Mới đây Hội nghị phát triển dịch vụ logistics Quảng Ninh được tổ chức bởi tỉnh Quảng Ninh và Bộ Công Thương phối hợp tại TP Hạ Long. Tại hội nghị, rất nhiều ý kiến của các chuyên gia đầu ngành là đại diện các hiệp hội trong nước, quốc tế, các doanh nghiệp lớn về logistics và các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh tại địa bàn chia sẻ. Các ý kiến tập trung thảo luận về những nội dung liên quan trực tiếp đến hoạt động logistics nói chung và của tỉnh Quảng Ninh nói riêng; đề xuất giải pháp hữu ích trong phát triển dịch vụ logistics trong thời gian tới.
PGS TS Hồ Thị Thu Hoà, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển
logistics Việt Nam: “Quảng Ninh cần tập trung vào lợi thế riêng trong phát triển
logistics”
Đặt trong
một bình diện với các địa phương khác trong khu vực và cả nước, đặc biệt là tam
giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, theo tôi Quảng Ninh cần phải nhìn
nhận chuẩn xác và dồn nguồn lực để tận dụng những tiềm năng, lợi thế riêng có
nhằm phát triển logistics. Trong đó, có thể dễ dàng nhận thấy thế mạnh của tỉnh
Quảng Ninh trong việc có đầy đủ và đồng bộ các hạ tầng giao thông kết nối vùng,
liên vùng và quốc tế. Theo khảo sát phục vụ hội nghị của Viện Nghiên cứu và
Phát triển logistics Việt Nam, có tới 100% doanh nghiệp cung cấp dịch vụ
logistics được khảo sát đánh giá tỉnh Quảng Ninh hoàn toàn có tiềm năng phát
triển dịch vụ logistics cho thương mại điện tử và logistics xuyên biên giới.
Đây chính là một điểm gợi mở cho Quảng Ninh trong chặng đường phát triển tương
lai.
Tôi nghĩ rằng,
trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh cần phải phát huy hơn nữa thế mạnh của
mình trong hợp tác quốc tế, liên kết vùng. Trong đó, trọng tâm là phát triển mạnh
Cửa khẩu quốc tế Móng Cái để mở ra cơ hội hợp tác, trao đổi công nghệ với trung
tâm logistics Trùng Khánh và các tỉnh phía Tây Trung Quốc. Đồng thời phát triển
hơn nữa cảng Cái Lân kết nối với tuyến cảng khu vực Hải Phòng tới Thượng Hải, Cảng
Thương mại tự do Hải Nam (Trung Quốc); hợp tác sâu rộng ngành nông nghiệp nhiệt
đới với Trung Quốc. Cùng với đó, tỉnh cũng cần chú trọng việc tiếp tục hoàn thiện
và nâng cấp hệ thống hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông và nâng cao chất
lượng nguồn nhân lực.
Ông Bùi Văn Quỳ, Phó Tổng Giám đốc Công ty Tân Cảng Sài Gòn, Phó Chủ tịch
Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Cảng biển Đông Nam Á: “Mong muốn
tìm được các dự án phù hợp tại Quảng Ninh cũng như đối tác tiềm năng để phát
triển dự án logistics chất lượng”
Trong định
hướng phát triển của mình, Tân Cảng Sài Gòn hết sức chú trọng phát triển các
tuyến vận tải sà lan kết nối các cảng, cảng cạn của mình với hệ thống cảng của
các đơn vị khác và các KKT, KCN, việc này giúp các KCN tăng cường lợi thế thu hút
nhà đầu tư.
Tỉnh Quảng
Ninh có hệ thống các KKT, KCN, CCN nhiều tiềm năng và lợi thế. Cùng với đó, khu
vực miền Nam và Nam Trung Bộ - địa bàn hoạt động chính của Tân Cảng Sài Gòn có
nhiều sản phẩm nông nghiệp cần vận chuyển sang Trung Quốc qua Cửa khẩu quốc tế
Móng Cái. Việc sử dụng phương án vận tải đa phương thức bằng đường biển kết nối
cảng của Tân Cảng Sài Gòn tại khu vực phía Nam tới các cảng tại Quảng Ninh và
trung chuyển bằng đường bộ tới các cảng cạn khu vực mậu biên, chuyển sang kết nối
đường sắt vào các tỉnh sâu trong nội địa Trung Quốc là phương thức tối ưu về
giá hơn so với vận tải đường bộ và giảm thiểu rủi ro khi các cửa khẩu bị kẹt tắc.
Vì vậy, Quảng Ninh chắc chắn sẽ là địa điểm chúng tôi ưu tiên, quan tâm nghiên
cứu cơ hội đầu tư trong thời gian tới.
Tham dự hội
nghị chuyên sâu về logistics được tổ chức tại Quảng Ninh lần này, chúng tôi
mong muốn tìm được các dự án phù hợp tại tỉnh cũng như đối tác tiềm năng để có
thể phát triển dự án cảng và logistics hiệu quả, góp phần phát triển dịch vụ
logistics của tỉnh Quảng Ninh thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng
cao, hỗ trợ phát triển sản xuất, thương mại và xuất nhập khẩu của tỉnh cũng như
khu vực.
Ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận Đông
Nam Á (AFFA): “Phát triển logistics "xanh" sẽ phù hợp với định hướng
phát triển chung của Quảng Ninh cả ở thời điểm hiện tại và tương lai”
Theo tôi,
phát triển dịch vụ logistics “xanh” gắn liền, song hành và tạo điều kiện cho
phát triển dịch vụ du lịch sẽ là định hướng đúng đắn của tỉnh Quảng Ninh. Trong
đó, tỉnh nên ưu tiên chú trọng dịch vụ vận tải đa phương thức kết nối đường
biên, đường bộ và đường thủy nội địa, vốn là những thế mạnh của Quảng Ninh
trong Vùng kinh tế trọng điểm sông Hồng và kết nối với khu vực phía Nam Trung
Quốc qua cửa khẩu Móng Cái để tập trung phát triển mạnh mẽ ngành dịch vụ
logistics đầy tiềm năng.
Tỉnh cần đẩy
mạnh hình thành và phát triển các khu vực kho bãi, dịch vụ logistics tại khu
kinh tế cửa khẩu, KCN, các cảng biển, cảng cạn, cửa khẩu; tận dụng lợi thế về địa
lý, có đầy đủ 5 loại hình vận tải kết nối trong nước, khu vực và ưu thế trong kết
nối các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm Đông Bắc Bộ, cầu nối thương mại giữa
Việt Nam, Trung Quốc và các nước trong khu vực.
Bên cạnh
đó tỉnh Quảng Ninh cũng cần có các chính sách cụ thể ưu đãi khuyến khích đầu
tư, kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước đầu tư phát triển dịch vụ
logistics đồng bộ, hiện đại, nhất là kết cấu hạ tầng logistics cứng và mềm. Bên
cạnh các chính sách chung của Trung ương, tỉnh cũng cần có chính sách riêng của
mình, trước hết tập trung vào đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
cho ngành dịch vụ logistics; thúc đẩy phát triển nhanh các doanh nghiệp cung cấp
dịch vụ logistics của tỉnh; học tập, trao đổi kinh nghiệm phát triển dịch vụ
logistics quốc tế, trong đó có các nước thành viên ASEAN…
Ông Nguyễn Duy Minh, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics
VN (VLA): "Quảng Ninh cần xây dựng mô hình khu thương mại tự do"
Với một tỉnh
có nhiều thành phố nhất cả nước thì logistics phải được đặc biệt quan tâm. Từ
những tiềm năng, lợi thế của tỉnh, tôi đề xuất, Quảng Ninh phải có được mô hình
khu thương mại tự do.
Ở mô hình
này, người bán không nhất thiết phải là người sản xuất và người mua không nhất
định phải là người tiêu dùng cuối cùng. Có nghĩa là Quảng Ninh phải thu hút được
hàng hóa sản xuất từ tất cả các quốc gia khác đưa hàng về đây, sau đó chúng ta
cung cấp hàng hóa sang thị trường Trung Quốc. Nếu xây dựng thành công được mô
hình này, đây chính là công cụ để thay đổi dòng thương mại, giúp chúng ta bẻ
lái được dòng chảy thương mại từ các quốc gia lớn qua Quảng Ninh và đích đến là
thị trường Trung Quốc.
Và để làm
được điều này, việc phát triển logistics của tỉnh cần tập trung vào 3 vấn đề
chính: Logistics phải phục vụ cho công nghiệp, phục vụ cho đô thị và phục vụ
cho khu vực cửa khẩu. Do đó, Quảng Ninh cần tăng cường liên kết vùng với các địa
phương lân cận, kết nối các chủ hàng ở Hải Phòng, Bắc Giang với cảng Cái Lân
qua đường sắt Kép - Cái Lân; phát huy hiệu quả phục vụ vận tải hàng không tại
Sân bay quốc tế Vân đồn cho hàng chuyển phát nhanh, hàng thương mại điện tử
(e-commersce) và nghiên cứu quy hoạch, hình thành các trung tâm logistics theo
mô hình của một số nước, trong đó điển hình như Singapore.
Ông Lê Quang Trung, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC): “Nhanh chóng nghiên cứu các cơ chế chính sách đủ mạnh để thu hút các doanh nghiệp logistics đầu tư vào khu vực cảng biển của Quảng Ninh”
Quảng Ninh
có lợi thế vô cùng lớn cả về địa chính trị, địa kinh tế và tiềm năng trong hoạt
động cảng biển, từ đó tạo điều kiện và tiền đề thuận lợi cho phát triển
logistics. Tuy nhiên, tỉnh vẫn đang có một số vướng mắc khiến logistics chưa
phát triển tương xứng, chưa đạt được kết quả như kỳ vọng.
Dự hội nghị
do tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức lần này, tôi rất muốn
tham vấn cho tỉnh trong việc cần nhanh chóng rà soát tổng thể các bến cảng hiện
hữu, các bến phao neo tại khu vực Con Ong - Hòn Nét, hệ thống lại các bến cảng,
luồng lạch… để đánh giá, điều chỉnh quy mô, chức năng phù hợp với định hướng
phát triển cảng biển của tỉnh, đồng thời thu hút đầu tư vào lĩnh vực cảng biển.
Cùng với
đó, tỉnh cũng cần nghiên cứu ban hành cơ chế chính sách đủ mạnh để thu hút đầu
tư vào các KKT, tạo ra được nguồn hàng cho các hãng tàu về làm hàng tại các cảng
của Quảng Ninh; kêu gọi các doanh nghiệp có kinh nghiệm, năng lực tài chính và
ý tưởng đầu tư đồng bộ hệ thống cảng biển, hậu cần logistics, kinh doanh đa loại
hình dịch vụ theo chuỗi đạt chuẩn quốc tế về hệ thống sân bãi, kho hàng quy mô,
thiết bị vận chuyển, công nghệ mới... Tỉnh cũng cần tiếp tục triển khai các giải
pháp quảng bá, định vị thương hiệu hệ thống cảng biển Quảng Ninh đến các hãng
tàu lớn, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ cảng biển trên thế giới. Đồng thời,
cần có hành lang pháp lý đầy đủ để đảm bảo cho các mô hình kinh doanh logistics
mới trong thời đại kinh tế số như hiện nay…
Ông Richard Suzflak, Giám đốc DPWorld Việt Nam: "Logistics xanh -
xu hướng phát triển toàn cầu và là chiến lược phát triển bền vững"
Qua theo
dõi tôi nhận thấy Việt Nam đã có những cải thiện tích cực trong phát triển dịch
vụ logistics. Trong đó, việc tăng trưởng sản lượng container một cách ngoạn mục
từ trên 6 triệu năm 2010 lên gần 21 triệu là minh chứng cho sự trỗi dậy của Việt
Nam như là một trung tâm sản xuất và tiêu dùng quan trọng trong khu vực.
Tuy nhiên,
chi phí logistics tính theo tỷ lệ % GDP của Việt Nam vẫn trên 15%, cao hơn
Trung Quốc, Thái Lan hoặc Malaysia, Singapore, Mỹ và châu Âu (các nước này đều
dưới 10%). Với vai trò là thành viên của Tập đoàn của Các Tiểu Vương quốc Ả rập
Thống nhất (UAE) hoạt động trong lĩnh vực khai thác cảng biển, dịch vụ hàng hải,
đầu tư cơ sở hạ tầng, hiện DPWorld Việt Nam đang theo đuổi chiến lược phát triển
logistics xanh, tức là lồng ghép các yêu cầu về bảo vệ môi trường trong các hoạt
động kinh tế, thương mại trong hoạt động logistics.
Tầm nhìn của chúng tôi là dẫn đầu ngành với tư cách là nhà cung cấp toàn cầu các giải pháp hậu cần thông minh để góp phần trung hòa lượng khí thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2025. Bằng kinh nghiệm của mình, chúng tôi khuyến nghị Quảng Ninh nên phát triển logistics theo hướng này thông qua các giải pháp quan trọng sau: Tỉnh đặt mục tiêu xây dựng các trung tâm logistics đẳng cấp nhất tại các địa điểm quan trọng với một hệ sinh thái cho phép thương mại phát triển mạnh; xây dựng khu kinh doanh hoặc khu công nghiệp ngay bên cạnh bến tàu mà DPWorld vận hành. Những điều này sẽ tạo điều kiện cho người thuê hưởng lợi từ chi phí logistics cực thấp và cạnh tranh hơn trên thị trường thế giới. Và chúng tôi cũng sẵn sàng hỗ trợ Quảng Ninh trong việc thúc đẩy phát triển logistics theo định hướng mà tỉnh đề ra.
Bà Trần Thị Huyền, Quản lý kinh doanh cấp cao KCN DEEP C: “Ưu tiên phát
triển hạ tầng giao thông đã mang đến nhiều lợi ích cho doanh nghiệp trong phát
triển logistics”
Quảng Ninh
là một trong những tỉnh đầu tiên ở Việt Nam vạch ra được kế hoạch cụ thể trong
phát triển dịch vụ logistics, thúc đẩy chuỗi sản xuất bắt đầu bằng việc đầu tư
hạ tầng đường bộ. Việc ưu tiên các dự án phát triển hạ tầng giao thông có liên
kết khu vực và kết nối với các KKT, KCN, cảng biển đã tạo ra các trung tâm mới
phục vụ cho đầu tư quốc tế.
Đối với những
nhà đầu tư KCN như chúng tôi, việc Quảng Ninh có hệ thống đường cao tốc mở rộng
nhất Việt Nam, liên kết chặt chẽ các cực tăng trưởng phía Bắc, kết nối miền Bắc
Việt Nam với phía Nam Trung Quốc… chính là điểm cộng rất lớn trong thu hút đầu
tư, tạo ra những giá trị rất cốt lõi, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho
doanh nghiệp.
Để góp phần
nâng cao sức cạnh tranh của tỉnh, DEEP C cũng đang tích cực triển khai dự án nạo
vét sông Chanh với chiều dài gần 13km, cao độ -11m để kết nối trực tiếp với cảng
nước sâu Lạch Huyện tại TP Hải Phòng. Đây thực sự là các khoản đầu tư rất quan
trọng, là chìa khóa để Quảng Ninh chuyển mình thành một trung tâm logistics lớn
ở miền Bắc Việt Nam. Khi dự án này hoàn thành, chắc chắn Quảng Ninh sẽ thu hút
được nhiều doanh nghiệp lớn trong dịch vụ hậu cần, cảng và chúng tôi muốn mọi
người nghĩ đến Quảng Ninh sẽ nghĩ đến một trung tâm sản xuất năng động.
Ông Huang Jinxing, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar
(Việt Nam): “Dịch vụ logistics của Quảng Ninh cần có những điểm cải thiện, thậm
chí là cần có các bước đột phá mới”
Một trong
những yếu tố mà chúng tôi đặc biệt quan tâm trong quá trình đầu tư và vận hành
tại bất cứ một địa phương nào đó chính là dịch vụ logistics tại địa phương. Dưới
góc độ là một doanh nghiệp FDI đã và đang đầu tư trên địa bàn tỉnh, chúng tôi
nhận thấy dịch vụ logistics hiện nay của Quảng Ninh cần có những điểm cải thiện,
thậm chí là cần có các bước đột phá mới để có thể đáp ứng nhu cầu của các doanh
nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Với kinh
nghiệm đầu tư tại nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới, cũng như thực tế trải
nghiệm dịch vụ logistics tại Việt Nam và tại Quảng Ninh, chúng tôi xin được mạnh dạn đưa ra các đề xuất cải thiện
như sau: Tỉnh cần tiếp tục đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng để tạo điều kiện
phát triển thông thương hàng hóa; tăng sự tích hợp của các kênh logistics và
các kênh thương mại. Ngoài các dịch vụ truyền thống như lưu trữ, vận chuyển,
đóng gói và phân phối, dịch vụ hậu logistics có thể mở rộng đến việc nghiên cứu
và dự báo thị trường, mở rộng xuống phân phối, tư vấn logistics; sử dụng công
nghệ, thiết bị và quản lý tiên tiến để cung cấp dịch vụ; cần phải có một hệ thống
mạng lưới logistics hoàn chỉnh và toàn diện...
BQN