Nửa đầu năm Thép Nam Kim đạt lợi nhuận ròng 1.166 tỷ đạt 94% kế hoạch năm

CTCP Thép Nam Kim (NKG) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2021 với doanh thu tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ lên trên 7.000 tỷ đồng và lợi nhuận gộp đạt trên 1.300 tỷ đồng, tăng gấp hơn 12 lần.

Trong nửa đầu năm, Thép Nam Kim ghi nhận lãi ròng 1.166 tỷ đồng, cao gấp 20 lần cùng kỳ và gấp khoảng 4 lần lợi nhuận cả năm 2020. Lợi nhuận của doanh nghiệp này đã đạt 94% kế hoạch năm.


Theo giải trình, kết quả doanh thu và lợi nhuận tăng vọt là nhờ xuất khẩu, nhất là vào châu Âu và Bắc Mỹ tăng trưởng mạnh mẽ và giá tôn thép lên cao. Trong 6 tháng, riêng mặt hàng tôn xuất khẩu của Nam Kim đạt hơn 300 nghìn tấn, tương đương 64% tổng sản lượng trong kỳ.

Việc EU duy tri các biện pháp tự vệ đối với thép nhập khẩu thêm ba năm nữa mà chủ yếu nhắm vào Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc và Trung Quốc cũng góp phần giúp các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu tôn-thép Việt Nam hưởng lợi.

Tôn Hoa Sen (HSG) của đại gia Lê Phước Vũ và Thép Hòa Phát (HPG) của tỷ phú Trần Đình Long cũng ghi nhận lợi nhuận tăng vọt trong thời gian gần đây.

Trong 6 tháng cuối năm, nhu cầu thép tại châu Âu và Bắc Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao, nhờ được thúc đẩy bởi sự phục hồi của hoạt động xây dựng khi dịch bệnh đang được kiểm soát tốt hơn.

Theo Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định: sự chênh lệch giá giữa châu Âu, Bắc Mỹ và Việt Nam ngày càng tăng sẽ khiến xuất khẩu thép có thể tiếp tục tăng mạnh nửa cuối năm. Biên lợi nhuận sẽ cao cho các nhà xuất khẩu Việt Nam. VDSC kỳ vọng sản lượng xuất khẩu vẫn sẽ tăng mạnh trong nửa cuối năm 2021 như trong 6 tháng đầu năm.

Tuy nhiên, sức cầu tiêu thụ nội địa trong quý III có thể thấp hơn quý II do mùa mưa và tác động của làn sóng Covid-19 mới, vốn đang khiến cho hoạt động xây dựng trở nên trì trệ.

Dù vậy, triển vọng chung của ngành Thép vẫn được đánh giá khá tích cực nhờ sự gia tăng nhu cầu hậu Covid-19 lớn, vượt quá khả năng sản xuất của các nhà cung cấp. Nhu cầu tại thị trường Bắc Mỹ và châu Âu vẫn sẽ rất lớn. Trong khi đó, lãi suất có thể giảm và mang đến thêm lợi nhuận cho các nhà sản xuất.