Thủ tướng
Phạm Minh Chính đánh giá cao chuyến thăm của đoàn vào thời điểm hai nước kỷ niệm
50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2023) và 10 năm Đối tác chiến lược
(2013-2023); tin tưởng rằng chuyến thăm sẽ tạo động lực mới để thúc đẩy quan hệ
giữa hai nước nói chung và giữa vùng Lombardy với các địa phương, doanh nghiệp
của Việt Nam nói riêng; đánh giá cao vùng Lombardy có bề dày truyền thống lịch
sử, văn hóa và là một trong những vùng kinh tế phát triển năng động hàng đầu EU
và Italy với tổng GDP đạt 368 tỷ Euro, đóng góp 1/4 GDP của Italy.
Thủ tướng
khẳng định Việt Nam rất coi trọng và chủ trương thúc đẩy, làm sâu sắc quan hệ Đối
tác chiến lược Việt Nam – Italy; vui mừng nhận thấy hợp tác giữa hai nước ngày
càng đi vào chiều sâu, với nhiều kết quả tốt đẹp trên các lĩnh vực.
Đặc biệt,
chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng vừa qua diễn ra rất
thành công với nhiều dấu ấn, tạo nền tảng quan trọng góp phần thúc đẩy quan hệ
song phương Việt Nam - Italy trong giai đoạn mới.
Về phần
mình, Chủ tịch vùng Lombardy cùng các thành viên trong đoàn thông báo với Thủ
tướng về kết quả chuyến thăm làm việc tại Việt Nam, khẳng định Việt Nam là một
đối tác quan trọng, đánh giá cao tiềm năng phát triển bền vững, toàn diện của
Việt Nam với những định hướng và chính sách phát triển đúng đắn, phù hợp cả về
kinh tế, xã hội, môi trường, đặc biệt là quan điểm "lấy con người là trung
tâm", lực lượng dân số trẻ dồi dào…
Nhấn mạnh
tiềm năng hợp tác to lớn giữa vùng và các địa phương của Việt Nam với nhiều điểm
tương đồng, Chủ tịch vùng Lombardy và các thành viên trong đoàn đề xuất biện
pháp thúc đẩy hợp tác hai nước trên một số lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp,
hàng không, công nghệ cao, giáo dục đại học… để biến tiềm năng, cơ hội thành những
dự án, hoạt động hợp tác cụ thể. Chủ tịch vùng Lombardy cũng cho biết, vùng
mong muốn tăng cường hợp tác, tiếp cận thị trường ASEAN thông qua Việt Nam.
Nhất trí với
những đề xuất của ông Attilio Fontana, Thủ tướng đề nghị hai bên tiếp tục thúc
đẩy hợp tác kinh tế, thương mại song phương trên cơ sở phát huy những điểm
tương đồng và bổ trợ lẫn nhau; Italy đẩy mạnh mở cửa thị trường đối với các sản
phẩm Italy có nhu cầu và Việt Nam có thế mạnh như dệt may, da giày, nông sản,
thủy sản…; tăng cường trao đổi đoàn doanh nghiệp, tận dụng tốt Hiệp định EVFTA
và thúc đẩy phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA), thúc đẩy Ủy
ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ thẻ vàng đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
Thủ tướng
cũng đề nghị hai bên thúc đẩy hơn nữa hợp tác về văn hóa, du lịch, giao lưu
nhân dân; nghiên cứu mở đường bay thẳng Việt Nam - Italy; hỗ trợ Việt Nam phát
triển công nghiệp thời trang, công nghiệp văn hóa, lĩnh vực bóng đá, đào tạo
nghề; tăng cường hợp tác trong lĩnh vực chuyển đổi số, công nghệ cao, đổi mới
sáng tạo, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo, ứng
phó biến đổi khí hậu…
Cho biết
Việt Nam tổ chức không gian phát triển thành 6 vùng kinh tế - xã hội, Thủ tướng
đề nghị vùng Lombardy cân nhắc, xem xét khả năng thiết lập quan hệ đối tác với
một vùng kinh tế - xã hội của Việt Nam, như vùng Đồng bằng sông Hồng với Thủ đô
Hà Nội, vùng Đông Nam Bộ với TPHCM... Thủ tướng cũng khẳng định Việt Nam sẵn sàng
là cầu nối thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại giữa Italy với ASEAN.
Chủ tịch
vùng Lombardy cùng các đại biểu cho biết sẽ tiếp tục tích cực trao đổi với các
cơ quan liên quan của cả hai nước để thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực, nhất
là những nội dung mà Thủ tướng đã có ý kiến, trên cơ sở hiệu quả, thiết thực,
phù hợp với nhu cầu, khả năng của hai bên.
Đại sứ
Italy tại Việt Nam khẳng định sẽ tích cực thúc đẩy việc mở đường bay thẳng giữa
hai nước.
Theo BCP