Doanh nghiệp
hóa chất tăng cường tái chế, giảm phát thải
Mới đây, tại TP
Hồ Chí Minh, Hội Hóa học Việt Nam (CSV) cùng Hội đồng trách nhiệm xã hội tự
nguyện của các doanh nghiệp Hóa chất Việt Nam (VRCC) và các đơn vị đã tổ chức hội
thảo “Chia sẻ kinh nghiệm triển khai kinh tế tuần hoàn và ứng phó biến đổi
khí hậu trong ngành công nghiệp hóa chất”.
Tiến sĩ Đỗ Duy
Phi - Chủ tịch Hội Hóa học Việt Nam (CSV) phát biểu tại hội thảo
Chia sẻ tại hội
thảo, Tiến sĩ Đỗ Thanh Bái - Chủ tịch VRCC cho biết, ngành hóa chất Việt Nam có
tốc độ tăng trưởng cao, trung bình khoảng 13%-14%/năm và có nhiều đóng góp quan
trọng cho nền kinh tế. Tuy vậy, hiện nay, hoạt động sản xuất kinh doanh và sử dụng
hóa chất cũng đang gây nhiều áp lực lên môi trường, sức khỏe con người và biến
đổi khí hậu. Vì thế, thúc đẩy quản lý hóa chất, thúc đẩy ngành công nghiệp hóa
chất phát triển bền vững là hết sức cần thiết để tối đa hóa các lợi ích.
Tại hội thảo,
ông Nguyễn Hoài Sơn - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Dow Việt Nam cho hay, hiện
Dow đã và đang thực hiện 4 dự án về kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Trong đó có
dự án đã rất thành công như trải 1,4 km đường tại Khu công nghiệp DEEP C (Hải
Phòng) từ nhựa tái chế. Tại dự án này, Dow Việt Nam đã kết hợp với Công ty TNHH
MTV Môi trường Đô thị Hải Phòng (URENCO Hải Phòng) thu gom bao bì nhựa dẻo như
màng polyethylene. Rác thải nhựa này được làm sạch, phơi khô và nghiền nhỏ trước
khi trộn với nhựa đường asphalt ở nhiệt độ 150 – 1800C. Dự án được hoàn thành
vào 11/2019, với tổng chiều dài đoạn đường từ rác thải nhựa đạt 1.4 km. Đoạn đường
này đã chuyển hóa tổng cộng 6.5 tấn bao bì nhựa dẻo, tương đương với hơn 1.7
triệu bao bì nhựa dẻo.
Rác thải nhựa được
Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hải Phòng (URENCO Hải Phòng) thu gom và xử
lý phơi khô, nghiền nhỏ trước khi trộn với nhựa đường asphalt ở nhiệt độ 150 –
1800C
Trải 1,4 km đường
tại Khu công nghiệp DEEP C (Hải Phòng) từ nhựa tái chế kết hợp với nhựa đường
asphalt
Ông Nguyễn Hoài
Sơn cũng cho biết, trong lộ trình từ nay đến năm 2035, 100% những sản phẩm của
Dow Việt Nam sẽ dễ thu gom, dễ tái chế hơn.
Ông Erick
Contreras, Tổng giám đốc BASF Việt Nam bày tỏ: Tại Việt Nam, BASF tập trung vào
hai trụ cột chính là kinh tế tuần hoàn và giảm phát thải CO2 để hỗ trợ khách
hàng đẩy nhanh sản xuất tuần hoàn, giảm chất thải và ô nhiễm, đồng thời cung cấp
các sản phẩm bền vững cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Hiện BASF Việt
Nam đưa ra mục tiêu đến 2030 giảm 25% lượng khí thải CO2; đến 2050 sẽ giảm phát
thải về 0.
Trong nỗ lực giảm
phát thải CO2, BASF cung cấp thông tin minh bạch, được chứng nhận, về mức độ
phát thải của sản phẩm và gắn kết các nhà cung cấp. Nhằm hỗ trợ nhà cung cấp và
toàn ngành, BASF chia sẻ kiến thức nhằm tạo chuẩn mực quốc tế cho các công cụ
tính toán mức phát thải CO2. BASF cũng làm việc cùng các nhà cung cấp và kỳ vọng
họ sẽ giảm thiểu lượng phát thải CO2 cho các sản phẩm của mình.
Để đóng góp vào
nền kinh tế tuần hoàn, thành phần nguyên liệu thô cũng được BASF tính toán lại
để đảm bảo các nguyên vật liệu có giá trị cao được tái sử dụng. Đơn cử như phụ
gia nhựa Tinuvin® NOR® của BASF được sử dụng trong các tấm bạt phủ nhà kính
giúp gia tăng độ bền và bảo vệ môi trường bằng cách giúp cắt giảm rác thải nhựa;
hay dòng sản phẩm IrgaCycleTM, được BASF ra mắt vào năm 2021 giúp cải thiện
thành phần cơ lý của nhựa tái chế, góp phần giúp loại nhựa này được sử dụng
trong các ứng dụng có giá trị cao hơn và tăng thành phần nhựa tái chế trong các
sản phẩm mới.
Dự án
ChemCycling của tập đoàn BASF, sử dụng dầu nhiệt phân chiết xuất từ lốp xe cũ
và rác thải nhựa theo phương pháp tái chế hóa học, thay thế cho nguyên liệu thô
có nguồn gốc hóa thạch. Điều này giúp giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu gốc
dầu mỏ, đồng thời hạn chế phát thải CO2 và góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm
rác thải nhựa.
Thêm vào đó, các
nguyên liệu có thể được tái tạo như chôm chôm hay dầu argan có thể giúp các
công ty mỹ phẩm cung cấp các sản phẩm cho người tiêu dùng mong muốn làm đẹp
theo hướng có trách nhiệm với môi trường. BASF cũng cung cấp vật liệu pin cho
xe điện và các giải pháp sơn phủ giúp tránh tác động thời tiết khắc nghiệt cho
tuabin gió, góp phần cùng Việt Nam tăng tốc độ chuyển đổi và phát triển năng lượng
tái tạo và xe điện.
Còn nhiều
rào cản về công nghệ, vốn, cơ chế chính sách
Thông tin thêm về
những rào cản ngành hóa chất gặp phải khi hướng tới kinh tế tuần hoàn, bà Nguyễn
Xuân Kim Phượng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dow Việt Nam phân tích: Hiện ngành
hóa chất ngày càng phải đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và cả xuất khẩu.
Bà Kim Phượng lấy ví dụ, đơn cử những bao bì cho sản phẩm tôm xuất khẩu cũng phải
làm bằng vật liệu thân thiện với môi trường. Đây là một trong những yếu tố để
các doanh nghiệp trong nước có thể “ghi điểm” trong công tác xuất khẩu với đối
tác nước ngoài. Như vậy, ngành hóa chất trong nước ngày càng phải thích ứng,
thay đổi công nghệ để đáp ứng những yêu cầu của quốc tế trong nền kinh tế tuần
hoàn.
Các Đại biểu thảo
luận về những khó khăn, vướng mắc và đề xuất kiến nghị trong quá trình hướng tới
kinh tế tuần hoàn ngành hóa chất
Việc đổi mới
công nghệ và đầu tư các phòng nghiên cứu và phát triển (R&D) phải được đặt
lên hàng đầu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp lại gặp khó vì để đổi mới công nghệ
đòi hỏi tiềm lực tài chính. Trong ngành sản xuất hóa chất của Việt Nam cũng còn
nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ với số vốn khiêm tốn. Việc phát triển ngành đặc
thù này đòi hỏi thời gian dài, thu hồi vốn chậm, vốn đầu tư lớn... và cần có một
cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp khuyến khích đầu tư.
Thứ hai, trong
kinh tế tuần hoàn, chất thải của ngành này sẽ là đầu vào của ngành khác. Bà Kim
Phượng lấy một ví dụ cụ thể về một nhà máy chuyên sản xuất vật liệu nhũ tương
cho ngành sơn nội thất tại Đồng Nai. Khi tiến hành xúc rửa các bồn sản xuất nhũ
tương này phát sinh ra phụ phẩm có thể đưa vào tái chế và sản xuất thành vật liệu
sản xuất gạch chống thấm rất tốt. Tuy nhiên, việc thương mại hóa sản phẩm gặp
khó khăn bởi vì phụ phẩm này bị coi là chất thải nguy hại. Và chưa có một cơ chế,
văn bản hướng dẫn để đưa sản phẩm chất thải này làm sản phẩm tái chế. Chính vì
thế đã hơn 3 năm qua, mặc dù biết rõ sản phẩm hữu ích và có thể tái chế, nhưng
vẫn không thể nào triển khai, thương mại hóa được sản phẩm này.
Từ thực tế này,
bà Phượng đưa ra đề xuất, cần có những cơ chế ưu đãi, khuyến khích đối với ngành
hóa chất để có thể giúp các đơn vị trong ngành đẩy mạnh nghiên cứu, đầu tư. Hơn
nữa, cần đơn giản hóa thủ tục hành chính khi kê khai nhập khẩu hoá chất, theo
đó, không nên bắt buộc doanh nghiệp phải kê khai 100% các thành phần hoá chất
vì doanh nghiệp phải bảo hộ thông tin bí mật kinh doanh khi đã đầu tư rất nhiều
vào đổi mới sáng tạo ra sản phẩm mới. Ngoài ra, đối với những đơn vị đã và đang
làm tốt công tác giảm phát thải, cần có những chính sách khuyến khích cụ thể để
doanh nghiệp có động lực tiếp tục đầu tư làm tốt hơn nữa.
Bên cạnh đó,
cũng theo phản ánh của các doanh nghiệp, mặc dù đóng vai trò quan trọng cho nền
kinh tế, thế nhưng từ trước đến nay, hóa chất vẫn bị một số địa phương e dè, ngại
cấp phép cho các dự án hóa chất đơn lẻ do. Do vậy, các doanh nghiệp kiến nghị
các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần quy hoạch khu công nghiệp, cụm
công nghiệp cho các doanh nghiệp di dời vào để được hoạt động ổn định, bền vững
hơn.
Cần sớm
xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn
Trao đổi thêm về
những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp Hóa chất, Tiến sĩ Mai Thanh Dung -
Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài
nguyên Môi trường) cho biết, hiện Bộ Tài nguyên Môi trường đang xây dựng dự thảo
để trình Thủ tướng Chính phủ về dự án xanh, chuyển đổi xanh... Trong thời gian
tới, sẽ có những cơ chế tài chính riêng của Nhà nước hỗ trợ cho những dự án
xanh, thương mại xanh để góp phần khuyến khích nền kinh tế tuần hoàn.
Tiến sĩ Mai
Thanh Dung cũng nhận định, hiện chính sách về kinh tế tuần hoàn có nhiều nhưng
thực tế triển khai chưa được hiệu quả. Nhiều chính sách không khả thi liên quan
đến chính sách thuế của nhà nước... Sắp tới đây chúng tôi sẽ tiến hành rà soát
lại toàn bộ hệ thống chính sách của Nhà nước để có thể hỗ trợ tối đa cho doanh
nghiệp trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn.
Tiến sĩ Đỗ Thanh
Bái - Chủ tịch VRCC cũng đưa ra khuyến nghị, liên quan đến việc khó khăn, vướng
mắc của đơn vị khi chuyển từ chất thải sang làm sản phẩm tái chế, các cơ quan
có thẩm quyền cần sớm nghiên cứu và ban hành hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn. Từ
hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn này, các đơn vị mới có cơ sở để có thể phát triển
và thương mại hóa được các sản phẩm tái chế. Hiện tại chúng ta còn đang rất thiếu
các hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn này. Đây cũng là một trong những vấn đề cấp
thiết cần phải làm ngay.
Các chuyên gia
cũng nhận định, phát triển công nghiệp hóa chất theo hướng tuần hoàn, bền vững
là một xu hướng tất yếu đối với sự phát triển chung của nền kinh tế. Để đạt được
các mục tiêu phát triển bền vững, các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp
hóa chất cần xây dựng chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp
phù hợp; ưu tiên đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng xanh, thân thiện với môi
trường. Bên cạnh sự chủ động, nỗ lực của các doanh nghiệp, các cơ quan chức
năng cũng cần có những hỗ trợ ưu đãi về tài chính, tìm đầu ra cho các sản phẩm
được tái chế... cho các doanh nghiệp.
Theo Nguyễn Duyên - BCT