Người trẻ từ chối đóng bảo hiểm hưu trí
Hệ thống hưu trí của Trung Quốc có nguy cơ cạn kiệt nguồn tiền trong một thập
kỷ tới. Và tình hình hiện tại cũng căng thẳng không kém, bởi quỹ hưu trí đang
phải đối mặt với mối đe doạ mới từ những người lao động trẻ như Gao Pengcheng.
Chàng trai có ảnh hưởng trên mạng xã hội này không tham gia bảo hiểm hưu
trí cá nhân tự nguyện của chính phủ và hầu hết bạn bè của cậu cũng vậy. Theo
Bloomberg, mức đóng hàng tháng khoảng 200 USD sẽ ngốn mất 20% tiền lương của
Gao.
Gao cho biết thay vì đóng quỹ hưu trí, cậu có thể dùng số tiền đó để ăn
ngoài hoặc mua túi xách mới. Gao cho rằng việc đóng góp là vô nghĩa vì ngân khố
có thể cạn kiệt vào thời điểm cậu nghỉ hưu.
“Về lý thuyết, bạn đang tiết kiệm cho tuổi nghỉ hưu của mình. Nhưng trên thực
tế, bạn đang dùng tiền của mình để hỗ trợ người khác”, Gao (22 tuổi) chia sẻ với
Bloomberg trong cuôc phỏng vấn tại trung tâm công nghệ cao Thâm Quyến.
Gao là một trong hàng chục triệu lao động trẻ tuổi lựa chọn không tham gia
các chương trình hưu trí của Trung Quốc, khiến hệ thống này mất đi một nguồn
tài trợ quan trọng ngay thời điểm các khoản thanh toán cho nhóm dân số già sắp
tăng vọt.
Hơn 20 triệu người lao động sẽ nghỉ hữu mỗi năm trong thập kỷ tới và tỷ lệ sinh thấp kỷ lục tại Trung Quốc đồng nghĩa rằng số người tham gia lực lượng lao động để đóng góp vào quỹ hưu trí sẽ ngày một ít đi.
Viễn cảnh vỡ quỹ hưu trí
Hiện tại, trụ cột chính của hệ thống hưu trí Trung Quốc đang phục vụ khoảng
460 triệu người và có nguy cơ ghi nhận khoản thâm hụt hàng năm đầu tiên trong
vòng 4 năm nếu chính phủ không can thiệp hỗ trợ. Xa hơn, quỹ này được dự đoán sẽ
cạn kiệt vào năm 2035 dù có Bắc Kinh hỗ trợ.
Với một nền kinh tế đang ngụp lặn trong nỗi lo giảm phát và gánh chịu hậu
quả từ khủng hoảng bất động sản, viễn cảnh hệ thống hưu trí sụp đổ có thể là
thách thức tiếp theo đối với Trung Quốc, quốc gia đông dân thứ hai thế giới.
“Sự thiếu hụt lòng tin sẽ càng bóp nghẹt ý định chi tiêu của các hộ gia
đình Trung Quốc”, ông Zongyuan Zoe Liu, thành viên cấp cao tại Hội đồng Quan hệ
Đối ngoại ở New York, lưu ý.
Ông Liu, người từng đăng tải một số báo cáo về những rắc rối của hệ thống hưu trí Trung Quốc, cảnh báo rằng vấn đề này sẽ gây thêm áp lực lên tình hình tài chính của chính phủ Trung Quốc.
Trên thực tế, Bắc Kinh không bỏ qua thách thức to lớn này. Hồi tháng 9 năm
ngoái, chính phủ đã nỗ lực củng cố hệ thống hưu trí bằng cách nâng tuổi nghỉ
hưu của nam giới từ 60 lên 63 và nữ giới từ 50 lên 55. Quyết định có hiệu lực từ
ngày 1/1/2025.
Trước đó, vào năm 2019, Bộ Nhân lực và An sinh Xã hội Trung Quốc cho biết họ
sẽ thực hiện một số bước để đảm bảo việc chi trả lương hưu trong tương lai.
Những biện pháp này bao gồm hạ ngưỡng tham gia đóng bảo hiểm hưu trí, giải
quyết tình trạng mất cân bằng giữa các khu vực bằng hỗ trợ bổ sung từ chính quyền
trung ương và tăng hỗ trợ tài khoá.
Tuy nhiên, các cuộc cải tổ của Bắc Kinh có thể đã quá muộn đối với nhiều
người. Theo Bloomberg, sự bất mãn đang gia tăng trong số những người trẻ được
yêu cầu tham gia một chương trình hưu trí. Họ không chắc quỹ hưu trí có còn tiền
khi họ ngừng làm việc hay không và nếu còn thì sẽ nhận bao nhiêu.
Một phân tích của Bloomberg dựa trên dữ liệu từ Bộ Nhân lực và An sinh Xã hội
Trung Quốc cho thấy dòng tiền ròng chảy vào hai trụ cột chính của hệ thống hưu
trí chỉ tăng 2,3% lên 542 tỷ nhân dân tệ (khoảng 74 tỷ USD) trong 10 tháng đầu
năm 2024, giảm so với mức tăng trưởng hai chữ số hai năm trước.
Cũng theo phân tích, số lượng người tham gia vào hai chương trình trên cộng
lại chỉ tăng 1,3%, bằng một nửa tốc độ năm 2019.
Hệ thống hưu trí cũng bị siết chặt do một số công ty không đóng bảo hiểm đầy
đủ cho nhân viên nhằm cắt giảm chi phí. Theo hãng dịch vụ Zhonghe Group, một cuộc
khảo sát trên 6.000 doanh nghiệp vào năm 2024 phát hiện chỉ 28% “tuân thủ đầy đủ”
quy định đóng bảo hiểm xã hội.
Trong một báo cáo gần đây về hệ thống hưu trí toàn cầu, Trung Quốc xếp hạng
31 trong 48 quốc gia được đánh giá.
Ông Liu của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại nhấn mạnh: “Nếu Bắc Kinh không thực hiện cải cách nào để tăng cường hệ thống an sinh xã hội nhằm giải quyết các vấn đề nói trên, thách thức thâm hụt quỹ hưu trí có thể tồi tệ hơn ước tính”.
Ba trụ cột của quỹ hưu trí
Giống như hầu hết mọi thứ ở Trung Quốc, quy mô của hệ thống hưu trí cũng rất
lớn. Bắt đầu gần như từ con số 0 vào năm 1951, Trung Quốc đã xây dựng mạng lưới
an sinh xã hội lớn nhất thế giới, trong đó chế độ hưu trí cơ bản hiện bao phủ
khoảng 1,1 tỷ người.
Hệ thống hưu trí Trung Quốc bao gồm ba trụ cột chính và tất cả đều đang thiếu
tiền ở một mức độ nào đó.
Trụ cột đầu tiên và lớn nhất áp dụng cho những lao động thành thị và công
chức đóng khoảng 8% tiền lương của họ, trong khi chủ lao động đóng 16%. Chương
trình này nhìn chung mang tính bắt buộc và được gọi là bảo hiểm hưu trí cơ bản.
Theo Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, ngân sách của trụ cột hưu trí đầu tiên sẽ đạt đỉnh ở mức 7.000 tỷ nhân dân tệ vào năm 2027, sau đó giảm mạnh và dần cạn kiệt vào năm 2035.
Trung Quốc đã bổ sung hai trụ cột khác để giảm bớt gánh nặng cho chương
trình đầu nhưng đến nay chưa tạo ra khác biệt lớn.
Trụ cột thứ hai được giới thiệu vào năm 2004, mang tính tự nguyện với tên gọi
bảo hiểm niên kim doanh nghiệp và đến nay có 31 triệu lao động tham gia. Tổng
tài sản của trụ cột thứ hai đạt 3.200 tỷ nhân dân tệ vào cuối năm 2023.
Trụ cột thứ ba là mảnh đất hứa hẹn cho các nhà quản lý tài sản toàn cầu như
BlackRock. Hãng môi giới Citic Securities ước tính trụ cột thứ ba có thể tích
luỹ tổng tài sản 12.000 tỷ nhân dân tệ vào năm 2035.
Sau khi thí điểm tại 36 thành phố, chính phủ Trung Quốc đã triển khai
chương trình hưu trí cá nhân tự nguyện này trên toàn quốc vào cuối năm ngoái.
Tuy nhiên, chương trình cũng không thu hút được nhiều sự chú ý.
Trong khi hơn 60 triệu người đã đăng ký tham gia trụ cột thứ ba, chưa đến một
phần ba đóng góp vào quỹ. Tổng dòng tiền vào trụ cột này đạt 28 tỷ USD vào cuối
năm 2023.
Trong bối cảnh chương trình hưu trí có những bất cập như vậy, Bloomberg cho
rằng không có gì gây ngạc nhiên khi những người trẻ như Gao Pengcheng từ chối
tham gia bảo hiểm hưu trí.
Tuy vậy, các nhà kinh tế cảnh báo rằng những người từ chối đóng bảo hiểm
hưu trí sẽ phải đối mặt với cuộc sống về già ảm đạm nếu họ không có tiền tiết
kiệm. Các chuyên gia cho biết nỗi lo vỡ quỹ hưu trí đã bị thổi phồng, bởi vì cuối
cùng Bắc Kinh sẽ ra tay can thiệp để tránh bất ổn xã hội.
Theo giáo sư kinh tế Yao Yang của Đại học Bắc Kinh, “thật ngu ngốc” khi người
trẻ từ chối tham gia đóng góp quỹ hưu trí. Ông nhấn mạnh: “Không quốc gia nào
có thể vỡ quỹ hưu trí”.
Vnb- Bloomberg