Chiều ngày
8/7, tại Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị làm việc với lãnh
đạo các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL và các bộ, ngành về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy
các dự án cao tốc và triển khai các dự án ODA vùng ĐBSCL.
Cùng tham
dự cuộc làm việc có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch
và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn
Sơn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, Bộ trưởng Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thông Lê Minh Hoan, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan
Trung ương và 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL.
Trước đó,
sáng cùng ngày, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã dẫn đầu đoàn công tác của Chính
phủ khảo sát và làm việc với UBND TP. Cần Thơ về tình hình triển khai một số dự
án ODA trên địa bàn Thành phố gồm dự án đầu tư xây dựng bệnh viện Ung bướu Cần
Thơ có quy mô 500 giường, sử dụng vốn vay ODA của Hungary, dự án kè bờ sông Cần
Thơ sử dụng vốn vay của Pháp, dự án công trình cầu Trần Hoàng Na sử dụng vốn
vay của Ngân hàng Thế giới (WB).
8 dự án
đang triển khai với tổng vốn hơn 94.000 tỷ đồng
Các báo
cáo, ý kiến tại cuộc họp thống nhất đánh giá, ĐBSCL là địa bàn chiến lược đặc
biệt quan trọng, có nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh
tranh, là vùng nông nghiệp nổi tiếng thế giới; nhưng chưa phát huy hết tiềm
năng, thế mạnh, trong đó có nguyên nhân do kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ (thiếu
và yếu) và việc huy động, sử dụng nguồn lực cho phát triển còn hạn chế, trong
đó có nguồn vốn ODA. Có thể nói, hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông là điểm
nghẽn, cản trở ĐBSCL phát triển.
Những năm
qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, triển khai nhiều
giải pháp để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã
hội vùng ĐBSCL. Việc thể chế hóa chủ trương của Đảng bằng các cơ chế, chính
sách, pháp luật của Nhà nước, bố trí nguồn lực, tổ chức thực hiện rất tích cực
và có hệ thống.
Đến nay,
vùng ĐBSCL đã hoàn thành và đưa vào khai thác 171 km cao tốc theo quy mô phân kỳ
giai đoạn 1 (4 làn xe). 8 dự án đang được triển khai, bảo đảm cơ bản hoàn thành
trong giai đoạn 2021 - 2025, đưa vào khai thác trong năm 2026 với tổng chiều
dài 463 km (tổng mức đầu tư khoảng 94.400 tỷ đồng). Như vậy, đến năm 2026, khu
vực ĐBSCL sẽ có khoảng 554 km đường cao tốc.
Tuy nhiên,
việc triển khai các dự án giao thông tại ĐBSCL còn một số khó khăn như giải
phóng mặt bằng, nguồn vật liệu san lấp đắp nền đường, công tác quản lý dự án,
năng lực của nhà thầu, tư vấn, thủ tục giải ngân, điều kiện thi công phức tạp...
Các dự án
tại vùng ĐBSCL đi qua khu vực địa chất yếu, việc xử lý lún nền đường mất nhiều
thời gian; tiến độ hoàn toàn phụ thuộc vào việc bàn giao mặt bằng. Đến nay, phần
lớn mặt bằng đã được bàn giao, cơ bản đáp ứng yêu cầu về thi công; tuy nhiên, đối
với phần mặt bằng còn lại là các khu vực đất ở, di dời công trình hạ tầng kỹ
thuật là khó khăn nhất và mất nhiều thời gian nhất.
Nút thắt lớn
nhất của các dự án là bảo đảm nguồn vật liệu cát đắp, đến nay, mặc dù các dự án
đã được xác định nguồn cung, tuy nhiên, các địa phương triển khai các thủ tục để
giao mỏ cho các nhà thầu khai thác theo cơ chế đặc thù còn chậm, chưa đáp ứng
tiến độ thi công. Nếu không nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc, hoàn thành các
thủ tục để khai thác trong tháng 7/2023 sẽ ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành các
dự án.
Về vốn
ODA, trong giai đoạn 2021-2025, vùng ĐBSCL có 62 dự án sử dụng vốn ODA và vốn
vay ưu đãi nước ngoài đang triển khai với tổng mức vốn nước ngoài là 56.442 tỷ
đồng (tương đương 2,8 tỷ USD), kế hoạch đầu tư công trung hạn đối ứng vốn nước
ngoài từ nguồn ngân sách Trung ương được giao là 15.174 tỷ đồng. Giải ngân vốn
đầu tư công, vốn ODA của vùng ĐBSCL còn thấp, hết tháng 6/2023, giải ngân vốn
trong nước là 10.107,89 tỷ đồng (đạt 36,29%), giải ngân vốn nước ngoài là
153,910 tỷ đồng (đạt 5,34% - thấp hơn nhiều bình quân chung cả nước là 15,7%).
Các đại biểu cho rằng, còn nhiều tồn tại, hạn chế trong giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có vốn ODA, nhất là công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện dự án đầu tư; làm giảm hiệu quả của đầu tư công và vốn ODA.
Theo các đại
biểu, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng là nút thắt lớn đối với triển khai
các dự án đầu tư công, trong đó có các dự án ODA; nhiều dự án chuẩn bị đầu tư
không kỹ, áp dụng các công nghệ nhanh chóng thay đổi dẫn đến phải điều chỉnh
thiết kế, tăng chi phí, phải gia hạn thời gian thực hiện dự án; thể chế, pháp
luật về vốn ODA, vốn vay ưu đãi chưa điều chỉnh kịp thời theo yêu cầu thực tiễn,
các dự án ODA phải áp dụng đồng thời quy trình thủ tục trong nước và quy định của
nhà tài trợ nên mất nhiều thời gian; vướng mắc trong điều chỉnh dự án, điều chỉnh
chủ trương đầu tư, điều chỉnh hiệp định vay; ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh…
Nghiên cứu
xây dựng cầu cạn cao tốc khi thiếu nguồn vật liệu
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa nhấn mạnh vai trò chiến lược của vùng ĐBSCL, ý nghĩa quan trọng của việc phát triển hạ tầng giao thông đối với vùng khi tạo không gian phát triển mới, các khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ mới, thúc đẩy tăng trưởng, giải quyết các điểm nghẽn của vùng, nhất là về hạ tầng và chất lượng nguồn nhân lực.
Thủ tướng
nêu rõ, các công việc đã được các bộ, ngành và các địa phương vùng ĐBSCL triển
khai thời gian qua về đầu tư công, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông cơ bản
là suôn sẻ, đúng hướng, đạt những kết quả rất cơ bản, đáng mừng, đáng hoan
nghênh. Thủ tướng cảm ơn và đánh giá cao nỗ lực, quyết tâm, sự vào cuộc của các
bộ, ngành, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương vùng ĐBSCL, các
doanh nghiệp.
Tính chung
trên cả nước, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, chúng ta đã khánh thành và đưa vào khai
thác thêm 566 km đường cao tốc, nâng tổng số đường cao tốc của cả nước lên
1.729 km. Nếu chúng ta quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt thì mục
tiêu 3.000 km vào năm 2025 là khả thi cao và có thể vượt, tạo tiền đề, cơ sở để
thực hiện thành công mục tiêu 5.000 km đường bộ cao tốc vào năm 2030.
Bên cạnh
đó, khối lượng công việc lớn và phức tạp nên không tránh khỏi những khó khăn,
vướng mắc và các ý kiến tại cuộc làm việc về cơ bản đã tìm được "đầu
ra" cho các vấn đề cần giải quyết cho các dự án tại ĐBSCL.
Để đẩy
nhanh tiến độ triển khai các dự án, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, Thủ tướng
đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải
pháp.
Trước hết,
Chính phủ, Thủ tướng đã có nhiều chỉ đạo về bảo đảm nguồn vật liệu xây dựng. Thủ
tướng chỉ đạo và phân công Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp tục quyết liệt chỉ đạo,
kiểm tra, đôn đốc, xử lý bảo đảm nguồn vật liệu cho các dự án trọng điểm ngành
GTVT, trong đó có các dự án vùng ĐBSCL. Nghiên cứu phương án sử dụng cát biển
làm nguyên vật liệu đắp nền và nghiên cứu các phương án xây dựng cầu cạn cao tốc.
Các Bộ: Kế
hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, đặc biệt là Bộ
GTVT và các tỉnh, thành phố được giao làm cơ quan chủ quản dự án tập trung quyết
liệt chỉ đạo, yêu cầu ban quản lý dự án, tư vấn giám sát và các nhà thầu phải
phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất trong triển khai các dự án, hoàn thiện
các thủ tục quy định.
Thủ tướng
nhấn mạnh, cần nghiêm túc quán triệt các yêu cầu trong triển khai các dự án: Phải
bảo đảm chất lượng; phải bảo đảm tiến độ và phấn đấu sớm hơn; phải bảo đảm an
toàn, kỹ thuật, mỹ thuật, môi trường sinh thái và đặc biệt không để thiếu
nguyên vật liệu; không được đội vốn bất hợp lý, không chia nhỏ gói thầu; chống
tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, lãng phí ở tất cả các khâu; bảo đảm quyền
và lợi ích hợp pháp của nhân dân, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người
dân, doanh nghiệp; kịp thời khen thưởng khi làm tốt và kịp thời xử lý sai phạm.
Rút kinh
nghiệm từ việc triển khai các dự án cao tốc giai đoạn trước và phát huy tối đa
những kết quả đã đạt được, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành và các tỉnh, thành
phố chỉ đạo các chủ đầu tư, nhất là người đứng đầu cần bám sát thực tiễn, bám
sát dự án, quyết liệt trong điều hành, quản lý trong suốt quá trình thực hiện dự
án. Đồng chí Bí thư cấp ủy trực tiếp chỉ đạo, chính quyền vào cuộc, tích cực đi
kiểm tra thường xuyên, vừa xây dựng kế hoạch, vừa xây dựng chương trình, huy động
cả hệ thống chính trị vào cuộc để giám sát, quản lý chất lượng, đẩy nhanh tiến
độ các dự án.
Các bộ,
ngành liên quan phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố có dự án đi qua sớm hoàn
thành các nhiệm vụ được giao (giải phóng mặt bằng, tái định cư, thẩm định các dự
án thành phần,...); tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời tháo gỡ những
khó khăn, vướng mắc, vượt qua mọi thách thức để triển khai dự án, kiểm soát tiến
độ. Các nhà thầu khẩn trương huy động nhân lực, phương tiện thi công 3 ca 4
kíp. Các đơn vị tư vấn nâng cao trách nhiệm, làm việc chuyên nghiệp, độc lập,
thường xuyên kiểm tra, giám sát bảo đảm an toàn, chất lượng, tiến độ; tuyệt đối
không vì lợi ích cá nhân, không hạ thấp tiêu chuẩn, hạ thấp giám sát, tích cực
phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí...
Đối với
các dự án chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, Thủ tướng đề nghị các cấp
ủy đảng, UBND các tỉnh, thành phố triển khai công tác giải phóng mặt bằng, di dời
hạ tầng kỹ thuật, bảo đảm bàn giao 100% diện tích mặt bằng trong quý III/2023
(chậm nhất trước ngày 31/12/2023). Đặc biệt quan tâm đến công tác tái định cư,
hỗ trợ ổn định sản xuất để người dân có nơi ở mới, có công việc mới, sinh kế mới
ít nhất bằng và tốt hơn nơi cũ.
Đồng ý vay
2,53 tỷ USD cho 16 dự án ODA vùng ĐBSCL
Cho ý kiến
về một số dự án cụ thể, Thủ tướng nêu rõ, với dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu,
UBND tỉnh Tiền Giang chỉ đạo chủ đầu tư dự án phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT để
khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, trình Thủ tướng điều chỉnh chủ trương đầu tư
trong tháng 7/2023.
Với dự án
cao tốc đoạn Cần Thơ - Cà Mau, UBND các tỉnh tập trung giải quyết các vướng mắc
để bàn giao toàn bộ mặt bằng trong tháng 7/2023; UBND các tỉnh An Giang, Đồng
Tháp, Vĩnh Long quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành căn cứ các hướng dẫn của Bộ Tài
nguyên và Môi trường để triển khai thủ tục giao mỏ nguyên vật liệu cho các nhà
thầu khai thác, không để phát sinh các thủ tục hành chính làm ảnh hưởng đến tiến
độ dự án; các tỉnh An Giang, Vĩnh Long sớm xác định nguồn cấp cho khối lượng
cát còn lại của các dự án, trong đó ưu tiên cấp đủ nhu cầu năm 2023; chỉ đạo
các sở, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện các thủ tục để nhà thầu dự án Cần
Thơ - Cà Mau có thể khai thác các mỏ trong tháng 7/2023.
Với các dự án thành phần thuộc cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, chủ đầu tư tiểu dự án giải phóng mặt bằng bám sát tiến độ đã lập để thực hiện công việc liên quan, đảm bảo bàn giao diện tích còn lại trước ngày 31/12/2023; UBND TP. Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang sớm làm việc với UBND tỉnh An Giang để xác định cụ thể các mỏ cấp cho dự án và hoàn thành thủ tục khai thác.
Trước đó,
sáng cùng ngày, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã dẫn đầu đoàn công tác của Chính
phủ khảo sát và làm việc với UBND TP. Cần Thơ về tình hình triển khai một số dự
án ODA trên địa bàn Thành phố
Với các dự
án ODA, Thủ tướng nêu rõ chúng ta còn nhiều dư địa để tiếp tục mở rộng, linh hoạt
hơn trong việc vay vốn ODA khi nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia, bội
chi ngân sách nhà nước được kiểm soát tốt theo Nghị quyết của Quốc hội giao.
Thủ tướng
đồng ý chủ trương vay ODA từ 6 đối tác phát triển lớn nhất (đã có cam kết) với
mức vốn 2,53 tỷ USD cho 16 dự án phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí
hậu của vùng ĐBSCL để thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ; đồng ý cấp
phát 90% vốn cho các dự án này.
Thủ tướng
đề nghị các cơ quan, cá nhân tham gia dự án cần nâng cao ý thức trách nhiệm với
công việc, với ngành, với nhân dân, với Tổ quốc; nỗ lực cao hơn nữa, quyết tâm
cao hơn nữa, hành động quyết liệt hơn nữa, đổi mới tư duy, sáng tạo hơn nữa
trong cách nghĩ, cách làm để hoàn thành tốt nhiệm vụ góp phần triển khai các dự
án, góp phần hoàn thành mục tiêu Đại hội Đảng đã đề ra, vì sự hùng cường, thịnh
vượng của đất nước, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Theo BCP