Số liệu thống kê theo Cục Quản lý Dữ liệu Quốc gia Trung Quốc (NDA), năm 2023 tổng lượng dữ liệu được tạo ra trên toàn quốc đạt 32 zettabyte (zettabyte:  đơn vị đo dung lượng lưu trữ kỹ thuật số tương đương với 1021byte), tương đương với nguồn tài nguyên số của hơn 10 triệu thư viện quốc gia.

Xuất phát từ việc ứng dụng công nghệ dữ liệu để phát triển sản phẩm và dịch vụ, dữ liệu đã và đang hình thành nên ngành công nghiệp dữ liệu bao gồm nhiều hoạt động số như thu thập, lưu trữ, xử lý, quản lý, ứng dụng, lưu thông và giao dịch dữ liệu.

Khi khái niệm "Big Data - dữ liệu lớn" vốn trừu tượng nay được tích hợp rộng rãi vào hoạt động kinh doanh, và mở ra nhiều cơ hội đáng kể cho các công ty nhằm nâng cao hiệu quả và mở rộng phạm vi thị trường.


Quy mô thị trường ngành cơ sở dữ liệu của Trung Quốc đã vượt con số 52 tỷ nhân dân tệ ( xấp xỉ 7,28 tỷ đô) vào năm 2023 và dự kiến ​​sẽ đạt mức 93,03 tỷ nhân dân tệ (khoảng 13,02 tỷ đô) vào năm 2028.

Sự tăng trưởng và mở rộng nhanh chóng trong những năm qua bởi lĩnh vực giao dịch dữ liệu là động lực tăng trưởng quy mô thị trường giao dịch dữ liệu nói chung, và sự gia tăng số lượng các doanh nghiệp ngành dữ liệu tại Trung Quốc nói riêng. Số liệu thống kê cho thấy trong 1 thập kỷ qua, số lượng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dữ liệu đã tăng vọt từ 110.000 doanh nghiệp lên hơn 1 triệu doanh nghiệp.

Nhấn mạnh vai trò của công nghiệp dữ liệu trong phát triển kinh tế, giáo sư Zhang Xianghong tại Đại học Giao thông Bắc Kinh, cho biết: Trong giai đoạn phát triển mới ngày nay, dữ liệu đã trở thành yếu tố sản xuất mới, chúng ta đang chứng kiến ​​sự xuất hiện của các tài nguyên sản xuất mới, không gian dữ liệu mới và cơ sở hạ tầng mới, cũng như sự trỗi dậy và tiến hóa của các hình thức công nghiệp mới”.

Để ứng phó với bối cảnh thay đổi của ngành công nghiệp đang phát triển này, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã chuyển sự chú ý sang việc hỗ trợ, thúc đẩy và định hướng sự phát triển của ngành dữ liệu.

Mặc dù ngành công nghiệp dữ liệu gắn chặt với công nghệ thông tin và lĩnh vực internet, nhưng nó cũng mang những đặc điểm phát triển riêng đòi hỏi các chính sách có mục tiêu cụ thể.”theo chia sẻ của ông Zhang Wang – 1 lãnh đạo thuộc NDA tại một cuộc họp báo gần đây.

Ông Zhang cho biết chính phủ Trung Quốc hiện đang xây dựng các chính sách có mục tiêu dành cho các doanh nghiệp muốn tạo ra đột phá về công nghệ, truyền dữ liệu và cải thiện cơ sở hạ tầng lưu trữ dữ liệu, qua đó phát triển và tạo ra các hệ sinh thái dữ liệu năng động và sáng tạo.

Theo kế hoạch hành động do NDA cùng một số cơ quan chính phủ khác công bố vào cuối năm ngoái, đến cuối năm 2026, phạm vi ứng dụng các công nghệ số và dữ liệu số sẽ mở rộng đáng kể và có tác động sâu rộng trong các lĩnh vực kinh tế, tốc độ tăng tưởng hàng năm đạt 20% và tăng gấp đôi quy mô giao dịch dữ liệu.

Bằng cách liên kết ngành công nghiệp dữ liệu đang phát triển với động lực phát triển kinh tế số rộng lớn hơn, Trung Quốc cũng đẩy nhanh những tiến bộ trong điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo và thương mại điện tử, cùng với các lĩnh vực kỹ thuật số khác.

Theo báo cáo của Học viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông Trung Quốc (CAICT), số lượng bằng sáng chế phát minh AI hợp lệ tại Trung Quốc đã đạt 378.000 vào cuối năm 2023, với tốc độ tăng trưởng hằng năm trên 40%, gấp 1,4 lần mức trung bình toàn cầu.

Và đóng góp vào những thành tựu vượt bậc của kinh tế số Trung Quốc chính là nhờ cơ sở hạ tầng kỹ thuật số lieen tục được mở rộng của Trung Quốc. Số lượng các trạm thu phát sóng 5G tại Trung Quốc đã tăng lên gần 3,92 triệu vào cuối tháng 6 vừa qua, tăng hơn 540.000 so với con số cuối năm ngoái.

Một báo cáo chính thức gần đây đã dự báo rằng khi quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng số được đẩy nhanh trên toàn quốc, ngành dữ liệu sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, lan tỏa sang các lĩnh vực khác và thúc đẩy quá trình chuyển đổi và nâng cấp các ngành công nghiệp truyền thống.

Theo CND