Starbucks có kế hoạch mở cửa hàng thứ 100 tại Việt Nam vào quý 2 năm nay, sau một thập kỷ kể từ lần đầu tiên đến Việt Nam và tiếp tục mở rộng hơn nữa.

Chuỗi Starbucks hiện có 87 cửa hàng tại bảy địa điểm của Việt Nam, 50 trong số đó ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Starbucks Việt Nam có hơn 800 nhân viên và 200 “bậc thầy” cà phê được đào tạo.

Đây là một trong số ít những thương hiệu đồ uống nước ngoài trụ lại thị trường Việt Nam đầy cạnh tranh, nhưng số lượng cửa hàng của Starbucks còn khiêm tốn so với một số chuỗi địa phương như Highlands Coffee (592 cửa hàng) và The Coffee House (154).

Tổng giám đốc Starbucks Việt Nam, Patricia Marques, nói rằng chuỗi Starbucks nhìn thấy những cơ hội mới ở các địa phương như tỉnh Bình Dương và Quy Nhơn.

Theo Cổng thông tin Allegra World Coffee của Vương quốc Anh, Việt Nam được dự báo sẽ có 5.200 chuỗi cửa hàng cà phê vào năm 2025, đồng nghĩa với sự cạnh tranh rất lớn đối với các chuỗi đang tìm cách mở rộng.

Đã có một số chuỗi đang giảm quy mô. Tháng trước PhinDeli đã đóng cửa một số cửa hàng tại các vị trí đắc địa, trong khi công ty thực phẩm KIDO thoái vốn khỏi TTV - đơn vị vận hành chuỗi nước giải khát Chuk.

Nhưng ngược lại, Highlands và Phúc Long tiếp tục mở các cửa hàng mới.

The Coffee House có kế hoạch mở lại các cửa hàng Signature trong năm nay, trong khi Passio Coffee, sau 15 năm chủ yếu bán các sản phẩm mang đi, hiện đang mở tại nhiều địa điểm hơn và cung cấp dịch vụ tại chỗ.

Những thương hiệu mới như Katinat, Phe La và Cheese Coffee cũng góp mặt.

Marques cho biết, tìm một địa điểm phù hợp cũng là một thách thức, đồng thời chỉ ra rằng trong khi ở Thái Lan, các nhà phát triển bất động sản thường tìm kiếm quan hệ đối tác với các thương hiệu lớn trước khi họ bắt đầu xây dựng trung tâm thương mại, thì ở Việt Nam, điều này không xảy ra.

Starbucks công bố doanh thu toàn cầu kỷ lục là 32,3 tỷ đô la Mỹ trong năm tài chính 2022 (kết thúc vào ngày 3 tháng 10), mức tăng trưởng 11%. Đồng thời hướng tới mức tăng trưởng 10-12% trong năm nay.

RNA