Phân tích tình hình sự chuyển dịch lao động
thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho
biết, Việt Nam hiện là nước tiếp nhận nguồn vốn FDI lớn thứ 3 trong khu vực và
là một trong số ít nước ASEAN vẫn duy trì được tăng trưởng dòng vốn FDI ổn định
qua nhiều năm. Yếu tố này sẽ tác động tích cực thúc đẩy thị trường lao động chất
lượng cao của Việt Nam phát triển.
Theo báo cáo thị trường IT (công nghệ
thông tin) Việt Nam năm 2022 do TopDev - nền tảng tuyển dụng công nghệ thông
tin lớn hàng đầu Việt Nam với hơn 550.000 thành viên phát hành mới đây cho biết,
mức lương lập trình viên mới vào nghề dưới 2 năm kinh nghiệm dao động trong khoảng
350 - 565 USD mỗi tháng (tương đương 8,3-13,4 triệu đồng).
Sau 5 năm kinh nghiệm, mức lương của họ sẽ
có thể đạt mức 1.410 - 2.230 USD (33,3 - 52,6 triệu đồng) mỗi tháng. Sau 10
năm, mức lương có thể từ 2.750 USD (65 triệu đồng) mỗi tháng trở lên. Tất cả dữ
liệu tiền lương được khảo sát là tổng lương hàng tháng trước thuế và không bao
gồm các lợi ích khác như làm thêm giờ, tiền thưởng.
Để đảm nhận được vị trí này, các nhà quản
lý phải nắm vững các kỹ năng cơ bản vững chắc, xử lý các công việc quản lý, tối
ưu hóa công nghệ, sản phẩm dựa trên công nghệ của công ty và điều chỉnh kịp thời
với những thách thức bất ngờ, như COVID-19 trong thời gian qua.
TopDev ghi nhận, nhu cầu tuyển dụng nhân lực
công nghệ thông tin Việt Nam năm nay tăng mạnh, với 175.370 vị trí tuyển dụng,
tăng 36,2% so với năm 2021. Thiếu hụt nhân lực IT vẫn là bài toán nan giải. Mức
lương và thưởng của ngành này đang tăng lên đáng kể, nhưng dự đoán từ năm 2022
- 2024, Việt Nam sẽ vẫn thiếu hụt 150.000 - 195.000 lập trình viên, kỹ sư hàng
năm.
Theo dự báo của Bộ LĐTBXH, Việt Nam cần
nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực như tài chính, công nghệ thông tin,
logistics, kỹ sư xây dựng… Trong quá trình hội nhập, Việt Nam phải tuân thủ các
tiêu chung của thế giới, bao gồm các tiêu chuẩn về lao động, tiêu chuẩn về quản
trị thị trường lao động hiện đại theo chuẩn mực quốc tế. Nhất là khi cuộc cách
mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra những vấn đề mới: Nhiều việc làm, kỹ năng cũ sẽ
mất đi hoặc giảm mạnh, xuất hiện nhiều việc làm mới, kỹ năng mới; trí tuệ nhân
tạo, robot, máy móc sẽ đóng vai trò ngày một lớn trong sản xuất và thay thế nhiều
vị trí việc làm hiện tại.
So với các nước trong khu vực và thế giới,
Việt Nam là nước có tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp (quý II/2022 mới chỉ đạt
26,2%). Trong giai đoạn từ 2015 - 2020, có 66,7% công nhân lao động có trình độ
trung học phổ thông; 80% công nhân lao động tại các doanh nghiệp được đào tạo
nghề (chủ yếu là doanh nghiệp tự đào tạo), 43% công nhân lao động được đào tạo
lại, bậc thợ từ 4 - 7 (có tay nghề cao) là 22,5%; 7,7% công nhân lao động học
ngoại ngữ, 7,1% công nhân lao động học tin học.
“Nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã bày tỏ lo ngại
trước việc thiếu cục bộ lực lượng lao động có kỹ năng nghề để phục hồi và mở rộng
sản xuất, kinh doanh, nhất là trong các ngành công nghiệp. Các doanh nghiệp FDI
luôn luôn cần nguồn nhân lực chất lượng cao để ứng dụng công nghệ mới và năng
suất lao động cao. Nguồn lực chất lượng cao nếu không được chú trọng cải thiện
trong thời gian tới, Việt Nam sẽ mất dần sức hấp dẫn thu hút đầu tư nước ngoài”, ông Đào Ngọc Dung cho biết.
Nhằm thực hiện mục tiêu của Chiến lược
phát triển kinh tế - xã hội từ nay đến năm 2030 về phát triển thị trường lao động
linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, cần
xây dựng, tạo lập được nguồn cung lao động hiện đại với chất lượng nhân lực
cao. Nguồn cầu lao động hiện đại với chất lượng việc làm tốt hơn, bền vững hơn.
“Nhiệm vụ chuyển dịch từ việc làm dễ bị tổn thương
sang việc làm bền vững và được bảo vệ, từ việc làm có chất lượng thấp, thu nhập
thấp sang việc làm có chất lượng cao. Mục tiêu đó là rất cấp thiết và cấp bách
trong bối cảnh hiện nay”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Nhằm phục hồi, ổn định thị trường lao động
sau đại dịch COVID-19, khắc phục những hạn chế lớn và đưa thị trường lao động
Việt Nam hội nhập vào thị trường quốc tế, Bộ trưởng LĐTBXH nêu ra các giải pháp
ngắn hạn và dài hạn.
Về các giải pháp ngắn hạn, Bộ trưởng Đào
Ngọc Dung đánh giá cần tăng cường công tác thông tin truyền thông để khẳng định
với các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước theo tinh thần: Thị trường
lao động Việt Nam minh bạch, hệ thống giáo dục quốc dân, giáo dục nghề nghiệp
Việt Nam đủ điều kiện, khả năng để cung ứng nhân lực theo yêu cầu của các doanh
nghiệp.
Bên cạnh đó là khẩn trương rà soát, đánh
giá nhu cầu nhân lực theo từng ngành, lĩnh vực, từng vùng để kịp thời kết nối
việc cung ứng nhân lực. Đặc biệt là đánh giá nhu cầu nhân lực của các nhà đầu
tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam; Rà soát, đánh giá, sắp xếp tổ chức, đầu tư nâng
cao năng lực của hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, nhất là đào tạo nguồn
nhân lực chất lượng cao.
Theo Bộ trưởng LĐTBXH, cần chú trọng việc
tổ chức thực hiện các biện pháp giải quyết nhu cầu thiếu nhân lực cục bộ, giảm
sự mất cân đối cung - cầu lao động. Phát triển các hình thức giao dịch việc làm
theo hướng hiện đại trên nền tảng công nghệ số, thu hút lao động tại chỗ, đào tạo,
đào tạo lại, đào tạo thích ứng cho lực lượng lao động đang làm việc.
Về các giải pháp lâu dài, Bộ trưởng LĐTBXH
nhấn mạnh việc hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để phát triển đồng bộ
các yếu tố của thị trường lao động, nâng cao hiệu quả hoạt động của các định chế
trung gian của thị trường, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động.
Nâng cao hiệu quả tổ chức, vận hành thị trường lao động.
Bên cạnh đó, Bộ LĐTBXH cho rằng cần thúc đẩy
tạo việc làm bền vững, sử dụng lao động hiệu quả thông qua các chương trình, đề
án, chính sách tín dụng hỗ trợ tạo việc làm, tham gia thị trường lao động, đặc
biệt quan tâm đến các nhóm lao động đặc thù, lao động yếu thế.
Cùng với đó là nghiên cứu, rà soát, đánh giá năng lực hệ thống các cơ sở đào tạo, các kiến nghị và đóng góp ý kiến của yêu cầu của cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp FDI để kịp thời triển khai các giải pháp đào tạo, nâng cao năng lực kỹ năng nghề cho công nhân lao động, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Đồng thời, đẩy mạnh đào tạo nghề nghiệp
cho người lao động cả trước – trong – sau quá trình tham gia thị trường lao động;
cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề, trình độ của lao động trong các
doanh nghiệp, doanh nghiệp FDI, nhất là các ngành nghề khoa học - kỹ thuật -
công nghệ và đào tạo các chuyên ngành mới trong chuyển đổi số như trí tuệ nhân
tạo (AI), khoa học dữ liệu, dữ liệu lớn, IoT, chuỗi khối.
Đầu tư công tác dự báo cung – cầu cũng là
một trong các giải pháp giúp phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động
với nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động hiện đại,
đồng bộ, có sự kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu dân cư, đăng ký doanh nghiệp,
bảo hiểm. Việt Nam phổ biến các hệ thống chứng nhận nghề, kỹ năng theo tiêu chuẩn
quốc tế để hỗ trợ người lao động được tham gia các thị trường lao động trong và
ngoài nước; xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển thị trường lao động đặc
thù, nhất là cho phát triển thị trường lao động nông thôn, phát triển lao động
làm công ăn lương trong khu vực kinh tế tư nhân và phát triển thị trường lao động
trình độ cao.