Giá lợn hơi vẫn duy trì ở mức cao

Trái với đà tăng liên tục của tháng 5, bước sang tháng 6/2024, giá lợn hơi trong nước giảm nhẹ so do nhu cầu tiêu thụ đang ở giai đoạn thấp điểm, xuống dưới 70.000 đồng/kg.

Cụ thể, ngày 28/6/2024, giá lợn hơi tại khu vực miền Bắc dao động trong khoảng 67.000 - 69.000 đồng/kg, giảm từ 1.000 - 2.000 đồng/kg so với cuối tháng trước. Giá lợn hơi tại miền Trung, Tây Nguyên dao động trong khoảng 63.000 - 67.000 đồng/kg, giảm từ 2.000 - 4.000 đồng/kg. Giá lợn hơi tại miền Nam dao động trong khoảng 66.000 - 68.000 đồng/kg, giảm 1.000 - 2.000 đồng/kg so với cuối tháng 5/2024.

Bước sang tháng 7/2024, giá lợn hơi vẫn duy trì ở mức dưới 70.000 đồng/kg. Cụ thể, giá lợn hơi miền Bắc ngày 11/7 quanh mức 67.000 - 69.000 đồng/kg; giá lợn hơi ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên trong khoảng 62.000 - 68.000 đồng/kg; ở khu vực phía Nam, giá thu mua dao động trong khoảng 63.000 - 66.000 đồng/kg.

Tại các doanh nghiệp, giá lợn hơi C.P miền Nam ở mức 68.000 đồng/kg; giá lợn hơi C.P miền Bắc ở mức 67.000 đồng/kg. Hiện, giá thịt lợn mảnh tại các chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội phổ biến quanh mức 120.000 - 145.000 đồng/kg.

Dù giá heo hơi tháng 6 không vượt mốc 70.000 đồng/kg, nhưng với mức giá như hiện nay đã cao hơn từ 14.000 – 16.000 đồng/kg so với thời điểm cuối năm 2023. Theo nhiều người chăn nuôi, năm ngoái, giá lợn hơi xuất chuồng chỉ ở mức 48.000 - 52.000 đồng/kg, khiến người nuôi lỗ 5.000 đồng/ kg. Với mỗi con xuất chuồng, hộ nông dân phải chịu lỗ từ 5 - 10 triệu đồng.

Thua lỗ khiến nhiều người chăn nuôi không mặn mà với việc tái đàn. Theo Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Trí Công, khảo sát sơ bộ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và các doanh nghiệp lớn cho thấy họ đã giảm đàn từ 30 - 40%, có nơi giảm tới 70%.

Thông tin từ Bộ NN&PTNT, theo kết quả khảo sát xu hướng chăn nuôi kỳ 1/4/2024 của gần 26.300 hộ nuôi lợn trên toàn quốc cho thấy: 3,07% số hộ dự kiến mở rộng sản xuất, 88,1% số hộ dự kiến ổn định sản xuất trong thời gian tới, 5,8% số hộ thu hẹp sản xuất, 3,03% số hộ không nuôi lợn nữa.

Trong bối cảnh mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ ngày càng thu hẹp, Bộ NN&PTNT nhận định, đàn lợn có xu hướng tăng mạnh trở lại do chăn nuôi nông hộ chuyển mạnh sang bán công nghiệp, liên kết với doanh nghiệp; chăn nuôi trang trại theo chuỗi kết hợp an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và ứng dụng công nghệ tiên tiến.

Ước tính tổng số lợn của cả nước đến thời điểm cuối tháng 6/2024 đạt hơn 25,5 triệu con, tăng khoảng 2,9% so với cùng thời điểm năm 2023; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 6 tháng đầu năm ước đạt 2,53 triệu tấn, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Tăng liên kết chăn nuôi, giảm chi phí đầu vào

Mặc dù trong bức tranh chung 6 tháng đầu năm, giá lợn hơi có xu hướng tăng. Tuy nhiên, hiện nay dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương khiến tình hình chăn nuôi không ổn định, vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt với khu vực chăn nuôi hộ nhỏ lẻ.


Khảo sát của Bộ NN&PTNT cho thấy, tỷ trọng các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ khoảng trên 30% tương đương hơn 1,7 triệu hộ. Ngoài nguyên nhân thua lỗ, số hộ nhỏ lẻ giảm còn do Luật Chăn nuôi mới. Việc số lượng hộ chăn nuôi nhỏ lẻ giảm không ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng sản lượng thịt lợn 4% (gần 4,9 triệu tấn) năm 2024. Bởi, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn và các trang trại mới là yếu tố quyết định đến tăng trưởng sản lượng thịt lợn.

Bộ NN&PTNT dự báo, nguồn cung lợn sẽ tăng trở lại trong thời gian tới. Tuy nhiên, do dịch bệnh vẫn còn phức tạp, giá lợn hơi có thể duy trì ở mức cao và chỉ giảm trở lại vào năm 2025.

Theo các chuyên gia, giá lợn hơi có thể duy trì ở mức hiện nay cho đến cuối năm 2024 do các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vừa mới bắt đầu tái đàn sau đợt dịch tả heo châu Phi năm 2023 và ít nhất đến tháng 12 tới mới có nguồn cung mới ra thị trường. Trong khi đó, các tiểu thương nhìn nhận vài tháng nữa, khi học sinh vào mùa tựu trường, nhu cầu tăng cao, giá lợn hơi sẽ tăng nhẹ, chạm mốc 70.000 đồng/kg.

Nhận định về tình hình chăn nuôi lợn, ông Nguyễn Văn Trọng - nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho rằng: việc chăn nuôi chuyên nghiệp theo quy mô trang trại, khép kín là xu hướng trong tương lai và mô hình nông hộ nhỏ lẻ sẽ mất dần.

Bởi, khi chăn nuôi theo mô hình trang trại khép kín, giá thành sẽ giảm 7 - 10% so với các hộ nuôi nhỏ lẻ. Các doanh nghiệp có thể tự chủ con giống, thức ăn chăn nuôi. Còn nông hộ mua thức ăn chăn nuôi và con giống ở bên ngoài sẽ phải gánh giá cao hơn 1.000 đồng/kg và 500.000 đồng/con giống.

"Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nên hợp tác với nhau theo mô hình hợp tác xã, hoặc liên kết với doanh nghiệp. Như vậy, người chăn nuôi có thể tối ưu được chi phí về con giống và thức ăn chăn nuôi, từ đó duy trì được đàn lợn của mình" - ông Nguyễn Văn Trọng khuyến cáo.

KTĐT