Đáng chú ý theo CNBC, thương vụ mua lại Activision Blizzard sẽ được Microsoft thanh toàn hoàn toàn bằng tiền mặt. Đây là thương vụ mua lại lớn nhất của Microsoft, vượt qua kỷ lục mua lại LinkedIn vào năm 2016 với mức giá 26,2 tỷ USD.

Ngoài ra, thương vụ trên được xem lớn nhất trong thị trường video game tính tới thời điểm hiện tại. Đồng thời, thương vụ trên cũng biến Microsoft thành nhà sản xuất game lớn thứ ba xét trên doanh thu, chỉ đứng sau Tencent và Sony. Trong một thông báo, Microsoft nhấn mạnh hợp đồng mua bán trên sẽ giúp thúc đẩy phát triển mảng kinh doanh video game trên điện thoại di động, máy tính để bàn, máy chơi điện tử console và đám mây.

Thương vụ mua lại Activision Blizzard biến Microsoft thành nhà sản xuất game lớn thứ ba xét trên doanh thu, chỉ đứng sau Tencent và Sony


Có trụ sở tại California (Mỹ), Activision Blizzard là một trong những nhà phát triển và phát hành trò chơi nổi tiếng nhất trong lĩnh vực này.

Thương vụ trên diễn ra trong bối cảnh Activision Blizzard đối mặt không ít rắc rối liên quan đến cáo buộc điều kiện làm việc độc hại và hành vi quấy rối phụ nữ. Theo truyền thông Mỹ, chỉ trong vòng 7 tháng qua, công ty này đã tiếp nhận khoảng 700 đơn tố cáo của nhân viên liên quan đến các vụ quấy rối và tấn công tình dục. Khoảng 20% trong tổng số 9.500 nhân viên của Activision Blizzard đã ký vào đơn yêu cầu Giám đốc điều hành Activision Blizzard, ông Bobby Kotick, từ chức.

Microsoft cho biết dự kiến sẽ hoàn tất thương vụ này vào năm 2023. Tuy nhiên, việc các cơ quan quản lý Mỹ ngày càng quyết liệt hơn trong việc đánh giá các thương vụ mua lại lớn, đặc biệt là trong ngành công nghệ được xem là rủi ro lớn trong việc hoàn tất thỏa thuận nói trên.

Quyết đầu trong thế giới ảo metaverse

CNBC cho biết, thỏa thuận mua lại Activision Blizzard được đánh giá đóng vai trò quan trọng trong tầm nhìn dài hạn để cạnh tranh với Meta (công ty mẹ của Facebook) trong thế giới ảo metaverse. Trên thực tế, CEO Satya Nadella của Microsoft là CEO Big Tech đầu tiên công khai thừa nhận giá trị của metaverse, trước cả CEO Facebook Mark Zuckerberg.

CEO Satya Nadella nhận thấy cơ hội cho các nhà sản xuất phần mềm tạo ra nhiều thế giới ảo khác nhau trong tương lai, thay vì một công ty chi phối kiểm soát phần lớn hoạt động.

Trước Activision Blizzard, Microsoft đã mạnh tay mua lại nhiều công ty trò chơi. Năm 2014, Microsoft mua lại Minecraft với giá 2,5 tỷ USD, và vào năm ngoài hãng này hoàn tất thương vụ thâu tóm Bethesda trị giá 7,5 tỷ USD.

Thuỳ An - VTV