Sau bão,
ngày nào anh Nguyễn Anh Tuấn (khu 5, thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn) cũng
cùng những người anh em chung vốn nuôi trồng thuỷ sản (NTTS) tại khu vực hòn
Cái Suối (xã Bản Sen, huyện Vân Đồn) vừa tập trung nhặt nhạnh những thùng phuy,
bè tre… còn sót lại sau bão, vừa chạy đôn chạy đáo đi tìm mua vật liệu, thuê thợ
thuyền để làm lại bè, tái thiết lại công việc NTTS tại vùng biển đã từng mất trắng
hàng chục tỷ đồng do bão số 3.
Anh Tuấn
chia sẻ: “Mất sạch. 12ha ao đầm, lồng bè nuôi cá song, cá dìa… là vốn liếng,
công sức của 9 gia đình đổ vào đây khi sắp đến đợt thu hoạch thì bị bão cuốn
phăng đi hết. Bè vỡ trôi mất hết, cá sổng không còn gì, tàu thuyền bị đánh
chìm. Ước tính thiệt hại khoảng 25 tỷ đồng. Giờ chúng tôi bắt tay làm lại từ
con số không".
Cũng giống
như anh Tuấn, hàng ngàn hộ NTTS trên biển thuộc huyện Vân Đồn, Cẩm Phả, Hạ
Long, Quảng Yên… của tỉnh Quảng Ninh hầu hết đều “trắng tay” sau bão. Chỉ riêng
thiệt hại về NTTS trên biển của huyện Vân Đồn đã là trên 2.200 tỷ đồng. Đây
cũng là địa phương có quy mô NTTS trên biển lớn nhất và thiệt hại nặng nề nhất
tỉnh Quảng Ninh. Nhưng ngay sau khi bão tan, không ai bảo ai, mọi người đều tự
chủ động thu gom những gì còn sót lại và bắt tay ngay vào việc tái khởi động vụ
nuôi mới. “Mất ở đâu chúng tôi sẽ lấy lại ở đấy” – đó là quyết tâm của những
ngư dân Vân Đồn mà chúng tôi gặp sau bão.
Bão số 3
không chỉ gây thiệt hại nặng nề cho ngành NTTS của tỉnh Quảng Ninh mà gây ra
thiệt hại đến hầu hết các hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh… trên địa bàn
tỉnh. Thậm chí có nhiều gia đình, hộ kinh doanh mất cả gia sản.
Theo thống
kê sơ bộ của tỉnh Quảng Ninh, bão số 3 đã làm chết 25 người, hơn 1.000 người bị
thương, 78.685 nhà bị tốc mái; 70% cây xanh đô thị bị gãy, đổ; 165 tàu, phương
tiện thủy bị chìm. Hơn 102.800 nhà dân bị tốc mái; 251 nhà bị đổ sập; 4.942 nhà
bị ngập; 2.637 cơ sở nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 7.500 ha lúa bị ngập;
hơn 500.000 con gia cầm bị chết, cuốn trôi; gần 90.000 ha rừng bị thiệt hại… Ước
tính số tiền thiệt hại là hơn 24.200 tỷ đồng.
Khó khăn
càng chồng chất khó khăn khi hệ thống điện nước, mạng viễn thông gần như tê liệt
sau cơn bão vì hơn 5.400 cây cột điện các loại bị gẫy, đổ; 73 trạm điện bị hư hỏng,
1.211 trạm viễn thông mất liên lạc và 739 cột viễn thông bị hư hỏng…
Đây là những
mất mát vô cùng lớn, như một “đòn giáng chí mạng” tác động lên mọi mặt đời sống
kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh. Thế nhưng, điều đặc biệt là ngay sau khi
cơn bão dữ đi qua, hầu hết người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều khẩn
trương bắt tay vào chủ động khắc phục hậu quả, thiệt hại. Đồng thời phát huy
truyền thống “kỷ luật và đồng tâm”, toàn tỉnh Quảng Ninh từ người dân đến các lực
lượng vũ trang, từ các cơ quan, đơn vị nhà nước đến các doanh nghiệp lớn, nhỏ đều
hăng hái tham gia vào các công việc dọn dẹp vệ sinh môi trường chung, làm sạch
vịnh Hạ Long, hỗ trợ lẫn nhau nhanh chóng ổn định đời sống, sản xuất kinh
doanh.
Đồng hành
với Quảng Ninh còn có sự quan tâm, chia sẻ của Trung ương và các đơn vị, tỉnh,
thành bạn với hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ, kỹ thuật viên được cử đến chi viện.
Vì vậy chỉ trong thời gian ngắn Quảng Ninh đã dần khôi phục lại cảnh quan và mạng
lưới cấp điện, nước, hệ thống thông tin liên lạc cho người dân.
Để hỗ trợ
Quảng Ninh khắc phục hậu quả sau bão, Trung ương đã quyết định hỗ trợ tạm thời
100 tỷ nhưng Quảng Ninh đã xin nhường số tiền đó để Trung ương hỗ trợ những địa
phương khác khó khăn hơn, cũng đang phải chịu ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 và
hoàn lưu sau bão gây mưa. Quảng Ninh đã trích ngân sách cấp kinh phí hỗ trợ đợt
1 cho các địa phương trong tỉnh khắc phục hậu quả của bão với số tiền 180 tỷ đồng.
Tiếp đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã họp thống nhất chủ trương dành 1.000 tỷ
từ nguồn ngân sách tỉnh cho công tác khắc phục hậu quả bão số 3. Cùng với đó,
UBND tỉnh đang trình HĐND tỉnh một số chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp
như: Nâng mức trợ cấp bảo trợ xã hội; hỗ trợ 100% học phí; hỗ trợ xây, sửa nhà;
hỗ trợ trục vớt tàu đắm; hỗ trợ lãi suất cho vay...
Với mục
tiêu cấp bách nhằm tái thiết các công trình xây dựng, tài sản, cơ sở vật chất bị
thiệt hại, khôi phục mạnh mẽ hoạt động sản xuất của các ngành kinh tế, các khu
vực kinh tế, tỉnh Quảng Ninh bắt đầu xem xét xây dựng Đề án khôi phục, tái thiết
kinh tế sau cơn bão số 3. Đề án sẽ tính toán những nhiệm vụ cần triển khai trước
mắt, những nhiệm vụ lâu dài để tái thiết sau bão; thực hiện các chính sách hỗ
trợ nhà ở cho người dân bị hư hại; sử dụng nguồn lực đầu tư công và các nguồn lực
xã hội khác để đầu tư tái thiết, xây dựng lại các công trình cơ sở hạ tầng, các
công trình để ứng phó với biến đổi khí hậu; hỗ trợ các nhà máy, xí nghiệp, các
cơ sở sản xuất kinh tế, thu xếp việc làm và ổn định đời sống nhân dân…
Bên cạnh
đó, nhiều cuộc gặp mặt giữa lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh với các đơn vị dịch vụ du
lịch, hộ NTTS, hộ trồng rừng,… cũng đã được diễn ra kịp thời nhằm tìm cách tháo
gỡ khó khăn trong việc tái thiết sản xuất, kinh doanh. UBND tỉnh Quảng Ninh
cũng đã gửi văn bản đề nghị các ngân hàng có các cơ chế, chính sách đặc thù thuộc
thẩm quyền giải quyết để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như: Khoanh nợ, giảm
lãi suất cho vay, cho vay mới đối với những khách hàng không còn tài sản thế chấp,
cho vay mới với lãi suất phù hợp...
Bão số 3
đi qua với bao hậu quả nặng nề đến nay chưa thể thống kê đầy đủ và sẽ cần có thời
gian để khắc phục. Nhưng với sự hỗ trợ của Trung ương và các địa phương khác, sự
nỗ lực của các cấp uỷ đảng, chính quyền trong cùng sự chủ động, tích cực của
người dân, doanh nghiệp, tỉnh Quảng Ninh đặt niềm tin sẽ nhanh chóng khôi phục,
tái thiết đưa tỉnh trở lại lộ trình phát triển như trước đây.
BĐĐK