, nhưng dường như thời thế nay đã khác. Đòn phản công bằng đất
hiếm, Trung Quốc đã làm phơi bày điểm yếu cốt lõi của hệ thống công nghiệp quân
sự hùng mạnh nhất thế giới.
Chỉ trong 9 ngày, ngành công nghiệp quân sự Mỹ đã ở trong tình trạng báo động,
các công ty kêu ca oán thán và giọng điệu ngoại giao đã thay đổi từ "gây
áp lực" sang "cầu hòa".
Cuộc chiến đất hiếm này không chỉ đơn thuần là một cuộc va chạm thương mại.
Đây là lần đầu tiên trong cuộc chơi giữa các cường quốc, Trung Quốc nắm thế chủ
động ra tay về chuỗi tài nguyên toàn cầu và đạt được thành công trong cuộc phản
công cấp chiến lược.
Pp