Thu nhập nửa tỷ đồng/năm từ mô hình nuôi bò 3B

Sinh ra và lớn lên trong gia đình nông dân, chị Trương Thị Tem ở thôn Tân Viên, xã Hồng Vân (huyện Ân Thi Hưng Yên) luôn tìm cách phát triển kinh tế gia đình, tạo điều kiện cho các con ăn học. Ban đầu, chị tập trung nuôi lợn thịt nhưng hiệu quả kinh tế thấp, dễ bị dịch bệnh và rủi ro cao nên từ năm 2015 chuyển hướng chăn nuôi bò 3B. Vợ chồng chị mạnh dạn vay vốn để đầu tư xây dựng chuồng trại, mua 50 con bò giống... Chăn nuôi hiệu quả, gia đình chị có thêm nguồn vốn để tái đầu tư sản xuất. Đến nay, trang trại thường xuyên duy trì 200 con bò thương phẩm theo hình thức “nuôi gối”, mỗi tháng xuất bán ra thị trường từ 10 con bò thịt.


Chị Trương Thị Tem ở thôn Tân Viên, xã Hồng Vân (Ân Thi) chăm sóc đàn bò 3B

Theo chị Tem, giống bò 3B có nhiều ưu điểm vượt trội như: Thích ứng tốt với môi trường, sức đề kháng tốt, ít dịch bệnh, tăng trọng nhanh... Nguồn thức ăn cho bò chủ yếu là phụ phẩm nông nghiệp đơn giản, dễ tìm như: rơm rạ, cỏ, thân cây chuối, cây ngô... kết hợp vỗ béo bằng cám gạo, cám ngô và thức ăn chăn nuôi công nghiệp… Mỗi con bò giống có giá từ 22 triệu đồng đến 25 triệu đồng, nhờ có kinh nghiệm cũng như kỹ năng chăn nuôi, đàn bò của gia đình chị bình quân 5 tháng cho xuất bán 1 lần khoảng 30 tấn bò thương phẩm với giá 80.000 đồng/kg. Trừ chi phí mỗi năm trang trại của chị cho thu lãi từ 500 – 600 triệu đồng.

Để chủ động nguồn thức ăn cho đàn bò và giảm chi phí đầu tư thức ăn công nghiệp, gia đình chị Tem trồng 6 mẫu cỏ voi, thuê người đi thu gom rơm (khoảng 50 mẫu). Đồng thời, thực hiện tiêm đầy đủ vắc xin phòng bệnh, thường xuyên vệ sinh và phun khử trùng chuồng trại. Nhờ đó, đàn bò phát triển tốt, ít bị dịch bệnh, cho thu nhập ổn định.

Không chỉ làm giàu cho gia đình, chị Tem còn tạo việc làm ổn định cho 3 lao động và nhiều lao động thời vụ với mức thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng; đồng thời sẵn sàng tư vấn kỹ thuật chăn nuôi cho các hộ dân có nhu cầu để cùng phát triển.

Mô hình Biến chất thải chăn nuôi thành phân hữu cơ

Trước thực trạng ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi ảnh hưởng đến sức khỏe con người, trong khi giá phân bón vô cơ tăng cao, không bền vững với cây trồng và tác hại xấu với thổ nhưỡng… chị Nguyễn Thị Ánh ở thôn Phú Khê, xã Thọ Vinh (huyện Kim Động) thành lập Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp dịch vụ và thương mại Thọ Vinh chuyên thu gom chất thải chăn nuôi về xử lý thành phân bón hữu cơ.


Mô hình xử lý phân hữu cơ của chị Nguyễn Thị Ánh ở thôn Phú Khê, xã Thọ Vinh (Kim Động)

Năm 2021, chị Ánh đầu tư gần 500 triệu đồng mua sắm máy móc, xây dựng nhà xưởng, học hỏi công nghệ, quy trình sản xuất phân bón hữu cơ. Ban đầu, để có nguồn nguyên liệu sản xuất, chị đến từng trang trại chăn nuôi (chủ yếu là nuôi gà, bò) trên địa bàn để đặt vấn đề thu mua chất thải.

Chất thải từ gia súc, gia cầm được vận chuyển về khu vực sản xuất của hợp tác xã, sau đó được xử lý cho bớt ẩm, rồi trộn vi sinh và ủ với nhiệt độ cao để loại bỏ mùi hôi, các mầm bệnh và vi sinh vật có hại cho cây trồng. Để tìm kiếm thị trường, chị Ánh tặng phân bón cho các hộ nông dân cấy lúa, trồng cây ăn quả trên địa bàn…

Nhận thấy hiệu quả, nhiều hộ nông dân tại địa phương chuyển hẳn hoặc sử dụng phần lớn phân bón hữu cơ do hợp tác xã sản xuất trong quá trình canh tác; cùng với đó là nhiều đơn đặt hàng lớn từ các tỉnh như Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Sơn La… Hiện nay, hợp tác xã cung cấp ra thị trường đa dạng các sản phẩm như: phân bón rau, bón lúa, bón cây ăn quả… đạt sản lượng trung bình 300 tấn/năm, với giá bán từ 7.000 đến 9.000 đồng/kg, trừ chi phí mỗi năm cho thu lãi hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, hợp tác xã còn tạo việc làm cho 10 lao động địa phương, chủ yếu là lao động nữ với thu nhập bình quân 7,5 triệu đồng/người/tháng.

Khởi nghiệp từ cây dược liệu truyền thống

Nắm bắt được nhu cầu về sản phẩm sạch từ các loại cây dược liệu trên thị trường ngày càng lớn, đây cũng là cây thế mạnh của địa phương, chị Đào Thị Dung ở thôn Ngọc Lịch, xã Trưng Trắc (huyện Văn Lâm) đầu tư xây dựng  mô hình trồng và kinh doanh cây dược liệu, mang lại hiệu quả kinh tế cao.


Chị Đào Thị Dung ở thôn Ngọc Lịch, xã Trưng Trắc (Văn Lâm) đóng gói sản phẩm cúc chi sấy khô

Sinh ra trong gia đình có truyền thống trồng cây dược liệu, chị Dung nhận thấy đây là những loại cây có tác dụng tốt đối với sức khỏe con người, thị trường tiêu thụ rộng, giá ổn định nên chị đầu tư tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật trồng. Do điều kiện quỹ đất sản xuất nông nghiệp tại địa phương ngày càng thu hẹp, chị kết nối với các công ty dược và hợp tác xã tại nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh để mở rộng vùng trồng cây dược liệu sạch với các giống cây chủ yếu như: huyết dụ, húng quế, bông mã đề, cỏ ngọt, kinh giới, tía tô, cúc chi… Tại mỗi hợp tác xã, chị Dung chuyển giao cây giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và bao tiêu sản phẩm giúp bà con nông dân yên tâm sản xuất. Trung bình hàng tháng chị kết nối và tiêu thụ giúp nông dân khoảng 100 tấn dược liệu các loại.

Hiện nay, gia đình chị trồng 1 mẫu cây dược liệu như húng chanh, đơn đỏ, cúc chi… Cùng với cửa hàng chuyên cung cấp các sản phẩm thuốc nam, thuốc bắc cho thị trường trong và ngoài tỉnh, trừ chi phí mỗi năm thu lãi 200 - 300 triệu đồng và duy trì việc làm cho 10 lao động địa phương với mức lương 6 - 7 triệu đồng/người/tháng.

Năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm trong phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương, những phụ nữ Hưng Yên có ý tưởng khởi nghiệp tiêu biểu được vinh danh không chỉ góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp, đồng thời là tấm gương sáng để phụ nữ trong tỉnh học tập, từng bước khẳng định vai trò và vị thế của phụ nữ xứ Nhãn trong gia đình và xã hội.