Các lãnh đạo này gồm: Ông Thammasak Sethaudom - Chủ tịch và Tổng Giám đốc Điều hành của Tập đoàn SCG; ông Soopakij Chearavanont - Chủ tịch Tập đoàn Charoen Pokphand (CP); bà Somhatai Panichewa, Tổng Giám đốc Tập đoàn AMATA; bà Jareeporn Jarukornsakul, Chủ tịch Ủy ban Điều hành kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn WHA; ông Ton Chirathivat - Giám đốc Kỹ thuật số và Thành viên Gia đình Sáng lập của Tập đoàn Central Retail; ông Chongrak Rattanapian - Chủ tịch ngân hàng Kasikornbank; ông Jormsup Lochaya – Chủ tịch Tập đoàn Super Energy. Các doanh nghiệp đều đã có các dự án đầu tư tại Việt Nam.
SCG (Siam
Cement Group) là một trong những tập đoàn công nghiệp hàng đầu Đông Nam Á,
thành lập năm 1913 tại Thái Lan. Tại Việt Nam, SCG đầu tư dự án tổ hợp hoá dầu
tại xã Long Sơn, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có tổng vốn khoảng hơn 5 tỷ USD, đã hoàn
thành xây dựng, đi vào vận hành và đang được mở rộng. Đây là là dự án FDI lớn
nhất tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và hàng đầu cả nước.
Thủ tướng tiếp ông Thammasak Sethaudom - Chủ tịch và Tổng Giám đốc Điều hành của Tập đoàn SCG
Charoen
Pokphand (CP Group) là tập đoàn tư nhân lớn nhất Thái Lan, được thành lập năm
1921 tại Bangkok. CP hoạt động tại Việt Nam thông qua các lĩnh vực kinh doanh
nông nghiệp - công nghiệp và thực phẩm tích hợp.
Thủ tướng tiếp ông Soopakij Chearavanont - Chủ tịch Tập đoàn Charoen Pokphand (CP)
AMATA là một
trong những nhà phát triển khu công nghiệp hàng đầu tại Thái Lan và khu vực
Đông Nam Á. Tại Thái Lan, Amata sở hữu và quản lý các khu công nghiệp quy mô lớn
như Amata City Chonburi và Amata City Rayong – nơi thu hút hàng trăm tập đoàn
đa quốc gia. Tại Việt Nam, AMATA có 7 dự án với tổng vốn đầu tư 860 triệu USD,
thu hút 220 nhà đầu tư đa quốc gia với tổng vốn đăng ký khoảng 6,7 tỷ USD, tạo
ra hơn 60.000 việc làm.
Thủ tướng tiếp bà Somhatai Panichewa, Tổng Giám đốc Tập đoàn AMATA
Tập đoàn WHA là nhà phát triển hàng đầu tại Thái Lan và Đông Nam Á trong lĩnh vực phát triển hạ tầng logistics, bất động sản công nghiệp, tiện ích và năng lượng, giải pháp kỹ thuật số, với quy mô tổng tài sản đạt 6,5 tỷ USD. Các khu công nghiệp của WHA đã thu hút hơn 46 tỷ USD. Việt Nam là quốc gia trọng điểm trong chiến lược mở rộng của WHA.
Thủ tướng tiếp bà Jareeporn Jarukornsakul, Chủ tịch Ủy ban Điều hành kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn WHA
Central Retail là một trong những tập đoàn bán lẻ đa lĩnh vực hàng đầu tại Thái Lan, thuộc Central Group. Tại Việt Nam, Central Retail bắt đầu hoạt động từ năm 2012 và đã trở thành một trong những nhà bán lẻ có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất, với hơn 340 cửa hàng và trung tâm thương mại tại hơn 40 tỉnh thành.
Thủ tướng tiếp ông Ton Chirathivat - Giám đốc Kỹ thuật số và Thành viên Gia đình Sáng lập của Tập đoàn Central Retail
Kasikornbank là một trong những ngân hàng thương mại hàng đầu tại Thái Lan. Tại Việt Nam, Kasikornbank đã mở rộng hoạt động bằng việc thành lập chi nhánh tại TPHCM vào tháng 8 năm 2021.
Super Energy là tập đoàn năng lượng hàng đầu của Thái Lan, chuyên đầu tư vào năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió và điện sinh khối, với hoạt động tại Thái Lan, Việt Nam, Lào và Indonesia.
Trong các
cuộc gặp với Thủ tướng, đại diện các tập đoàn đều đánh giá cao quyết tâm và những
nỗ lực gần đây của Việt Nam trong triển khai các đột phá mang tầm chiến lược,
mang tính cách mạng như tinh gọn bộ máy, cải cách thể chế, thủ tục hành chính,
quyết tâm phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới; tin tưởng Việt Nam sẽ vượt
qua những khó khăn, thách thức trong bối cảnh hiện nay để tiếp tục phát triển.
Cảm ơn sự
đồng hành, hỗ trợ tích cực của Thủ tướng và các cơ quan, địa phương phía Việt
Nam, các tập đoàn khẳng định cam kết tiếp tục hoạt động lâu dài, mở rộng đầu tư
tại Việt Nam; nêu một số kiến nghị, đề xuất để đẩy nhanh tiến độ triển khai các
dự án.
Các nhà đầu
tư thành công thì Việt Nam thành công
Tại các cuộc
tiếp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, hợp tác song phương giữa Việt Nam và
Thái Lan trong thời gian qua đã không ngừng phát triển, sâu sắc và toàn diện.
Năm 2024,
kim ngạch thương mại hai chiều đạt hơn 20 tỷ USD, tăng 6,4% so với năm 2023.
Hai bên đang hướng tới mục tiêu kim ngạch 25 tỷ USD trong thời gian tới, phù hợp
với Tuyên bố chung cấp cao Việt Nam - Thái Lan.
Các nhà đầu
tư Thái Lan đã đầu tư 767 dự án tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký gần 15 tỷ
USD, đứng thứ 9 trong số 150 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.
Ngược lại, Việt Nam đã đầu tư 22 dự án tại Thái Lan với tổng vốn gần 35 triệu
USD.
Thủ tướng
đánh giá cao những nỗ lực và cam kết lâu dài của các tập đoàn trong việc đầu tư
và phát triển các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, qua đó đóng góp tích cực
vào quan hệ hợp tác kinh tế và hữu nghị giữa hai nước.
Năm 2025
là năm Việt Nam thực hiện "tăng tốc, bứt phá, về đích" để hoàn thành
thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, qua đó
tạo tiền đề để chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình, phát triển
giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của dân tộc, thực hiện thành công mục tiêu trở
thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và thu nhập cao vào năm
2045.
Thủ tướng tiếp ông Chongrak Rattanapian - Chủ tịch ngân hàng
Kasikornbank
Trong bối
cảnh diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới, Chính phủ Việt Nam đang thực hiện
nhiều giải pháp nhằm "biến nguy thành cơ", quyết tâm tăng trưởng trên
8% năm 2025 và 2 con số giai đoạn 2026-2030.
Theo đó,
Việt Nam tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả 3 đột phá về thể chế, hạ tầng
và nguồn nhân lực, đảm bảo "thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản
trị thông minh"; thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo
và chuyển đổi số; phát triển kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của
nền kinh tế quốc gia.
Trong đó, Việt Nam đang tiếp tục hoàn thiện thể chế - "điểm nghẽn của điểm nghẽn" để khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển, nỗ lực cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh trong thời gian tới, đồng thời thực hiện quyết liệt cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương, cải cách thủ tục hành chính, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm, chuyển bộ máy hành chính từ trạng thái thụ động sang chủ động phục vụ người dân và doanh nghiệp, với mục tiêu từ 1/7 sẽ vận hành bộ máy mới trơn tru, hiệu quả hơn, ra quyết định và giải quyết các vấn đề nhanh chóng hơn.
Thủ tướng
đề nghị các tập đoàn, ngân hàng của Thái Lan tiếp tục mở rộng hoạt động, đầu tư
trong các lĩnh vực có thế mạnh và cả các lĩnh vực mới như kinh tế số, kinh tế
xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành mới nổi, công nghệ cao.
Thủ tướng tiếp ông Jormsup Lochaya – Chủ tịch Tập đoàn Super Energy
Theo Thủ
tướng, phía Việt Nam đang cải cách mạnh mẽ để đẩy nhanh tiến trình giải phóng mặt
bằng và triển khai thủ tục cho các dự án, do đó các nhà đầu tư cũng cần thực hiện
đúng cam kết, tích cực, khẩn trương, nhanh chóng, hiệu quả hơn trong triển khai
các dự án.
Thủ tướng
đề nghị các tập đoàn, ngân hàng với kinh nghiệm và mạng lưới đối tác của mình
tiếp tục hỗ trợ thu hút các doanh nghiệp Thái Lan và nước ngoài có uy tín để
tìm hiểu và triển khai các dự án đầu tư hiệu quả tại Việt Nam; tăng cường hợp
tác với các doanh nghiệp Việt Nam để giúp nâng cao năng lực công nghệ, kỹ thuật,
kỹ năng quản trị, phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng
cao, cùng tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực và thế giới; hỗ trợ chia sẻ
kinh nghiệm và tham vấn giúp Chính phủ tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế
chính sách phù hợp, hiệu quả.
Riêng với
tập đoàn CP, tập đoàn tư nhân lớn nhất của Thái Lan, Thủ tướng nhấn mạnh sự
nghiệp xây dựng và phát triển đất nước của Việt Nam không thể thiếu nông nghiệp;
trong chiến lược của Việt Nam những năm tới và cả 100 năm nữa thì nông nghiệp vẫn
là trụ đỡ quan trọng, là lĩnh vực cần phát triển theo hướng nông nghiệp công
nghệ cao, sinh thái, nông dân văn minh, nông thôn hiện đại. Do đó, hoạt động của
CP tại Việt Nam là phù hợp xu thế, đặc biệt cùng với việc thị trường xuất khẩu
của Việt Nam đang được nhanh chóng mở rộng trên khắp thế giới.
Thủ tướng
đề nghị CP đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, tăng năng suất lao động;
tận dụng tối đa nguyên liệu tại chỗ; tăng cường đào tạo và sử dụng nhân lực tại
chỗ, trong đó có nhân sự lãnh đạo, quản lý người Việt Nam để giảm chi phí; ký kết
các hợp đồng lâu dài với các vùng nguyên liệu; tăng cường chế biến sâu các mặt
hàng nông sản thế mạnh, có thương hiệu của Việt Nam và tận dụng mạng lưới thị
trường từ các FTA mà Việt Nam đã ký kết.
Với ngân
hàng Kasikornbank, Thủ tướng đề nghị tham gia phát triển trung tâm tài chính quốc
tế tại TPHCM và Đà Nẵng, tham gia cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém.
Thủ tướng
khẳng định, với tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", Chính phủ
Việt Nam sẽ luôn đồng hành và tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các doanh
nghiệp, nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư Thái Lan để hoạt động kinh doanh
thành công, tuân thủ quy định pháp luật, đóng góp vào sự phát triển, thịnh vượng
của 2 quốc gia.
Với các đề
xuất của doanh nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo cụ thể các bộ, ngành
khẩn trương giải quyết dứt điểm với thời hạn hoàn thành cụ thể; đồng thời giao
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Bích Ngọc làm tổ trưởng tổ công tác để tiếp
tục giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp Thái Lan.
Thủ tướng
mong muốn trong bối cảnh hiện nay, hai bên cùng phát huy tinh thần lắng nghe,
thấu hiểu, chia sẻ, đồng hành, hợp tác vượt để qua các khó khăn, thách thức và
tiếp tục gặt hái thành công.
Trước tác
động của chính sách thuế quan của các nước, Thủ tướng cho biết Việt Nam giữ vững
bình tĩnh, bản lĩnh, có giải pháp ứng phó phù hợp, kịp thời, hiệu quả, đặc biệt
là cùng các đối tác đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng trong bối
cảnh các thị trường bị thu hẹp, ảnh hưởng.
Đề nghị
các doanh nghiệp Thái Lan tại Việt Nam cũng phấn đấu tăng trưởng 2 con số và hoạt
động hiệu quả, Thủ tướng nhấn mạnh: Việt Nam trước hết phải thành công thì sẽ tạo
môi trường, hệ sinh thái cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư thành công và các
doanh nghiệp, nhà đầu tư thành công thì Việt Nam cũng sẽ thành công.
Theo BCP