Ngày 11/5 vừa qua, tại Hải Phòng, tàu hàng rời có tải trọng 65.000 tấn, là con tàu lớn nhất từ trước đến nay do doanh nghiệp Việt Nam đóng mới đã được hạ thuỷ, bàn giao cho khách hàng. Đồng thời, con tàu 65.000 tấn số 2 cũng đã được đặt ky để tiếp tục sản xuất. Có thể thấy đây là tín hiệu đáng mừng đối với ngành đóng tàu của Việt Nam sau hơn chục năm "vật lộn" với quá trình tái cơ cấu, xử lý những khoản nợ khổng lồ mà Tập đoàn Vinashin để lại.


Cho đến thời điểm này, theo chia sẻ của Tổng công ty công nghiệp tàu thuỷ SBIC là tổng công ty mẹ của các công ty đóng tàu trên khắp cả nước, nhiều đơn vị, ngoài nhiệm vụ tái cơ cấu mạnh mẽ, hoạt động sản xuất kinh doanh cũng đang có những chuyển biến tích cực. Nhà máy đóng tàu Nam Triệu, nơi sản xuất ra con tàu lớn 65.000 tấn là một trong số đó.

Như vậy là một con tàu lớn do chính doanh nghiệp Việt Nam sản xuất đã được đưa ra biển. Con tàu có chiều dài gần 200m, rộng hơn 32m và cao hơn 19m này đã được cơ quan Đăng kiểm của Nhật Bản phân cấp để có thể hoạt động trên tất cả các vùng biển quốc tế, cũng như đáp ứng tất cả các yêu cầu khai thác của các cảng biển trên thế giới.


Con tàu có trị giá hơn 35 triệu USD, là sản phẩm của sự nỗ lực không ngừng nghỉ suốt 2 năm của hơn 500 cán bộ, kỹ sư và công nhân tại nhà máy đóng tàu Nam Triệu. Sau 10 năm tái cơ cấu, từ quý 1/2022 đến nay, giá trị sản xuất và doanh thu của công ty đã tăng 170% với cùng kỳ năm 2021.

Ngoài Nam Triệu, các thành viên khác của Tổng công ty công nghiệp tàu thuỷ cũng đang có nhiều hợp đồng với các chủ tàu trong và ngoài nước. Thậm chí, nhà máy đóng tàu Hạ Long đã có đơn hàng xuất khẩu đến hết năm 2027.

Ông Trần Mạnh Hà - Quyền Tổng Giám đốc Tổng công ty công nghiệp tàu thuỷ SBIC cho biết: "Phải duy trì tốt hoạt động sản xuất kinh doanh, chăm lo tốt đời sống cũng như trả lương đầy đủ cho người lao động. Thông qua đó, chúng tôi sẽ tạo được nguồn lực về nhân lực, cũng như tích luỹ được về mặt tài chính để tiếp tục ký được nhiều hợp động mới trong thời gian tới. Thứ hai, chúng tôi sẽ duy trì tốt toàn bộ cơ sở vật chất kỹ thuật hạ tầng mà trước đây là tập đoàn công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam Vinashin đã đầu tư nhiều chục năm vừa qua để làm sao khi bước sang trang sử mới, chúng tôi sẽ thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ".

Các nhiệm vụ tái cơ cấu Tổng công ty công nghiệp tàu thuỷ có nhiều khởi sắc nhờ vào những sự chỉ đạo quyết liệt tại Thông báo kết luận số 23 năm 2022 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 220 năm 2023 của Chính phủ và trước đó là Quyết định 1224 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Trần Mạnh Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Giao thông vận tải chia sẻ: "Thực hiện nhiệm vụ của Đảng, Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải rất sát sao, thường xuyên chỉ đạo và cũng đã có nhiều buổi làm việc trực tiếp với từng doanh nghiệp, đối với người lao động cũng như là khách hàng để khách hàng yêu tâm trong qúa trình tái cơ cấu SBIC".

Trong quá trình tái cơ cấu, nhiều đơn vị sẽ buộc phải cho phá sản. Nhưng phá sản không có nghĩa là dừng lại mà là để bỏ đi những thứ cũ kỹ, chằng néo, cản trở sự phát triển, để doanh nghiệp cũng như những con tàu, rồi sẽ đến một ngày có cơ hội được vươn ra biển lớn.

Theo TB VTV