Trò chơi điện tử đã trở thành ngành công
nghiệp giải trí có doanh thu lớn hơn cả điện ảnh và âm nhạc cộng lại. Ngày 25/8
tại Đức đã bế mạc Gamescom - hội chợ thương mại lớn nhất thế giới về trò chơi
điện tử.
Tờ Tấm gương hàng ngày ra tại Đức đầu tuần
vừa qua khi viết về hội chợ thương mại Gamescom cho biết: "Trò chơi điện tử
đang kết nối hơn 3 tỷ người trên toàn thế giới và con số này vẫn tăng
lên".
Trò chơi không chỉ để giết thời gian mà
còn đang được tận dụng để dạy học, đào tạo nghề, điều trị bệnh, huấn luyện binh
lính, là kênh quảng cáo và thậm chí tuyên truyền. "Tương lai của trò chơi
sẽ đa dạng thêm nữa" - bài báo viết - "Những công ty lớn nhất thế giới
vẫn đang đầu tư mạnh vào mảng trò chơi điện tử".
Nhưng tình hình lúc này có vẻ không thuận
lắm. Hội chợ thương mại lớn nhất thế giới về trò chơi điện tử vừa diễn ra tại Đức
có số lượng doanh nghiệp tham gia đông đảo nhất từ trước tới nay.
"Hơn 1.400 doanh nghiệp từ 64 quốc
gia, tăng khoảng 15% so với năm trước nhưng không thấy hãng Nintendo và Sony
PlayStation từ Nhật bản, theo một tờ báo khác cũng của Đức. Sau thời kỳ bùng nổ
kể từ đại dịch, thị trường trò chơi điện tử đang giảm tốc. Tờ báo lấy ví dụ, tại
Đức, doanh số trò chơi, thiết bị và dịch vụ trực tuyến trong nửa đầu năm nay đã
giảm khoảng 6%. Môi trường đầu tư quốc tế cũng nguội lạnh: "Trong mấy
tháng gần đây, một số doanh nghiệp trong ngành đã phải cắt giảm nhân lực, thậm
chí đóng cửa".
Đại dịch đã tạo cú hích cực mạnh cho công
nghiệp trò chơi điện tử. Nhiều đợt phong toả phòng dịch đã thúc đẩy một kênh giải
trí, vẫn kết nối được mọi người mà lại không cần phải trực tiếp gặp nhau. Tờ Le
Figaro ra tại Pháp viết: "Giới đầu tư mạo hiểm thấy lãi suất lúc đó quá thấp
đã trút hàng tỷ USD vào những doanh nghiệp nhỏ nhưng triển vọng, 7,5 tỷ USD cộng
cả châu Âu và Bắc Mỹ". "
Các tập đoàn lớn như Microsoft, Sony và
Nacon vung tiền ra mua các công ty khởi nghiệp với giá cao ngất ngưởng. Niềm hứng
khởi thái quá lúc đó "dẫn đến những mục tiêu phi thực tiễn và sản xuất dư
thừa, quá nhiều trò chơi, thị trường không hấp thụ kịp".
Thị trường trò chơi suy trầm nhưng vẫn giữ
được quy mô rất lớn. Tờ Deutsche Welle công bố kết quả một khảo sát tại Đức:
"Trong năm ngoái, người Đức đã chi gần 10 tỷ Euro mua trò chơi, thiết bị
và dịch vụ trực tuyến. Nhưng chỉ có khoảng 5% số tiền mà người Đức bỏ ra cho
trò chơi về lại với doanh nghiệp Đức". Phần lớn doanh thu chảy về các công
ty thiết kế trò chơi chủ yếu là tại Mỹ, Nhật và về với các doanh nghiệp gia
công trò chơi điện tử tại châu Á, như Ấn độ, Trung quốc, Philippines và Việt
Nam.
Theo PV Lê Hồng Quang - VTV