Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) mới đây cho
biết, thời gian 6 tháng còn lại của năm vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức cả
về thị trường tiêu thụ, lãi suất. Tuy vậy, Tập đoàn này đặt mục tiêu lợi nhuận
cộng hợp 6 tháng cuối năm 2023 đạt 2.285 tỷ đồng, lũy kế cả năm 2023 đạt 3.471
tỷ đồng, bằng kế hoạch đề ra cho năm nay.
Cụ thể, Vinachem cho biết, doanh thu 6
tháng cuối năm 2023 sẽ nỗ lực đạt 29.868 tỷ đồng, bằng cùng kỳ năm 2022; lũy kế
năm 2023 đạt 57.152 tỷ đồng, bằng kế hoạch năm 2023. Lợi nhuận cộng hợp 6 tháng
cuối năm 2023 đạt 2.285 tỷ đồng, lũy kế năm 2023 đạt 3.471 tỷ đồng, bằng kế hoạch
năm 2023. Tổng giá trị đầu tư xây dựng 6 tháng cuối năm 2023 đạt 580 tỷ đồng, cả
năm 2023 đạt 848 tỷ đồng, bằng 75% kế hoạch năm 2023.
Đại diện lãnh đạo Vinachem cho hay, như vậy,
tuy gặp nhiều khó khăn nhưng về cơ bản các chỉ tiêu giá trị sản xuất công nghiệp,
doanh thu, lợi nhuận, xuất khẩu...đang bám sát kế hoạch đề ra, là cơ sở để Tập
đoàn tiếp tục nỗ lực, cố gắng để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra cho cả
năm 2023.
Để hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch năm 2023
trong điều kiện tình hình địa chính trị trên thế giới diễn biến hết sức phức tạp,
tăng trưởng nền kinh tế toàn cầu đang bị suy giảm. Cùng với đó, tốc độ tăng trưởng
các nhóm ngành sản xuất của các đơn vị trong Tập đoàn đang có dấu hiệu chững lại
và gặp khó khăn, ẩn chứa những yếu tố bất lợi, tập đoàn cùng toàn thể cán bộ
công nhân viên các đơn vị sẽ nỗ lực, cố gắng hết sức để hoàn thành cao nhất nhiệm
vụ đặt ra.
Theo lãnh đạo Vinachem, để hỗ trợ, giải
quyết vướng mắc trong thời gian còn lại của năm, Vinachem đã đề nghị Chính phủ,
Ủy ban, các bộ, ngành tích cực hỗ trợ, sớm phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử
lý nhà, đất tại các đơn vị thuộc Tập đoàn theo quy định tại Nghị định số
167/2017/NĐ-CP, Nghị định số 67/2021/NĐ-CP.
Cùng đó, đẩy nhanh tiến độ giải ngân khoản
hoàn thuế giá trị gia tăng giúp đỡ các đơn vị bổ sung nguồn vốn lưu động, hỗ trợ
giải quyết bớt khó khăn trong bối cảnh chính sách ngân hàng đang siết chặt và
lãi suất đi vay vẫn còn ở mức cao.
Để bảo vệ sản xuất trong nước, các bộ
ngành duy trì biện pháp phòng vệ đối với sản phẩm phân DAP và MAP nhập khẩu nhằm
bảo vệ sản xuất trong nước, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, bảo đảm sự
lành mạnh của thị trường, tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững của các
doanh nghiệp trong nước, nhằm đạt mục tiêu xây dựng nền kinh tế tự chủ, tránh
phụ thuộc vào bên ngoài.
Đồng thời, ban hành các tiêu chuẩn, quy
chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật về việc xử lý
Gyps làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình
xây dựng; có chính sách ưu đãi về thuế đối với xử lý chất thải thạch cao PG
thành nguyên liệu cho phụ gia sản xuất xi măng góp phần giảm thiểu nguy cơ ô
nhiễm môi trường; xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh
thuế nhập khẩu thạch cao tự nhiên lên 10%...
Báo cáo của Vinachem cho hay, trong 6
tháng đầu năm 2023, tình hình sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Công nghiệp Hóa
chất Việt Nam gặp một số khó khăn do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan,
cụ thể: Tình hình kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường.
Lạm phát tuy đã hạ nhiệt nhưng còn ở mức cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro; nhu cầu
tiêu dùng và các hoạt động kinh tế tiếp tục suy giảm, kinh tế thế giới dự báo
tăng trưởng thấp trong năm nay…
Bên cạnh đó, cạnh tranh chiến lược, bất ổn
địa chính trị, an ninh lương thực, thiên tai, biến đổi khí hậu… ngày càng
gia tăng. Các mặt hàng phân bón, hóa chất cơ bản, hóa chất tiêu dùng… nhập khẩu
từ nước ngoài vào Việt Nam phục hồi cũng tạo áp lực cạnh tranh lên các mặt hàng
của Việt Nam và của các đơn vị thành viên thuộc tập đoàn.
Tình trạng khan hiếm, thiếu hụt nguồn cung
các loại than cho sản xuất phân bón với giá neo ở mức cao. Các đơn vị sản xuất
phân Urê phải dùng than cám 5a.10 để sản xuất làm tăng định mức tiêu hao và
tăng giá thành sản phẩm. Lãi suất huy động và lãi suất cho vay của các ngân
hàng thương mại cuối năm 2022, đầu năm 2023 có xu hướng tăng cao, làm cho các
đơn vị gặp rất nhiều khó khăn trong việc cân đối lượng vật tư nhập vào phục vụ
sản xuất kinh doanh, cũng như quyết định mua hàng của khách hàng. Đặc biệt,
tháng 6 vừa qua là cao điểm của nắng nóng, tình trạng thiếu điện chung của miền
Bắc dẫn đến tình trạng cắt điện luân phiên, ảnh hưởng rất lớn đến sự ổn định sản
xuất của các nhà máy.
Dù gặp nhiều khó khăn, song tập đoàn cùng
và các đơn vị thành viên đã nỗ lực, cố gắng phấn đấu để thực hiện kế hoạch sản
xuất kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2023. Một số chỉ tiêu thực hiện đạt kết
quả tích cực so với cùng kỳ năm 2022 như: sản lượng tiêu thụ mặt hàng chủ lực
là phân bón các loại tăng 8,8%, lấy lại đà tăng trưởng sau thời gian suy giảm,
cung ứng đầy đủ các mặt hàng phân bón với chất lượng ngày càng nâng cao.
Các nhóm sản phẩm cao su, điện hóa, hóa chất
cơ bản, chất tẩy rửa, khí công nghiệp đã có sự phục hồi mạnh mẽ, các chỉ tiêu
doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng so với lũy kế 6 tháng năm 2019 như doanh
thu tăng đến 30%, lợi nhuận tăng đến 15%; sản lượng tiêu thụ tăng mạnh so với
cùng kỳ năm 2022: lốp radial toàn thép tăng 11,3%, axit Clohidric HCl tăng
8,2%, chất giặt rửa các loại tăng tới 18,7% (trong khi chỉ số tiêu thụ toàn ngành
công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 2,2% so với cùng kỳ năm 2022).