Hơn 8 năm trước, PGS.TS Vũ Ngọc Ánh cùng
nhóm nghiên cứu đã phát triển thiết bị bay không người lái (drone) dùng trong
nông nghiệp, nhưng nhận thấy drone tiêu tốn nhiều năng lượng và gây hại cho cây
lúa. Vì vậy, nhóm đã chuyển hướng sang phát triển máy AirBoot.
Sau 2 năm thiết kế và thử nghiệm, nhóm đã
hoàn thiện máy chăm sóc lúa đa năng với khả năng gieo hạt, phun thuốc và bón
phân. Máy sử dụng nhiều phao nhỏ giúp di chuyển dễ dàng trên ruộng mà không gây
hư hại cây lúa.
AirBoot có trọng lượng khoảng 15 kg khi
không tải, sử dụng động cơ điện 3.000 W và pin hoạt động liên tục trong một giờ.
Máy di chuyển với tốc độ trung bình 2 m/s và có khả năng mang tải gấp 3 lần so
với drone cùng loại, trong khi chi phí năng lượng không đổi.
Chi phí năng lượng không đổi nhưng khả
năng mang tải của drone tăng là bài toán mà nhóm nghiên cứu đã giải quyết. Máy
được trang bị hệ thống rải hạt li tâm và điều khiển tự động với GPS, giúp dễ
dàng quản lý qua điện thoại thông minh. Năng suất trung bình của máy đạt 4 ha mỗi
giờ, tương đương thay thế 10 công lao động.
AirBoot có giá khoảng 175 triệu đồng,
phiên bản mini cho ruộng quy mô nhỏ giá khoảng 100 triệu đồng. Ngoài cây lúa,
AirBoot còn có thể sử dụng cho các cây trồng khác như lúa mì, bắp, mía, khoai
tây, đậu nành, rau...
Sản phẩm này đang được thử nghiệm để đánh
giá tính khả thi trước khi hướng đến xuất khẩu và cạnh tranh với các sản phẩm
drone trên thế giới. Sản phẩm đã được đăng ký sở hữu trí tuệ vào năm 2023 và đã
được chấp nhận đơn.
Sản phẩm Máy nông nghiệp AirBoots của
PGS.TS Vũ Ngọc Ánh và cộng sự đã nhận giải Nhì trị giá 50 triệu đồng tại cuộc
thi Sáng kiến Khoa học 2024. PGS.TS Mai Anh Tuấn, giảng viên cao cấp tại Đại học
Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trưởng ban giám khảo, đánh giá cao tính
sáng tạo của máy với cơ chế phao trượt trên mặt ruộng.
Theo SHTT