Vượt qua “mùa đông” gọi vốn
Tổng vốn tài trợ cho các startup fintech ở 6 nền kinh tế lớn nhất ASEAN,
Singapore, Thái Lan, Indonesia, Philippines, Việt Nam và Malaysia, đạt 1,41 tỉ
đô la Mỹ trong ba quí đầu năm, theo báo cáo chung mới đây, với nhan đề “Fintech
in Asean 2024: Một thập niên đổi mới” của ngân hàng UOB, PwC Singapore và Hiệp
hội công nghệ tài chính Singapore (SFA).
Báo cáo ghi nhận, con số trên chiếm 4% tổng vốn tài trợ fintech trên
toàn cầu. Dù vốn tài trợ fintech của khu vực giảm gần 1% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng phục hồi đáng
kể sau mức giảm 71 % trong 9 tháng đầu
năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022.
Trong khi đó, nguồn vốn tài trợ fintech trên toàn cầu giảm 28% trong 3
quí đầu năm 2024, và hướng đến năm suy giảm thứ ba liên tiếp.
“Vượt qua mùa đông gọi vốn trong những năm gần đây do tình hình kinh tế
vĩ mô không chắc chắn, các khoản đầu tư fintech ở 6 nền kinh tế lớn nhất ASEAN
cuối cùng cũng thấy được tia sáng ở cuối đường hầm”, trích báo cáo.
Dựa trên dữ liệu từ nền tảng dữ liệu thị trường khởi nghiệp Tracxn, báo
cáo cho biết, các startup giai đoạn đầu ở ASEAN nhận được hơn 60% tổng vốn tài
trợ fintech của khu vực trong 9 tháng đầu năm.
Đáng chu ý nhất là hai giao dịch lớn liên quan đến GuildFi và
Longbridge. GuildFi, startup hoạt động trong lĩnh vực công nghệ chuỗi khối
(blockchain) của Thái Lan, huy động được tổng cộng 140 triệu đô la. GuildFi xây
dựng một hệ sinh thái kết nối với nhau, gồm các game dựa trên blockchain, các bộ
sưu tập kỹ thuật số và cộng đồng.
Trong khi đó, startup Longbridge của Singapore, nhà cung cấp các sản phẩm
môi giới chứng khoán trực tuyến, thu về 100 triệu đô la.
Điều này cho thấy, nhà đầu tư sẵn sàng đặt cược vào sự đổi mới ở cấp độ
nền tảng để kiếm lợi nhuận tiềm năng trong tương lai.
Theo báo cáo, động lực đó là tín hiệu tốt cho khả năng thích ứng trong
dài hạn của lĩnh vực fintech ASEAN, vì những ý tưởng mới liên tục được hỗ trợ.
Trong số chín loại hình fintech được khảo sát trong báo cáo, thanh toán
dẫn đầu về lượng vốn tài trợ, chiếm 23% tổng vốn tài trợ fintech của khu vực.
Công nghệ chuỗi khối (blockchain) trong dịch vụ tài chính đứng thứ hai với
thị phần 21%, tăng 19 điểm phần trăm so với năm 2023. Công nghệ ngân hàng đứng
thứ ba với thị phần 19%.
Thị phần vốn tài trợ của lĩnh vực cho vay thay thế (alternative
lending), dẫn đầu về vốn tài trợ vào năm ngoái, giảm 31 điểm phần trăm, xuống
còn 10%, vì lãi suất cao tiếp tục gây áp lực lên hoạt động cho vay.
Cho vay thay thế là hoạt động cho vay diễn ra bên ngoài ngành ngân hàng,
bao gồm cho vay ngang hàng (P2P lending) và những nền tảng cho vay kết nối chủ
doanh nghiệp đang cần vốn cũng có những nhà đầu tư sẵn sàng đáp ứng nhu cầu
này.
Tổng vốn tài trợ fintech ở 6 nền kinh tế lớn nhất ASEAN đạt 1,41 tỉ đô
la Mỹ trong ba quí đầu năm. Con số này chỉ giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái so
với mức giảm lên đến 28% của tổng vốn tài trợ fintech trên toàn trong cùng kỳ. Ảnh:
fintechnews.sg
Triển vọng tích cực nhờ môi trường vĩ mô cải thiện
Theo Shadab Taiyabi, Chủ tịch SFA, hệ sinh thái fintech của Singapore vẫn thu hút nguồn tài trợ mạnh mẽ nhờ sự hỗ trợ của cơ quan quản lý và các cơ hội hợp tác xuyên biên giới.
Tổng cộng có 62 giao dịch góp vốn đầu tư fintech được ký kết tại
Singapore, chiếm khoảng 62 % trong tổng số 99 giao dịch được ghi nhận ở 6 nền kinh tế lớn nhất ASEAN trong 9 tháng đầu
năm.
Xét về giá trị giao dịch, Singapore chiếm 53 %, tương đương 745 triệu đô
la Mỹ. Các startup fintech ở đảo quốc Sư tử đang duy trì thị phần gọi vốn nhất ở
ASEAN trong năm thứ 10 liên tiếp.
Tính từ năm 2015, Singapore là nơi có nhiều kỳ lân fintech nhất trong
khu vực, với sáu công ty được định giá hơn 1 tỉ đô la Mỹ. Trong số này có
starup thanh toán xuyên biên giới Nium, và Advance Intelligence Group, công ty
mẹ của nền tảng mua ngay trả sau Atome. Thái Lan vươn lên vị trí thứ hai, vượt
qua Indonesia, “á quân” gọi vốn fintech hồi năm ngoái. Các startup fintech của
Thái Lan thu hút 341 triệu đô la Mỹ vốn tài trợ, chiếm 24% tổng vốn tài trợ
fintech ở khu vực trong 9 tháng đầu năm.
Trong thập niên qua, nguồn vốn fintech trong khu vực tăng trưởng đáng kể,
tăng hơn 10 lần kể từ năm 2015 và đạt đỉnh gần 6,4 tỉ đô la Mỹ vào năm 2021.
Janet Young, người đúng đầu bộ phận số hóa, truyền thông chiến lược và
thương hiệu của UOB cho biết, fintech đã phát triển nhanh chóng để trở thành một
thành phần thiết yếu của hệ sinh thái tài chính ở ASEAN.
Bà lưu ý, lĩnh vực fintech của khu vực tiếp tục có triển vọng tích cực
nhờ môi trường vĩ mô đang cải thiện và sự xuất hiện của các công nghệ tiên tiến.
Lĩnh vực fintech ở ASEAN dự kiến hưởng lợi từ việc Cục Dự trữ liên bang
Mỹ (Fed) hạ lãi suất. Báo cáo của UOB, PwC Singapore và SFA nhận định, lãi suất
thấp hơn thường dẫn đến nguồn vốn tài trợ rẻ hơn, sự quan tâm lớn hơn của nhà đầu
tư đối với các quỹ cung cấp vốn tư mạo hiểm và mức định giá cao hơn của các
startup.
Theo Wong Wanyi, người đứng đầu fintech của PwC Singapore, tác động ngày
càng tăng của điện toán lượng tử và trí tuệ nhân tạo tạo sinh (GenAI) sẽ tiếp tục
thúc đẩy mở ra các biên giới mới trong dịch vụ tài chính, cung cấp các giải
pháp nhanh hơn, an toàn hơn và thông minh hơn.
Báo cáo chỉ ra rằng, GenAI có thể nâng cao đáng kể trải nghiệm của khách
hàng đối với các sản phẩm tài chính và tư vấn tài chính cá nhân hóa, cũng như cải
thiện khả năng phát hiện gian lận và quản lý rủi ro. Trong khi đó, điện toán lượng
tử có thể chuyển đổi fintech trong các khía cạnh như tối ưu hóa chiến lược đầu
tư.
Theo SGT