Khó khăn khi đặt container -
mừng hơn ký đơn hàng mới
Theo ông Trương Đình Hòe - Tổng
thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), thời gian qua
các doanh nghiệp xuất khẩu trong ngành thủy sản đau đầu với việc giá cước
logistics tăng đột biến. Nếu trong năm 2021, giá cước vận chuyển đã nhiều lần lập
đỉnh thì trong năm 2022 lại tiếp tục tăng lên nhất là từ khi xung đột giữa Nga
và Ukraina làm tăng mạnh giá xăng dầu toàn cầu.
Để đặt chỗ container doanh nghiệp
Việt đang phải chờ đợi mất cả tháng, thậm chí kéo dài tới 2 tháng.
Số liệu từ VASEP cho thấy, hiện
giá cước vận tải biển ở nhiều tuyến còn cao hơn mức đỉnh của năm ngoái. Cụ thể,
giá cước đi Thái Lan (cảng Bangkok, Laem Chabang) 1.600 - 2.500 USD/cont tùy
hãng; Philippines (Davao, Cebu, General Santos) dao động 4.000 - 5.300
USD/cont; đi các cảng bờ Tây nước Mỹ dao động từ 12.000 - 14.000 USD/cont (tùy
hãng); đi bờ Đông nước Mỹ như (Baltimore, Miami, New Orleans, Houston…) dao động
ở mức cao từ 19.000 - 22.000 (tùy hãng)…
Theo báo cáo của Công ty Phân
tích vận tải biển Xeneta - đơn vị chuyên đo lường giá cước vận chuyển container
theo các hợp đồng dài hạn trên toàn cầu, cước vận chuyển đường biển theo hợp đồng
dài hạn đã tăng 7% trong tháng 3, tương đương mức tăng gần 97% so với cùng kỳ
năm ngoái.
Tuy nhiên với doanh nghiệp Việt
thì giá cước tăng không còn là nỗi lo duy nhất. Cái khó hơn nữa là việc đặt
container, mức độ khó tùy từng tuyến, từng hãng. Nhiều doanh nghiệp dù đã sản
xuất xong gần 2 tháng mới xuất được hàng nên khi đặt được chỗ thì mừng hơn ký
được đơn hàng mới.
Liên quan vấn đề này, bà Nguyễn
Thị Ánh - Giám đốc Công ty CP Thủy sản Sông Tiền chia sẻ, hai tháng nay công ty
liên tục bị hãng tàu delay với lý do “không xếp kịp container rỗng”. Theo đó,
doanh nghiệp đang chờ đóng khoảng 10 cont hàng qua thị trường Ai Cập, dù đã
book container trước 1 tháng và đã được hãng tàu hồi âm nhưng gần đến ngày đóng
hàng hãng tàu lại thông báo chưa xếp được lịch và lùi lại 10 ngày sau.
“So với năm ngoái, tín hiệu thị
trường ở Trung Đông, châu Âu rất khả quan nhưng thời điểm này doanh nghiệp đang
rất đuối sức bởi mọi chi phí tăng lại thêm vấn đề thiếu container khiến chúng
tôi mỗi khi book được cont mừng hơn ký đơn hàng mới”, bà Ánh cho hay.
Cùng chung cảnh ngộ, ông Nguyễn
Văn Sang - Giám đốc điều hành Công ty CP Furnis kể, từ sau tết tới nay doanh
nghiệp luôn trong tình trạng mòn mỏi chờ tin trả lời của hãng tàu về việc xếp lịch
đóng container xuất khẩu. “Năm ngoái book được container đã khó thì năm nay còn
khó hơn vì cứ 10 lần đặt chỗ thì hãng tàu chỉ đáp ứng cho chúng tôi được khoảng
70%. Đó là chưa kể thời gian chờ đợi kéo dài từ 4-8 tuần”, ông Sang cho biết.
Theo ông Sang, hiện mỗi tháng doanh nghiệp này xuất khẩu bình quân 40 cont gỗ nội thất các loại đi Mỹ, châu Âu. Nhìn chung tín hiệu thị trường rất tốt nhưng cái khó nhất với doanh nghiệp hiện nay lại là nỗi lo khan hiếm container đang tiếp diễn như thời điểm năm ngoái.
Là doanh nghiệp nhận đặt chỗ cho
các chủ hàng xuất khẩu, bà Phạm Thị Phương - Giám đốc Công ty TAM Logistics nêu
thực tế, các doanh nghiệp Việt hiện nay gần như mất lợi thế thương lượng về giá
cả và họ chỉ mong giành được chỗ để xuất hàng đi, chứ họ không có lựa chọn chờ
đợi. “Hiện chúng tôi nhận được rất nhiều yêu cầu đặt chỗ trên các hãng tàu, tuy
nhiên việc đặt chỗ trên tàu hiện nay rất khó”- bà Phương cho biết thêm.
Nguyên nhân của tình trạng
khó đặt được container?
Lý giải tình trạng khó đặt
container rỗng, ông Phan Văn Có - Giám đốc marketing Công ty TNHH Vrice chỉ ra,
hiện nay việc thiếu cont xuất khẩu chủ yếu tập trung vào một số tuyến như châu
Âu, Mỹ, Trung Đông… do doanh nghiệp Việt đang xuất siêu qua những thị trường
này. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, Việt Nam ít nhập khẩu hàng hóa từ các nước
nói trên, dẫn tới thời gian cont rỗng quay trở lại Việt Nam lâu hơn so với trước.
Ông Có dẫn chứng, cùng là xuất khẩu
gạo đi châu Âu nhưng hiện nay đối thủ của Việt Nam là Thái Lan vẫn thuận lợi
hơn khi đặt chỗ ở các hãng tàu bởi nước này dù xuất nhiều sang EU nhưng ngược lại
cũng nhập khẩu từ EU nhiều hàng hóa khác. “Chúng ta đang mất lợi thế cạnh tranh
so với các đối thủ xuất khẩu khác vì doanh nghiệp không biết lúc nào có cont,
không chủ động được thời gian xếp hàng, dẫn tới việc nhà nhập khẩu có thể sẽ
tìm một đơn vị cung ứng khác”- ông Có lo lắng.
Trước tình hình này, các hiệp hội
ngành hàng cho biết, Việt Nam cần sớm giải quyết để tuyến đường vận chuyển thủy
được thông thoáng, giúp tàu quốc tế tăng chuyến cập cảng Việt Nam. Bởi lẽ hiện
đa số tàu ngại vào cảng Việt Nam vì hạ tầng chưa đảm bảo nên mỗi lần vào đóng
hàng thường kéo dài 1 tuần, thay vì 1-2 ngày như các nước. Ngoài vấn đề trên,
Chính phủ cần khẩn trương kết nối lại các chuỗi cung ứng phục vụ cho xuất nhập
khẩu, hàng hóa, nguyên vật liệu và tiêu thụ ở thị trường nội địa; đầu tư xây dựng
hạ tầng giao thông, giảm bớt các chi phí vận chuyển, logistics cho doanh nghiệp.
Mai Ca - BCT