Triển khai Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2021-2025, để tập trung nguồn lực, giảm lực lượng lao động gián tiếp, TKV đang tổ chức tái cơ cấu nội bộ, sáp nhập các đơn vị trong ngành than, đồng thời mở rộng mô hình sản xuất xanh - sạch - đẹp, công nghệ tiên tiến hướng tới phát triển bền vững.

Theo đó, cuối tháng 6/2024, TKV tiến hành hợp nhất Công ty CP Than Cọc Sáu và Công ty CP Than Đèo Nai thành Công ty CP Than Đèo Nai - Cọc Sáu. Mục tiêu của TKV sau khi hợp nhất là xây dựng Công ty CP Than Đèo Nai - Cọc Sáu có trình độ công nghệ, mô hình quản trị theo hướng hiện đại, chuyên môn hóa cao. Công ty phấn đấu doanh thu hằng năm vượt kế hoạch từ 3% trở lên, lợi nhuận vượt kế hoạch từ 5% trở lên, nâng thu nhập bình quân của người lao động vượt kế hoạch từ 5% trở lên.

Theo TKV, quá trình hợp nhất Công ty CP Than Đèo Nai - Cọc Sáu có nhiều điều kiện thuận lợi như tài nguyên than cơ bản ổn định, không có biến động bất lợi. Khai trường mỏ Đèo Nai được mở rộng, tạo điều kiện cải tạo các thông số của hệ thống khai thác, đường vận tải và tối ưu hóa trình tự khai thác, vận tải, đổ thải, thoát nước chung cho 2 mỏ với các thông số hợp lý, ổn định lâu dài. Về lâu dài giúp công ty gia tăng quy mô tài sản, nâng cao công suất khai thác than hằng năm, cơ cấu bộ máy tổ chức được sắp xếp lại hợp lý, khoa học, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Ông Đặng Thanh Bình, Giám đốc Công ty CP Than Đèo Nai - Cọc Sáu, cho biết: Công ty đang đẩy mạnh tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, đảng viên, người lao động nhằm tạo sự đồng thuận về việc hợp nhất để duy trì sản xuất kinh doanh lâu dài. Để sớm ổn định sản xuất sau hợp nhất, trong quý III/2024, công ty xây dựng Đề án tái cơ cấu sau hợp nhất giai đoạn 2024-2029, báo cáo TKV.

Trước mắt, Than Đèo Nai - Cọc Sáu rà soát lại vị trí việc làm và chức danh lãnh đạo trong toàn công ty để có phương án sử dụng lao động bảo đảm hiệu quả. Lộ trình sẽ giảm lao động hằng năm để dần đưa về mô hình mẫu của TKV. Công ty thực hiện mô hình “1 công ty, 2 khai trường sản xuất”, vận hành đồng thời 2 giấy phép khai thác của mỏ Đèo Nai và mỏ Cọc Sáu. Đồng thời tiếp tục triển khai xin cấp giấy phép khai thác của Cụm mỏ Cọc Sáu - Đèo Nai để thay thế 2 giấy phép khai thác của mỏ Đèo Nai và mỏ Cọc Sáu sẽ hết hiệu lực vào ngày 31/12/2025. Công ty phát huy tối đa công suất và hiệu quả của các công trình hạ tầng dùng chung cho 2 mỏ, như hệ thống sàng tuyển, chế biến than, hệ thống kho bãi, đường vận tải, thoát nước, hệ thống cung cấp điện... để giảm chi phí sản xuất.

 

Lễ ký kết bàn giao, hợp nhất hai công ty Than Cọc Sáu và Than Đèo Nai thành Công ty CP Than Đèo Nai - Cọc Sáu

Cùng với Đèo Nai - Cọc Sáu, Công ty Than Thống Nhất cũng đang đẩy mạnh tái cấu trúc nội bộ, sắp xếp, kiện toàn mô hình tổ chức, quản lý nội bộ. Theo đó, năm 2020, công ty sáp nhập Trạm Y tế vào Phòng Tổ chức lao động, sáp nhập Phòng Thanh tra - Pháp chế - Kiểm toán và Phòng Bảo vệ quân sự thành Phòng Kiểm soát nội bộ và Bảo vệ. Năm 2021, công ty sắp xếp lại 12 phân xưởng khai thác còn 10 phân xưởng, sáp nhập Phân xưởng Ôtô vào Phân xưởng Sàng tuyển than, sáp nhập Phòng Thông gió thoát nước mỏ vào Phòng Kỹ thuật công nghiệp mỏ.

Theo ông Trần Đăng Hải - Phó Giám đốc Công ty Than Thống Nhất, tái cấu trúc nội bộ, sắp xếp, kiện toàn mô hình tổ chức giúp bộ máy của công ty ngày càng tinh giản và hiệu quả. Đến nay công ty còn 13 phòng, 20 phân xưởng (10 phân xưởng khai thác, 3 phân xưởng đào lò, 7 phân xưởng phụ trợ, phục vụ). Than Thống Nhất đang có hơn 3.300 CBCNV. Công tác tái cơ cấu giúp đơn vị cắt giảm lao động gián tiếp từ 11% năm 2020 còn 9,7% năm 2023. Qua đó góp phần tăng năng suất, thu nhập cho người lao động. Năm 2023 năng suất khai thác than của đơn vị đạt 8,79 tấn/công, tăng 1,4 tấn so với năm 2021; tiền lương bình quân đạt 19,2 triệu đồng/người/tháng, tăng 3,1 triệu đồng so với năm 2021.

Ngày 27/10/2023, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1263/QĐ-TTg phê duyệt Đề án cơ cấu lại TKV đến năm 2025. Mục tiêu của đề án là tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động để TKV trở thành tập đoàn kinh tế nhà nước mạnh, có trình độ công nghệ, kỹ thuật sản xuất hiện đại, từng bước đáp ứng các chuẩn mực quốc tế về quản trị doanh nghiệp; nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh của doanh nghiệp; phát triển bền vững, hài hòa với môi trường và người lao động; phát triển phù hợp với xu thế của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng mới; góp phần quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo lãnh đạo TKV, định hướng chung về phát triển kinh doanh của TKV là gắn mô hình kinh doanh với sản xuất, tạo ra chuỗi giá trị khai thác các khoáng sản, sản phẩm và dịch vụ đi kèm. Tăng cường phát triển theo chiều sâu bằng cách áp dụng công nghệ mới tiên tiến, hiện đại. TKV từng bước tiến tới liên thông 3 phân ngành kinh doanh chính của TKV là than - điện - luyện kim. Trong đó tập trung phát triển các mỏ hầm lò sản lượng lớn theo tiêu chí mỏ xanh, mỏ hiện đại, mỏ sản lượng cao, liên thông các mỏ lộ thiên, hầm lò thành các mỏ có công suất lớn.

Được biết, TKV sẽ tiếp tục sắp xếp lại các đơn vị trực thuộc đến năm 2025, thoái vốn tại các công ty không thuộc lĩnh vực kinh doanh chính, cơ cấu lại vốn góp của TKV tại một số công ty con. Tiếp tục tập trung kinh doanh trong các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi mà TKV có lợi thế về công nghệ sản xuất, kết cấu hạ tầng, bí quyết công nghệ, nhân lực và thị trường.

PTT