Về nơi có diện tích muối lớn nhất nước

Huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu có diện tích muối 1.280ha, được xem là lớn nhất tỉnh Bạc Liêu. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hồ Thanh Tuấn cho biết, năm 2020 khi được công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, nghề làm muối được Trung ương và tỉnh rất quan tâm và hỗ trợ cho huyện tổng kinh phí 130 tỉ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng đồng muối chất lượng cao, sản xuất muối theo cách cơ giới hóa và sản xuất hiện đại như trải bạt.

Theo anh Nguyễn Thanh Tuấn, diêm dân xã Điền Hải, huyện Đông Hải: “Năm nào mưa nhiều, muối ít, giá tăng. Ngược lại nắng to, muối nhiều giá hạ. Ở đây khi mùa mưa, người dân lấy đất muối nuôi cá kèo, nuôi tôm. Đến mùa nắng mới làm muối”.

 

Thu hoạch muối tại tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Nhật Hồ

Ông Nguyễn Hồng Quốc - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Diêm nghiệp Huy Điền xã Điền Hải, huyện Đông Hải - cho hay, sản lượng muối Bạc Liêu rất nhiều, chất lượng rất tốt, nhưng chỉ chế biến muối ăn nên giá trị chưa được cao. HTX đã xây dựng thương hiệu, nhằm đưa hạt muối Bạc Liêu ra các thị trường khác để diêm dân khá hơn.

Nếu như năm 2011, toàn tỉnh có hơn 3.000ha sản xuất, khoảng 1.300 hộ trực tiếp làm thì đến năm 2022 chỉ còn 1.411ha. Tình trạng này là do việc sản xuất muối không mang lại hiệu quả kinh tế.

Những cánh đồng muối hẹp dần

Số liệu của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy, diện tích sản xuất muối tại Việt Nam liên tục giảm qua từng năm: năm 2017 đạt 13.158 hécta; đến năm 2022 chỉ còn 11.009 hécta.

Hiện nay 19 tỉnh có sản xuất muối phê duyệt còn hơn 8.200 hécta. Những tỉnh có diện tích muối giảm nhiều nhất là Nam Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bạc Liêu.

Chia sẻ với PV Báo Lao Động, ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn - cho biết, theo Quyết định số 1325/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ngành muối giai đoạn 2021 - 2030 nêu rõ, mục tiêu đến năm 2025 tổng diện tích sản xuất muối duy trì 14.500 hécta. Đến năm 2030 tổng diện tích sản xuất muối 14.244 hécta với sản lượng đạt 2 triệu tấn/năm.

"Làm thế nào để "giữ" diện tích sản xuất muối, để diêm dân sống được bằng nghề, sản xuất đủ muối phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước để không phải nhập khẩu?", trả lời câu hỏi này, ông Lê Đức Thịnh thông tin, Việt Nam có nhu cầu sử dụng 1,5 - 1,6 triệu tấn muối và phải nhập khẩu 600.000 tấn muối. Có điều số lượng muối nhập khẩu là muối công nghiệp, khi nhập về có giá rất rẻ, thậm chí rẻ hơn cả muối trong nước sản xuất.

Lãnh đạo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn thừa nhận, sản xuất muối thủ công trong nước hiện nay, bà con nông dân rất khó khăn để cạnh tranh với các nước khác.

"Nước ta sản xuất 60 - 80 tấn/hécta muối thủ công, nhưng nước ngoài là 200 tấn/hécta. Vì vậy giá thành rất rẻ, nhưng muối đó dùng cho công nghiệp"- ông Thịnh nói.

Về giải pháp lâu dài, để giúp bà con diêm dân sống được bằng nghề, đại diện Bộ NNPTNT cho biết, hiện bộ đang nghiên cứu có giải pháp công nghệ để muối đáp ứng ngành công nghiệp và có giá trị hơn.

Đồng thời chuyển đổi từ tư duy sản xuất muối sang tư duy xây dựng nền kinh tế muối, đưa muối không chỉ là một gia vị, mà phải trở thành thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, hoá chất.

Theo BLĐ