Số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, trong tháng 1/2025, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 4,33 tỷ USD, tăng 48,6% so với cùng kỳ.
Trong tổng
nguồn vốn hơn 4,33 tỷ USD, vốn đăng ký mới đạt gần 1,29 tỷ USD. Trong khi đó, vốn
tăng thêm đạt gần 2,73 tỷ USD, gấp gần 6,1 lần so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu
tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt hần 322,9 triệu USD, tăng 70,4% so với
cùng kỳ năm 2024.
Nhận xét về
tình hình thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam, Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng,
tháng 1/2025, dù sát với kỳ nghỉ Tết Âm lịch, song các doanh nghiệp vẫn tích cực
hoạt động sản xuất - kinh doanh, vốn đầu tư nước ngoài giải ngân đạt khoảng
1,51 tỷ USD, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ. Đây là một thông tin tích cực.
Tuy nhiên,
cũng do ảnh hưởng của hai đợt nghỉ Tết Dương lịch và Nguyên đán, mà các quyết định
đầu tư mới của các nhà đầu tư nước ngoài bị ảnh hưởng. Thêm nữa, do không có
nhiều dự án lớn, nên đầu tư mới trong tháng đầu năm đã giảm tương đối (giảm
43,6%).
Nhưng ngược
lại, cả vốn đầu tư điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần vẫn tăng mạnh, với các mức
tăng tương ứng 509,6% và 70,4%, giúp tổng vốn đầu tư của cả tháng tăng 48,6%.
Đây là mức tăng tương đối lớn khi trong tháng 1/2025 có tới 6 ngày thuộc kỳ nghỉ
Tết.
Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh trao chứng nhận đăng ký đầu tư cho Samsung
Display vào những ngày đầu năm mới 2025
Việc
Samsung Display tăng vốn đầu tư thêm hơn 1 tỷ USD có lẽ đã góp phần quan trọng
đưa mức vốn đầu tư tăng thêm tăng mạnh như vậy. Tỉnh Bắc Ninh, ngay những ngày
đầu năm 2025, đã trao chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhiều dự án, trong đó có dự
án tỷ USD của Samsung Display.
Số liệu từ
Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho biết, trong tháng 1/2025, các đối tác đầu tư lớn
nhất vẫn là các đối tác truyền thống của Việt Nam và đến từ châu Á. Riêng 5 đối
tác dẫn đầu (Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc, Hồng Kông) đã chiếm
73,4% số dự án đầu tư mới và 86,5% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước.
Trong đó,
cả Hàn Quốc và Nhật Bản đều tăng mạnh tổng lượng vốn đầu tư, tương ứng gấp 13,4
lần và 7,7 lần, và tăng cả về thứ hạng (tăng tương ứng 5 bậc và 4 bậc) so với
cùng kỳ năm trước.
Trong
tháng đầu năm 2025, báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, đã có 55 quốc
gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Hàn Quốc dẫn đầu với tổng
vốn đầu tư hơn 1,25 tỷ USD, chiếm hơn 28,9% tổng vốn đầu tư, gấp 13,4 lần cùng
kỳ. Singapore đứng thứ hai với hơn 1,24 tỷ USD, chiếm 28,7% tổng vốn đầu tư,
tăng 1,1% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Nhật Bản, Trung Quốc, Hồng Kông…
Xét về địa
phương, Bắc Ninh đang dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1,39 tỷ USD, chiếm
32,2% tổng vốn đầu tư cả nước, gấp gần 6,1 lần cùng kỳ. Đồng Nai đứng thứ hai với
gần 959 triệu USD, chiếm 22,1% tổng vốn đầu tư đăng ký, gấp hơn 3,4 lần cùng kỳ.
Trong khi đó, Hà Nội đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 716,4 triệu USD, chiếm 16,8% tổng vốn đầu tư cả nước, tăng 1,9% so với cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là TP.HCM, Hải Phòng; Bình Dương…
Cục Đầu tư
nước ngoài cho biết, các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư
nước ngoài (cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục
hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư,…) tiếp tục thu hút phần
lớn lượng vốn đầu tư của cả nước.
Trong đó,
riêng 10 địa phương dẫn đầu đã chiếm 81,2% số dự án mới và 90,8% số vốn đầu tư
của cả nước trong tháng 1/2025.
Xét về
ngành, trong tháng 1/2025, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 16 ngành
trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến,
chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 3,09 tỷ USD, chiếm gần 71,3% tổng vốn
đầu tư đăng ký, tăng 99,1% so với cùng kỳ.
Ngành kinh
doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 1,09 tỷ USD, chiếm
23,5% tổng vốn đầu tư đăng ký, giảm 6,4% so với cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là
các ngành hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ; cấp nước và xử lý chất thải
với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt 98,8 triệu USD và 73,8 triệu USD.
Theo BĐT