Do đó, thành phố Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ, góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia mạng lưới sản xuất, cung ứng dịch vụ, tiêu dùng ngành công nghiệp hàng không trong nước và thế giới.
Là đơn vị đã cung cấp dụng cụ cho các công
ty sản xuất linh kiện, chi tiết trong chuỗi cung ứng sản xuất của ngành hàng
không tại Việt Nam 10 năm nay, Công ty TNHH Dụng cụ An Mi (trụ sở tại quận Nam
Từ Liêm, Hà Nội) nhận thấy nhiều tiềm năng, cơ hội phát triển trong lĩnh vực
công nghiệp hàng không tại Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.
Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dụng cụ An Mi
Nguyễn Nguyệt Anh cho biết: “Khởi đầu, chúng tôi chỉ là đơn vị phân phối, nhập
các dụng cụ từ các nhà sản xuất châu Âu về cung cấp cho các khách hàng. Nhưng dần
dần, từng bước, cùng với sự hình thành và phát triển của lĩnh vực công nghiệp
hàng không, chúng tôi đã tự chế tạo, làm ra được những mặt hàng để cung cấp trực
tiếp cho các công ty sản xuất linh kiện, chi tiết, tham gia vào mạng lưới chuỗi
cung ứng, sản xuất này”.
Tại Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội
(Hanssip), Tổ hợp Techno Park Việt Nam - Nhật Bản cũng đã được hình thành với
việc ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ
trợ Hà Nội (HANSIBA) với đoàn 10 doanh nghiệp ngành hàng không vùng Kobe (Nhật
Bản).
Sự ra đời của Tổ hợp này nhằm thúc đẩy việc
hợp tác phát triển, đầu tư, sản xuất thiết bị điện, thiết bị cơ khí chính xác
cho ngành hàng không vũ trụ...; đào tạo lao động kỹ thuật cao, điều hành quản
lý, chuyển giao công nghệ... phục vụ cho ngành công nghiệp hàng không, vũ trụ.
Ngoài ra, các đoàn công tác từ Hàn Quốc,
Trung Quốc cũng đã làm việc với Sở Công thương Hà Nội để tìm kiếm cơ hội đầu tư
và phát triển sản phẩm công nghệ cao, thân thiện môi trường.
Đến nay, Hà Nội đã có gần 300 doanh nghiệp
công nghiệp hỗ trợ đạt tiêu chuẩn quốc tế, hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu phát
triển ngành công nghiệp nói chung và công nghiệp phụ trợ ngành hàng không nói
riêng.
Các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp
hỗ trợ có thể tìm kiếm các cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng, sản xuất của
ngành công nghiệp hàng không.
Năm 2023, Sở Công thương Hà Nội đã chủ
trì, phối hợp Công ty Advanced Business Events (ABE - Pháp) tổ chức Hội chợ triển
lãm quốc tế Mạng lưới cao cấp sản xuất, cung ứng, tiêu dùng bền vững lĩnh vực
công nghiệp hàng không (AeroExpo Hanoi & Vietnam Aviation Forum 2023).
Hội chợ triển lãm này có sự tham gia của
hơn 120 gian hàng đến từ 10 quốc gia. Trong đó, có khoảng 70 gian hàng trong nước,
trưng bày các sản phẩm, công nghệ, giới thiệu năng lực sản xuất, hạ tầng kỹ thuật,
logistic của doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng không.
Với sự góp mặt của các hãng hàng không lớn
trên thế giới như: Airbus, Boeing, China Southern, China Eastern và các doanh
nghiệp trên khắp thế giới, hoạt động này đã góp phần quảng bá, giới thiệu ngành
công nghiệp Hà Nội nói chung và lĩnh vực công nghiệp hàng không nói riêng tới
hơn 160 đối tác trong chuỗi cung ứng sản phẩm dịch vụ công nghiệp hàng không
toàn cầu.
Hội chợ triển lãm này đã thu hút gần 3.000
lượt khách tham quan, hơn 500 cuộc gặp gỡ, hợp tác. Các doanh nghiệp trong nước
và quốc tế đã ký kết các bản ghi nhớ, hợp đồng với tổng giá trị lên đến 20 triệu
USD. Con số này đã cho thấy tiềm năng, cơ hội rất lớn của ngành công nghiệp
hàng không.
Các doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm, công
nghệ trong khuôn khổ Hội thảo quốc tế lĩnh vực công nghiệp hàng không do Sở
Công thương Hà Nội tổ chức.
Còn tại Hội thảo quốc tế lĩnh vực công
nghiệp hàng không do Sở Công thương Hà Nội phối hợp Công ty Advanced Business
Events (ABE - Pháp) tổ chức ngày 17/12/2024, Giám đốc điều hành Công ty ABE
Stephane Castet cho biết, trong khoảng 20 năm tới, thế giới sẽ cần tới 40 nghìn
máy bay. Hành khách sẽ tăng mạnh ở nhiều khu vực của châu Á, châu Phi… Đối với
thị trường này, chúng ta không thể tự làm một mình mà cần sự hợp tác mới, hình
thành một mạng lưới bền chặt, tận dụng tốt các tiềm năng, thế mạnh và cơ hội.
“Chúng tôi rất mong muốn được đồng hành
cùng thành phố Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung trong quá trình phát triển
mạng lưới sản xuất, cung ứng, tiêu dùng bền vững ngành hàng không toàn cầu” - đại diện Công ty ABE nhấn mạnh.
Nhiều tiềm năng và cơ hội, tuy nhiên, để
có thể “đủ sức” tham gia sâu vào lĩnh vực công nghiệp hàng không, đòi hỏi doanh
nghiệp trong nước tiếp tục hoàn thiện và nâng cao năng lực của mình. Trong đó,
bên cạnh yếu tố về vốn, trình độ khoa học công nghệ thì các doanh nghiệp cũng cần
có lực lượng lao động chất lượng cao.
Đại diện Công ty TNHH Dụng cụ An Mi cho biết,
ngành công nghiệp hàng không có đòi hỏi rất cao về công nghệ nên phía doanh
nghiệp mong muốn có các cơ sở đào tạo nhân lực chất lượng cao, có thể đáp ứng
được yêu cầu. Bởi nếu chỉ có máy móc mà không có lao động chất lượng thì cũng
khó vận hành được.
Trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội,
Hà Nội đang nỗ lực để đưa các sản phẩm công nghiệp vào chuỗi giá trị toàn cầu
và phát triển công nghiệp hỗ trợ theo hướng hiện đại, bền vững. Trong đó, công
nghiệp hàng không là một ngành sẽ nhận được nhiều ưu tiên, chú trọng.
Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Nguyễn
Đình Thắng cho biết, Sở sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp như kết nối, hỗ trợ
doanh nghiệp trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho các công ty đa quốc gia, tập
đoàn lớn trong và ngoài nước trong lĩnh vực hàng không. Đồng thời, hỗ trợ doanh
nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu
trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất… Qua đó, từng bước kiến tạo môi
trường phát triển mạng lưới bền vững cao cấp áp dụng công nghệ có hàm lượng tri
thức cao, sản xuất sạch, vận chuyển sản phẩm bằng máy bay gắn với người tiêu
dùng.
Theo BND